Tin mới nhất

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phụ nữ trong giai đoạn hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là người sớm nhận thức được vị trí vai trò, khả năng của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội và Người rất quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ. Người đã khẳng định: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng CNXH chỉ một nửa1.  Vì thế, cho đến trước lúc đi xa, Người vẫn luôn tâm niệm, dành một phần trong bản Di chúc thiêng liêng để nói về phụ nữ.

Ở Việt Nam, từ nghìn xưa đến nay, đặc biệt là qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lịch sử ghi nhận hàng vạn tấm gương phụ nữ không ngại gian khổ, không tiếc máu xương, sẵn sàng lao động, chiến đấu, hy sinh, cống hiến không chỉ cuộc đời mình mà cả con em cho độc lập tự do của Tổ quốc. Phụ nữ không chỉ chiến đấu anh hùng mà đã lao động cần cù, gian khó để vượt lên cảnh đói nghèo và lạc hậu, góp phần xây dựng đất nước ngày càng to đẹp và đàng hoàng. Điều này đã được Người đã khẳng định trong Di chúc: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất2.

Từ chỗ xác định vị trí, vai trò to lớn của phụ nữ đối với toàn xã hội nói chung, với sự nghiệp cách mạng nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra địa vị kinh tế, chính trị, xã hội quy định quyền bình đẳng của phụ nữ. Vì vậy, điều căn bản có ý nghĩa quyết định cho sự bình đẳng của phụ nữ là phải giải phóng sức lao động của phụ nữ, tạo điều kiện để chị em tham gia lao động sản xuất, quản lý kinh tế, tham gia công tác xã hội cùng với nam giới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ nước ta nói riêng, các nước phương Đông nói chung còn bị tư tưởng phong kiến ràng buộc, chi phối khá nặng nề. Họ bị đối xử bất bình đẳng cả ngoài xã hội và trong gia đình. Và tư tưởng trọng nam khinh nữ là thói quen mấy nghìn năm để lại vì nó đã ăn sâu trong đầu óc mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Nó đã trở thành một vấn đề tâm lý xã hội. Bởi vậy, cuộc đấu tranh chống phân biệt đối xử với phụ nữ là cuộc đấu tranh tư tưởng lâu dài, khó thực hiện. Do đó, ngay trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Người đã chỉ rõ: phải “thực hiện nam nữ bình đẳng3.

Cùng với việc đánh giá cao thành tựu của phụ nữ Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng đã xác định trách nhiệm của Đảng, Nhà Nước và các tổ chức xã hội với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Chỉ khi nào kết hợp được sự đồng lòng quyết tâm của các chủ thể nói trên mới có thể xóa được những hủ tục mà lịch sử để lại. Theo Người, Đảng và Nhà nước phải quan tâm giúp đỡ phụ nữ, giải phóng phụ nữ khỏi những bất công của xã hội bằng cách đề ra chủ trương chính sách cụ thể. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946) đã quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông4. Đây là lần đầu tiên quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam được pháp luật công nhận. Trên cơ sở Hiến pháp đã định, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng và Nhà nước phải có kế hoạch cụ thể hóa chủ trương, chính sách thành các Luật đảm bảo cho phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới.

Tuy nhiên, để quyền bình đẳng của phụ nữ được thực hiện không phải chỉ đề ra chủ trương, chính sách là đủ mà theo Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia lao động sản xuất, bảo hộ sức khỏe, giảm nhẹ gánh nặng gia đình cho phụ nữ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để phụ nữ thể hiện hết khả năng của mình. Trong Di chúc, Người đã căn dặn “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo5. Những lời dạy đó của Người đã để lại cho Đảng ta một định hướng chiến lược về công tác phụ nữ. Nó bao hàm định hướng của Người về đào tạo, sử dụng, cất nhắc... đối với lao động nữ.

