Tin mới nhất

Ph.Ăngghen vận dụng phép biện chứng duy vật vào lịch sử xã hội

Ph.Ăngghen C.Mác đã sáng lập ra biện chứng duy vật. Ph.Ăngghen có công trình bày và chứng minh một cách khoa học phép biện chứng duy vật trong hai tác phẩm: Biện chứng tự nhiên Chống Đuyrinh. Đặc biệt, trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, Ph.Ăngghen đã vận dụng phép biện chứng duy vật để phân tích “tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người”, từ đó phân tích sự ra đời của lịch sử xã hội.

Ph.Ăngghen đã có phần đóng góp to lớn của mình trong việc biên soạn bộ Tư bản, vì sau khi C. Mác mất, Ph.Ăngghen đã hoàn chỉnh những tài liệu của C.Mác để xuất bản 2 tập tiếp theo của tác phẩm đồ sộ đó. Riêng Ph.Ăngghen đã viết nhiều tác phẩm để thuyết minh chủ nghĩa Mác và tổng kết phong trào cách mạng thế giới. Đó là những công trình khoa học tiêu biểu cho việc vận dụng phép biện chứng duy vật.

Trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, Ph.Ăngghen đã vận dụng phương pháp biện chứng duy vật để phân tích “tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người”; Ph. Ăngghen đã chứng minh những sự thay đổi dần dần của hai bàn tay và bộ óc thông qua lao động đã tạo ra những bước nhảy vọt trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người. Ông đã phân tích sự tác động qua lại giữa người với tự nhiên, một mâu thuẫn luôn luôn diễn ra và được giải quyết như thế nào trong quá trình phát triển của xã hội. Ph.Ăngghen viết: “Lao động đã sáng tạo ra bản thân con người[1]. Hàng chục vạn năm về trước một loài vượn bắt đầu bỏ thói quen dùng hai tay để bò dưới đất, rồi dần dần biết đi thẳng. Đó là bước quyết định trong sự chuyển biến từ vượn thành người. Hai bàn tay của vượn phải đảm nhận ngày càng nhiều những hoạt động khác. Tay được chuyên dùng hơn trong việc lấy và cầm thức ăn. Nhiều con vượn đã dùng hai tay để làm tổ trên cây. Chúng dùng bàn tay cầm gậy gộc để tự vệ chống lại kẻ thù, hoặc để ném quả và đá vào kẻ thù. Những động tác mà trải qua hàng ngàn thế kỷ, tổ tiên chúng ta dần dần quen làm với bàn tay của mình trong thời kỳ chuyển biến từ vượn thành người. Lúc đầu, chỉ có thể là những động tác rất đơn giản. Nhiều thời đại đã trôi qua, mảnh đá đầu tiên được bàn tay con người làm thành một con dao. Đây là một bước quyết định: bàn tay đã được giải phóng, từ đấy, có thể đạt được ngày càng nhiều những sự khéo léo mới, sự mềm mại hơn và điều này được di truyền lại, rồi cứ tăng lên từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Như vậy, bàn tay không những là khí quan của lao động, mà còn là sản phẩm của lao động nữa. Nhưng bàn tay không phải là biệt lập. Nó chỉ là một trong những bộ phận của một cơ thể cực kỳ phức tạp. Cái gì có lợi cho bàn tay thì cũng có lợi cho toàn bộ cơ thể mà bàn tay phục vụ. Những hình thức nhất định của một bộ phận mà thay đổi thì hình thức của những bộ phận khác trong thân thể cũng thay đổi theo. Bàn tay con người dần dần trở nên điêu luyện và đôi chân cũng theo đó được cải tiến cho phù hợp với lối đi thẳng người. Sự phát triển của bàn tay đã tác động trở lại, một cách trực tiếp đến những bộ phận khác của cơ thể. Các tổ tiên người vượn của chúng ta là những động vật có tính hợp quần. Dần dần với sự phát triển của bàn tay và với quá trình lao động, con người bắt đầu thống trị tự nhiên và cứ mỗi lần sự thống trị đó tiến lên một bước, là mỗi lần nó mở rộng thêm tầm mắt của con người. Sự phát triển của lao động đã đưa đến kết quả tất yếu thắt chặt thêm những mối liên hệ giữa các thành viên của xã hội, bằng cách tạo ra rất nhiều trường hợp để cho con người giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau và làm cho con người càng ngày càng có ý thức rõ rệt hơn về lợi ích của sự hợp tác ấy đối với mỗi thành viên riêng rẽ. Họ thấy cần thiết phải nói với nhau một cái gì đấy. Nhu cầu đó đã tự nó tạo ra cho nó một khí quan: cái cuống họng chưa phát triển của loài vượn, nhờ uốn giọng mà biến đổi, dần dần nhưng chắc chắn, để có thể thích ứng được với một lỗi phát âm ngày càng phát triển thì các khí quan cũng dần dần luyện tập được cách phát ra những âm vận nối tiếp nhau. Như vậy, ngôn ngữ bắt nguồn từ lao động và cùng phát triển với lao động. Trước hết là lao động, sau lao động và đồng thời với lao động là ngôn ngữ, đó là hai sức kích thích chủ yếu đã ảnh hưởng đến bộ óc của con vượn làm cho bộ óc đó dần dần biến chuyển thành bộ óc của con người[2]. Khi bộ óc phát triển thì các công cụ trực tiếp của bộ óc, tức là các giác quan, cũng song song phát triển theo. Sự phát triển của bộ óc và của các giác quan phụ thuộc nó, sự sáng suốt ngày càng tăng của ý thức, sự phát triển của năng lực trừu tượng hóa và năng lực suy luận, đã tác động trở lại đến lao động và ngôn ngữ, đã không ngừng thúc đẩy cho lao động và ngôn ngữ tiếp tục phát triển.

