Theo quy định của pháp lật về công chứng và chứng thực, có thể thấy công chứng và chứng thực có những khác biệt sau:
Về cơ sở pháp lý:
Công chứng được thực hiện theo Luật công chứng 2014.
Chứng thực được thực hiện theo Nghị định số 23/2015/NĐCP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch.
Về khái niệm:
Theo quy định của Luật Công chứng 2014: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”[1].
Chứng thực gồm: Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính; Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực; Chứng thực hợp đồng, giao dịch là việc cơ quan có thẩm quyền chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.[2]
Về hình thức:
Hình thức của văn bản công chứng là những hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận.
Hình thức của văn bản chứng thực là những giấy tờ, văn bản, hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực.
Về thẩm quyền:
Thẩm quyền công chứng thuộc Công chứng viên của Tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng, Văn phòng công chứng).
Thẩm quyền chứng thực thuộc Phòng Tư pháp cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã; Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài; Công chứng viên (Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐCP ngày 16/2/2015 của Chính phủ).
Về bản chất:
Công chứng là chứng nhận các hợp đồng, giao dịch; lập hợp đồng giao dịch. Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ vì nó được Công chứng viên xác nhận, có tính hợp pháp. Công chứng đảm bảo tính hợp pháp của nội dung hợp đồng, giao dịch.
Chứng thực là xác nhận giấy tờ, sự việc là có thật, đúng với thực tế; xác thực tính chính xác, tính có thật của tất cả các văn bản, sự kiện pháp lý. Người thực hiện chứng thực không chịu trách nhiệm về nội dung hợp đồng, giao dịch. (Khoản 2, Điều 35, Nghị định 23/2015/NĐ-CP)
Về giá trị pháp lý:
Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. Có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Chữ ký được chứng thực có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản. Hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Hiểu và phân biệt được sự khác nhau giữa công chứng và chứng thực giúp những người có thẩm quyền công chứng, chứng thực thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm của mình; giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực. Ngoài ra, phân biệt được sự khác nhau giữa công chứng và chứng thực còn giúp cá nhân, tổ chức có yêu cầu công chứng, chứng thực xác định, lựa chọn hình thức thích hợp, đảm bảo quyền, lợi ích của mình khi tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch./.
1. Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014
2. Khoản 2,3,4 Điều 2 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