Có thể nói, trong bất kỳ hoàn cảnh nào Hồ Chí Minh cũng luôn quan tâm đến vấn đề phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ. Người rất đúng đắn khi xác định biện pháp hữu hiệu thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ là gắn liền nhiệm vụ này với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đây là nhân tố khách quan có tác dụng hỗ trợ tích cực cho cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ. Nhân tố quyết định vẫn là bản thân người phụ nữ phải đấu tranh, phải tự phấn đấu vươn lên thì sự nghiệp giải phóng phụ nữ mới thành công tốt đẹp. Trong Di chúc, Người đã nhấn mạnh: “Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên6. Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý đối với phụ nữ: Không nên ỷ vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, cố gắng phấn đấu; phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật. Bởi vì, theo Người, bên cạnh sự quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước thì sự nổ lực của của chính bản thân người phụ nữ là “một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ7.

Đảng và Nhà nước ta ngay từ khi ra đời, đã xác định phụ nữ là lực lượng quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Do đó, trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ. Nhất là trong những năm gần đây, Đảng ta, nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cán bộ nữ, như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị "Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước"; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Theo đó “cấp ủy các cấp và người đứng đầu phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số". Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư, Khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình (21/11/2007), Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 và vào ngày 03/3/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021- 2030… Đây là những Nghị quyết, luật, chính sách hết sức quan trọng mở ra một hướng mới đối với việc xây dựng, phát triển đội ngũ phụ nữ cả về số lượng và chất lượng; tạo cơ sở nền tảng để cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng chăm lo nâng cao hiệu quả, chất lượng của đội ngũ phụ nữ nhằm phát huy tiềm năng to lớn của đội ngũ này trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phụ nữ Việt Nam ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Hiện nay, phụ nữ nước ta chiếm hơn một nửa dân số và đóng vai trò hết sức quan trọng trên các lĩnh vực hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động sản xuất tinh thần, hoạt động tái sản xuất, hoạt động lãnh đạo, quản lý, tham gia sinh hoạt và quản lý cộng đồng. Quốc hội Việt Nam khóa XV được bầu ra ngày 23/5/2021 có 499 đại biểu, trong đó có 151 đại biểu nữ, chiếm 30,26%. Đây là lần thứ hai số nữ đại biểu Quốc hội của nước ta đạt trên 30% (lần đầu tiên là Quốc hội khoá V, đạt 32,31%), là lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá VI trở lại đây có số đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%. Số đại biểu nữ tham gia Quốc hội ngày càng nhiều và đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Tỷ lệ nữ ủy viên thường vụ và chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội trong 3 khóa gần đây tăng lên. Số đại biểu nữ giữ các vị trí lãnh đạo trong Quốc hội kỳ này chiếm gần 40%. Số nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 26,5% (tăng 1,37% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện đạt 27,9% (tăng 3,2% so với nhiệm kỳ trước)8. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong số Ủy viên Trung ương Đảng chính thức được bầu có 18 đại biểu nữ (chưa tính 1 ủy viên dự khuyết, tăng 1 đại biểu so với nhiệm kỳ khóa XII). Với kết quả này, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.

Tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Nhiệm kỳ 2020-2025, có 9/63 nữ bí thư tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung. Đây là số lượng nữ bí thư tỉnh ủy nhiều nhất từ trước đến nay. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, ở cấp cơ sở, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 21%, tăng 2%; cấp trên cơ sở đạt 17%, tăng 2%. Đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 16%, tăng 3% so với nhiệm kỳ trước9. Với đức tính cần cù, cẩn thận; được đào tạo cơ bản cả trong và ngoài nước; phát huy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đội ngũ lao động nữ đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu cùng đội ngũ lao động cả nước đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ nữ đã khẳng định được vị trí, năng lực của mình trong các lĩnh vực trước đây được coi là chỉ dành riêng cho nam giới như: nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, các ngành công nghệ mới, kỹ thuật cao, kinh doanh, thể thao… Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhiều chị em phụ nữ cũng đã đạt được thành tích đáng khích lệ, có khoảng trên 285,6 nghìn doanh nghiệp do nữ doanh nhân đứng đầu; theo Grant Thornton International, số phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp tầm trung ở Việt Nam đạt 39%10 dù cho đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn thế giới.

