Tin mới nhất

Chương trình OCOP tại tỉnh Bình Thuận và một số vấn đề hiện nay

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (One Commune One Product – OCOP) giai đoạn 2018-2020 được phê duyệt theo Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chương trình OCOP, tính đến hết năm 2019, đã có 61/63 tỉnh thành phê duyệt đề án, đăng kí sản phẩm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2020). Chương trình OCOP không chỉ hướng đến việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Hơn nữa, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, chương trình OCOP góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lí, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam nói chung và cũng là một trong những giải pháp then chốt để phát triển ngành nông nghiệp trở thành một trong ba trụ cột của nền kinh tế của tỉnh Bình Thuận nói riêng.

Có thể nói rằng, OCOP đang có lợi thế về sự ủng hộ cấp quốc gia, đang được các tỉnh, thành phố coi là động lực phát triển kinh tế nông thôn, dành nhiều ưu đãi trong quảng bá, xúc tiến thương mại, đang là giải pháp hữu hiệu để giúp các chủ thể mạnh hơn trên thương trường. Chương trình OCOP đang làm thay đổi rất lớn tư duy về sản xuất, về kinh doanh, giúp các chủ thể OCOP nhận thức rõ hơn nhiều về vấn đề thị trường, về mẫu mã bao bì, về quản trị kinh doanh, về sở hữu trí tuệ, về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 5.693 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, có 93 sản phẩm đạt và tiềm năng đạt 5 sao, gần 2.000 sản phẩm OCOP được bảo hộ tài sản trí tuệ, trong đó chủ yếu là bảo hộ nhãn hiệu. Trong đó, Bình Thuận đã có 70 sản phẩm OCOP (năm 2020 có 56 sản phẩm và năm 2021 có 14 sản phẩm; trong đó có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao; 8 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh).

Về mặt thuận lợi, Bình Thuận được đánh giá là vùng có nhiều sản phẩm đặc sắc gắn với nền nông nghiệp phong phú đa dạng từ miền núi đến vùng biển, hải đảo. UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm mang tính cộng đồng, sản phẩm chế biến sâu, chủ lực có lợi thế ở các địa phương, triển khai các mô hình xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, hướng đến kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ như là một mục tiêu chung. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tư vấn hỗ trợ cho chủ thể thực hiện các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, bao gồm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap[1], HACCP[2], ISO[3], thiết kế bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ, mã số, mã vạch, câu chuyện sản phẩm.

Tuy nhiên, nhìn chung các hoạt động liên quan đến sản phẩm OCOP tại Bình Thuận đa phần là nhóm sản phẩm có quy mô nhỏ, đa dạng về chủng loại, có tính chuyên biệt cao nên khả năng mở rộng quy mô hạn chế, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục. Việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế do các sản phẩm OCOP chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Quy trình và công nghệ chế biến còn đơn giản, thậm chí còn lạc hậu và chưa đảm bảo đầy đủ các qui định, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp. Bên cạnh đó, các chính sách, giải pháp về đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, quy mô nhỏ chưa gắn với yêu cầu và điều kiện thực tế; năng lực tư vấn hỗ trợ về đổi mới sáng tạo ở địa phương còn hạn chế.

Các sản phẩm của những chủ thể ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường tại Bình Thuận do điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế, nhân lực còn hạn chế.

Do đó, để OCOP có những bước tiến vững chắc cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. Thứ nhất, phải thực hiện cả hoạt động “kéo” và “đẩy”. Cơ quan quản lý nhà nước phải giúp các việc “kéo”: tạo hành lang pháp lý, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, tổ chức kết nối giao thương, tích cực tôn vinh và bảo hộ cho sản phẩm OCOP. Cụ thể, chúng ta cần sớm tạo dựng hành lang pháp lý cho Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, trong đó rất cần các văn bản hướng dẫn từ các Bộ ngành, nhất là về nội dung và định mức sử dụng ngân sách cho OCOP. Các chương trình cấp quốc gia khác đang được trình duyệt cũng cần theo hướng bổ trợ nhau, bao gồm xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ và chương trình xúc tiến thương mại quốc gia... Tất cả cần được điều phối đồng bộ để tạo nên làn sóng mới, động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cho xây dựng nông thôn mới. “Đẩy” là tăng đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tín dụng cho các chủ thể, phát triển quảng bá và mở rộng các kênh phân phối sản phẩm OCOP.

Thứ hai, các hoạt động như truyền thông, thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, tổ chức các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại...cũng cần được tiếp tục, linh hoạt theo tình hình dịch bệnh. Trong đó đẩy mạnh đào tạo trực tuyến, quảng bá và bán sản phẩm OCOP qua không gian mạng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và kết nối giao thương. Cùng với đó, cũng cần tăng cường công tác giám sát sau công nhận OCOP để đảm bảo uy tín của sản phẩm trên thị trường, phải giữ được bằng được "Sao OCOP" trong lòng người tiêu dùng.

Thứ ba, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP Bình Thuận trong cả nước, đồng thời xây dựng các kênh phân phối, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP lâu dài, ổn định. Chủ động giới thiệu, trưng bày sản phẩm của địa phương, kết hợp trưng bày tại các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... đối với các sản phẩm OCOP đã được công nhận từ 3 - 4 sao. Phối hợp với các tỉnh bạn trong việc giao lưu trao đổi sản phẩm OCOP nhẳm mở rộng thị trường nội địa.

Rõ ràng việc phát triển sản phẩm OCOP có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, một số chủ thể có sản phẩm OCOP vẫn còn trăn trở về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, việc nhân rộng các điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP sẽ giúp các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội để các chủ thể phát triển các giá trị sản phẩm, tạo dựng thương hiệu, cũng như nâng cao kinh tế, góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Tóm lại, phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái là nhiệm vụ cần chú trọng hiện nay. Sân chơi OCOP và các sản phẩm chất lượng cao sẽ là điều kiện để các sản phẩm nông nghiệp tại Bình Thuận có cơ hội vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, Bình Thuận cần có một chiến lược mạnh mẽ, nhanh chóng hơn nữa trong phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói chung và các sản phẩm OCOP được nâng tầm và phát triển một các bền vững./.


[1] VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là những nguyên tắc, trình tự, thủ  tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.

[2] HACCP (Hazard Analysis Critical Control Point) là một hệ thống giúp xác định, đánh giá và kiểm soát các mối nguy đáng kể đối với an toàn thực phẩm. 

[3] ISO (International Organization for Standardization) là hệ thống các quy chuẩn quốc tế được đặt ra dựa trên kinh nghiệm của những nhà quản lý thành công hàng đầu thế giới.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số