Hàng chục vạn năm đã trôi qua, trước khi xã hội loài người xuất hiện từ đàn vượn leo trèo trên cây. Xã hội loài người đã xuất hiện. Đó là yếu tố mới ra đời cùng với sự xuất hiện của con người hoàn chỉnh. Trong xã hội nguyên thủy, người ta chế tạo ra những công cụ săn bắn và đánh cá. Những công cụ săn bắn đồng thời cũng được dùng làm vũ khí. Sự xuất hiện của nghề săn bắn và đánh cá tạo ra bước chuyển từ chỗ chỉ ăn thuần thực vật sang chỗ ăn cả thịt. Việc ăn quen thức ăn bằng thịt bên cạnh thức ăn bằng thực vật, về căn bản đã đem lại sức mạnh về thể chất và tính độc lập của con người đang hình thành. Nhưng điều chủ yếu là thức ăn bằng thịt đã tác động đến bộ óc. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, bộ óc phát triển nhanh chóng hơn và đầy đủ hơn. Ph.Ăngghen viết: Thức ăn bằng thịt chứa đựng, dưới hình thức gần như có sẵn, những chất chủ yếu mà cơ thể cần dùng để trao đổi chất; nó rút ngắn quá trình tiêu hoá, đồng thời cũng rút ngắn cả thời gian của những quá trình thực vật (nghĩa là tương ứng với những hiện tượng sinh hoạt của thực vật) khác trong cơ thể, do đó, mà tiết kiệm được nhiều hơn thời gian, chất và năng lượng cho sự biểu hiện tích cực một đời sống động vật theo đúng nghĩa của nó. Và con người đang hình thành càng cách xa loài thực vật bao nhiêu, thì càng vượt lên trên loài vật bấy nhiêu[3]. Chế độ ăn thịt đưa đến hai tiến bộ mới của con người, có ý nghĩa quyết định là dùng lửa và nuôi súc vật. Con người đã tập ăn được tất cả những cái gì có thể ăn được thì cũng đã tập sống được trong tất cả những vùng khí hậu khác nhau. Con người sống lan rộng ra đến tất cả những nơi có thể ở được. Người là một loại động vật duy nhất đã làm được điều đó một cách tự chủ. Sự di chuyển từ chỗ đầu tiên có một khí hậu thường xuyên ấm áp đến những vùng lạnh lẽo hơn, đã tạo ra những nhu cầu mới, nhu cầu về nhà ở, về quần áo che thân... đã mở đường cho những ngành lao động mới. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, chính ngay lao động cũng ngày càng nhiều vẻ hơn, hoàn thiện hơn, có nhiều mặt hơn. Thêm vào nghề săn bắn và chăn nuôi thì còn có nông nghiệp, và tiếp đó, lại có thêm nghề kéo chỉ, dệt vải, nghề làm kim khí, nghề làm đồ gốm và nghệ hàng hải. Cuối cùng, nghệ thuật và khoa học ra đời bên cạnh thương nghiệp và công nghiệp, các bộ lạc biến thành những dân tộc và quốc gia, pháp luật và chính trị phát triển.

Tóm lại, loài vật chỉ lợi dụng giới tự nhiên bên ngoài và gây ra những biến đổi trong giới tự nhiên chỉ đơn thuần do sự có mặt của nó thôi, còn con người thì do đã tạo ra những biến đổi đó, mà bắt giới tự nhiên phải phục vụ những mục đích của mình và thống trị giới tự nhiên. Con người khác với tất cả các sinh vật khác là con người nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác. Nhất là từ khi khoa học tự nhiên đã thu được những tiến bộ vĩ đại trong thế kỷ hiện thời, thì chúng ta lại càng đi đến chỗ hiểu biết được cả những hậu quả tự nhiên xa xôi, ít nhất là của những hành động thông thường nhất của chúng ta trong lĩnh vực sản xuất và do đó, có thể chi phối được những hậu quả đó./.

 


[1] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1994, t. 20, tr. 641.

[2] C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, tập 20, Nxb CTQG, H. 1994, tr. 654.

[3] C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, tập 20, Nxb CTQG, H. 1994, tr. 650.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số