Ngày nay, phụ nữ cũng đã không ngừng ra sức học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt: tỷ lệ nữ giới biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 97,33%, tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 54,25%, tỷ lệ tiến sỹ đạt 30,8%11. Điều đáng trân trọng là hầu hết các nhà khoa học nữ đều nhiệt tình, say mê với công tác. Nhiều cá nhân và tập thể lao động nữ được nhận nhiều danh hiệu cao quí như: thầy thuốc ưu tú, nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ nhân… Có thể nói, dù ở đâu, trong lĩnh vực hoạt động nào, phụ nữ cũng làm việc, cống hiến hết sức mình cho xã hội. Đội ngũ phụ nữ đã phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và đã nâng địa vị của mình lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, trong thực tế, một số chính sách đối với phụ nữ còn thiếu cụ thể, chưa sát hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa phương, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu mới; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác vận động phụ nữ chậm đi vào cuộc sống, thiếu những cơ chế thích hợp để phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Công tác tham mưu, đề xuất các chính sách liên quan đến phụ nữ, thực hiện giám sát, phản biện xã hội còn khó khăn, lúng túng. Việc đầu tư nghiên cứu, khảo sát, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm các mô hình phụ nữ hoạt động có hiệu quả và định hướng chỉ đạo có tính chất lâu dài còn nhiều hạn chế. Cơ hội để phụ nữ được tiếp cận việc làm có thu nhập cao còn ít, chưa đạt yêu cầu; phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và quản lý chủ yếu ở quy mô nhỏ và gặp nhiều thách thức trong thời kỳ hội nhập. Việc tiếp cận với thông tin và nhận thức của phụ nữ về pháp luật còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, cán bộ nữ mất khá nhiều thời gian và sức lực vào công việc nội trợ của gia đình mà ít được chia sẻ. … Những khuyết điểm, hạn chế đó đã tạo ra những lực cản, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển và cống hiến của phụ nữ.

Vì vậy, để xây dựng và nâng cao chất lượng phụ nữ trong giai đoạn mới, Đảng và Nhà nước phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về giới, quyền bình đẳng giới trong các lĩnh vực. Duy trì, nhân rộng một số mô hình, phương thức hoạt động hiệu quả và một số mô hình mới, như: hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thu hút nam giới tham gia các hoạt động vì bình đẳng giới… Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để phục vụ công tác chỉ đạo, tham mưu, đề xuất chính sách, phản biện xã hội. Xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt cán bộ nữ. Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ phải đồng bộ, nhất quán, có lộ trình và có chính sách kèm theo một cách thích hợp. Chú trọng đào tạo thực chất, toàn diện bao hàm đầy đủ cả những tiêu chuẩn và điều kiện. Cần sớm thành lập bộ phận cán bộ chuyên trách về công tác phụ nữ. Cần phải đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ. Ngoài ra, phải phối hợp, duy trì và đẩy mạnh cơ chế phối hợp trong triển khai các đề án, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Đa dạng hóa các nguồn lực xã hội trong công tác phụ nữ, bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ nghèo, khó khăn, như: chủ động xây dựng các hoạt động, dự án khai thác nguồn viện trợ quốc tế, phát huy trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp; tổ chức, vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức tôn giáo tham gia vào các sự kiện gây quỹ… Bên cạnh đó, chính bản thân các cán bộ nữ không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam vươn lên đóng góp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tóm lại, thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề phụ nữ trong Di chúc, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo giúp đỡ, chăm sóc phụ nữ nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Bản thân người phụ nữ đã, đang và sẽ tiếp tục phấn đấu vươn lên, phát huy tài năng, trí tuệ, sức lực của mình; sát cánh cùng toàn thể nhân dân cả nước thực hiện bằng được mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra: “... khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, CNH-HDH; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa12./.


1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t6, tr 432. 

2,5,6. Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban chấp hành trung ương Đảng, Hanoi, 1989, tr42.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t8, tr1,

4. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1946, 1959, 1980, 1992 (1995), tr10,  Nxb CTQG, H.

7. Việt Nam luôn quan tâm tới công tác phụ nữ, quyền bình đẳng, PV (TTXVN/Vietnam)  02/09/2014

8.9. Hạnh Quỳnh: Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới, Báo Tin tức điện tử, ra ngày 15/12/2021

10.11. Trần Quang Vinh: Bình đẳng giới thực chất. Bài 1: từ chính sách đến thực tiễn, Báo Tin tức điện tử, ra ngày 07/3/2022.

12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, tr35-36.

 

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số