Tin mới nhất

Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng

“Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Trong đó: Cán bộ, công chức, viên chức là một trong những đối tượng của người có chức vụ, quyền hạn”(1). Đây là căn bệnh dễ mắc, khó chữa và vô cùng nguy hiểm, nó có thể làm hủy hoại danh dự một cá nhân, mất uy tín một đảng chính trị, thậm chí, như V.I.Lênin cảnh báo “có thể làm sụp đổ cả chế độ”.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra hậu quả nghiêm trọng của vấn nạn tham ô, tham nhũng. Người cho rằng đó là một trong nhiều biểu hiện của căn bệnh chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng đồng nghĩa với tham ô, thói xa hoa, sự bóc lột dã man được che đậy dưới nhiều hình thức để lấy tiền công quỹ tiêu xài cho mục đích cá nhân. Người nói: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này làm bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(2).

Người chỉ ra nguồn gốc của tệ tham nhũng là tư tưởng cá nhân, biểu hiện ngại gian khổ, tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, quan liêu, độc đoán, chuyên quyền.… Hồ Chí Minh cho rằng, tham nhũng là tàn dư xấu của xã hội cũ. Vì vậy, theo người để phòng trừ đấu tranh với tệ tham nhũng phải phát huy dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia đấu tranh.

Dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng, tự do và quyền con người. Hồ Chí Minh coi “dân chủ là chìa khóa vạn năng” để chống tham nhũng. Tuy nhiên, tham nhũng là một căn bệnh nguy hiểm, nên phải coi việc chống tham nhũng cũng quan trọng như một mặt trận. Muốn thắng phải có sự chuẩn bị, có kế hoạch, tổ chức, phải có lãnh đạo và trung kiên. Theo Bác, phải thực sự coi đây là một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, cái đạo đức và cái phi đạo đức tạo thành phong trào đấu tranh rộng lớn cùng chống “giặc nội xâm”. Người nói: “Chúng ta từ trên xuống dưới phải đồng tâm hiệp lực để thắng lợi trong phong trào này. Mà thắng lợi trong phong trào này sẽ giúp ta đoàn kết hơn nữa, nâng cao năng suất hơn nữa. Nó giúp cán bộ ta cải tạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ, thấm nhuần đạo đức cách mạng”(3).

Trong chống tham ô, tham nhũng, ngay từ đầu, Người đã nhìn thấy đó là một kẻ địch tinh vi, nguy hiểm, muốn đấu tranh đạt hiệu quả thì nhất thiết phải động viên và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Vì vậy, muốn chống tham ô lãng phí, chống quan liêu thì phải dân chủ. Người coi việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng là chìa khóa đi đến thắng lợi, bởi trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ cơ hội chủ nghĩa, những kẻ luôn dấu mặt tinh vi và đặc biệt là có nhiều thủ đoạn, tất yếu phải nhờ vào tai, mắt, trí tuệ của nhân dân – vấn đề có tính quyết định đến thành công trên mặt trận chống tham nhũng. Bác khẳng định: “Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(4). Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì phải lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Mặt khác, trong bất kỳ công tác gì, đặc biệt là chống tham nhũng, phải giữ chặt mối liên hệ với nhân dân và luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi.

Trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm dân chủ của không ít cán bộ công chức trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, chính quyền ngày càng tăng, tạo điều kiện cho tham nhũng gia tăng ngày càng nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội mà nhất là trên lĩnh vực đất đai. Chính vì vậy, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”(5).

Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia chống tham nhũng, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, có rất nhiều việc phải làm, trước hết là việc nâng cao trình độ nhận thức (trình độ dân trí) và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của hai đối tượng là lực lượng nhân dân và đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn, trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân nên phải thường xuyên rèn luyện, “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đó là những yêu cầu tiên quyết, cần và đủ để sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội nói chung và lãnh đạo thực hiện dân chủ trong cơ chế thị trường hiện nay nói riêng.

Trải qua hơn 35 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; kinh tế văn hóa, xã hội phát triển; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đẩy mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày được nâng cao, an ninh quốc phòng được giữ vững; chính trị ổn định như Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”. Các vấn đề tiêu cực, đặc biệt là vấn nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí và bệnh quan liêu, dù có làm chậm bước phát triển của xã hội, gây khó khăn cho sự nghiệp đổi mới, song với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta, nhất định sẽ tiêu diệt được những căn bệnh ký sinh đó ra khỏi đời sống xã hội. Hơn lúc nào hết đòi hỏi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phải phát huy quyền làm chủ, kiên quyết loại trừ những “ông quan cách mạng” độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, hống hách, sách nhiễu nhân dân. Giải quyết tốt những vấn đề đặt ra trên đây, chắc chắn Đảng ta sẽ hoàn thành trọng trách, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ lãnh đạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ./.


Tài liệu tham khảo

(1). Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t7, tr.364.

(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t7, tr.361.

(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t10, tr.453.

(5). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Nxb. Sự thật. H. 2021.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số