Tin mới nhất

Một số giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới

Thời gian qua, tình trạng trẻ em bị bạo hành và xâm hại trên cả nước diễn biến phức tạp, gia tăng về mức độ, số lượng vụ việc, để lại hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xâm hại trẻ em là một yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay.

Theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc: Xâm hại trẻ em hay ngược đãi là tất cả các hình thức đối xử tồi tệ về mặt tình cảm hay thể chất, xâm hại tình dục hay các mục đích khác gây ra tổn hại thực tế hay tiềm ẩn đối với sự phát triển, sự sống còn, sức khỏe hay nhân phẩm của trẻ khi xét về trách nhiệm, lòng tin hay quyền hành1,… Còn theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 của nước ta: Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác2.

Tại Bình Thuận theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ ngày 01/01/2015 đến 30/6/2019 toàn tỉnh có 184 vụ trẻ em bị xâm hại3; năm 2020 là 49 vụ; năm 2021 là 42 vụ. Số trẻ em và độ tuổi của trẻ em bị xâm hại theo từng hình thức được quy định tại Điều 4 và các điều khác của Luật Trẻ em gồm các hành vi về bạo lực; xâm hại tình dục; bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hành vi khác. Có những vụ xâm hại trẻ em không được khai báo do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, số vụ trẻ em bị xâm hại trên thực tế có thể sẽ cao hơn so với số báo cáo. Các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em phần lớn do cha, mẹ, người quan biết, bạn bè, người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em gây ra. Nạn nhân của xâm hại trẻ em đa phần là trẻ em gái, độ tuổi có xu hướng ngày càng nhỏ. Mặc dù thời gian gần đây, các vụ việc trẻ em bị xâm hại được thông tin ngày càng nhiều, điều đó cho thấy nhận thức của nhân dân về vấn đề xâm hại trẻ ngày càng tốt, người dân nhận diện được các hành vi xâm hại trẻ em, dám lên tiếng, dám tố cáo các hành vi này. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều bất cập trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em cần được các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội chung tay thực hiện.

Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em trong giai đoạn 2015-2019  là 185 đối tượng: trong đó, đối tượng là người ruột thịt, thân thích (05); đối tượng là giáo viên, cán bộ, nhân viên các cơ sở giáo dục (01); số đối tượng còn lại đa số là người có mối quan hệ quen biết với gia đình trẻ em4.

Như vậy đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đa phần là người thân, người quen của trẻ như: hàng xóm, chú/bác, họ hàng, bạn bè của bố/mẹ/người thân trong gia đình trẻ, giáo viên, người giúp việc gia đình của trẻ em.

Phương thức, thủ đoạn xâm hại tình dục trẻ em

Với thủ phạm xâm hại là người thân quen: lợi dụng sự quen biết với gia đình trẻ thủ phạm có hành động, lời nói để tạo niềm tin với trẻ em như dùng lời khen, chia sẻ sở thích, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc trẻ em khiến trẻ em tin tưởng, yêu quý và mất cảnh giác với đối tượng; cho tiền, quà, đưa đi chơi, hứa đáp ứng nhu cầu cấp thiết nào đó của trẻ và lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhận thức chưa đầy đủ của trẻ để thực hiện hành vi xâm hại. Các đối tượng xâm hại thường nhắm vào trẻ em có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, gia đình có vấn đề xã hội, trẻ sinh ra trong gia đình không được bố mẹ quan tâm.

Với đối tượng xâm hại là người lạ: Các đối tượng triệt để sử dụng các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook...) các trò chơi trực tuyến để làm quen, kết bạn, giả vờ yêu đương, hứa hẹn công việc tốt, cuộc sống giàu sang để lừa gạt, dụ dỗ trẻ em, hoặc lợi dụng lúc trẻ em ở nhà một mình, không có người lớn ở bên, hoặc trẻ em một mình đi vào khu vực vắng vẻ, chúng thường dùng vũ lực xâm hại trẻ em.

Tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại trẻ em: Xâm hại trẻ em để lại những hậu quả vô cùng nặng nề về thể chất, tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Đối với trẻ em bị xâm hại tình dục: trẻ em có những thương tích trên cơ thể, có thể bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nguy cơ nhiễm HIV/AIDS. Một số trẻ em nữ bị xâm hại tình dục khiến các em mang thai ngoài ý muốn gây nguy hiểm cho bản thân và thai nhi vì cơ thể các em chưa phát triển hoàn chỉnh (có 02 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục đã sinh con)6.

Nhưng hậu quả lớn nhất mà hành vi xâm hại gây ra đối với trẻ em là những tổn thương về tinh thần, trẻ dễ bị mặc cảm, tự ti, hoảng loạn phát triển không bình thường, xuất hiện các ảo giác bệnh lý (luôn có cảm giác bất an, giật mình, tưởng tượng ra hình ảnh kẻ xâm hại hay tiếng nói của kẻ xâm hại,...). Nghiêm trọng hơn, nhiều trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về mặt tinh thần. Các em rơi vào trạng thái hoảng loạn, bế tắc. Nhiều trường hợp, các em không dám kể với người khác, tố cáo đối tượng phạm tội một phần do xấu hổ, một phần khác do bị đe dọa dẫn tới gánh nặng tâm lý ngày càng nghiêm trọng.

Nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em

Một là, một số quy định pháp luật, chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng còn chưa cụ thể. Ví dụ hành vi dâm ô còn chưa được cụ thể và phân loại thành các mức độ khác nhau nên gây nhiều khó khăn trong việc xử lý hình sự và trong thủ tục tố tụng đối với chứng cứ liên quan đến tội danh “dâm ô trẻ em”. Khung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là khung hình phạt liên quan đến hành vi dâm ô trẻ em.

Hai là, một số cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chuyên môn và đoàn thể quần chúng tại một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Một số địa phương còn để xảy ra tình trạng xử lý các vụ việc kéo dài.

Ba là, sự thiếu quan tâm tới con em mình của nhiều bậc cha mẹ dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ em. Nhiều bậc cha mẹ lo ngại ảnh hưởng đến trẻ và gia đình nên giấu kín vụ việc, không khai báo với cơ quan chức năng.

Bốn là, do non nớt về thể chất, tinh thần, sức tự kháng cự yếu, trẻ em dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, xâm hại. Phần đông trẻ em còn thiếu kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng phòng, chống xâm hại, nhiều trẻ em không biết mình là nạn nhân của việc xâm hại hoặc biết mình bị xâm hại nhưng không dám lên tiếng.

Năm là, công tác điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em gặp nhiều khó khăn từ việc vận động người bị hại tố cáo vụ việc, thu thập bằng chứng tố cáo kẻ xâm hại, lấy lời khai của trẻ em bị xâm hại… dẫn đến việc nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại kéo dài, thậm chí bị đình chỉ do không đủ chứng cứ để xử lý.

Sáu là, môi trường sống xuất hiện và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu an toàn, lành mạnh đối với trẻ em, làm gia tăng hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Môi trường thông tin và mạng xã hội có nhiều sản phẩm độc hại, trò chơi trực tuyến, phim ảnh có tính chất bạo lực, khiêu dâm không phù hợp với trẻ em; do sử dụng các chất kích thích như ma tuý, rượu; sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân; sự thiếu kỹ năng nghề nghiệp… làm gia tăng tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em.

Bảy là, thiếu trường, lớp, cơ sở mầm non đảm bảo an toàn và chất lượng, nhất là nơi trông giữ trẻ cho con công nhân tại các khu, cụm công nghiệp dẫn đến việc nhiều phụ huynh phải gửi con em mình ở các cơ sở giữ trẻ không đảm bảo; cơ sở vật chất của các trường, lớp mẫu giáo ngoài công lập chưa tạo được môi trường chăm sóc, giáo dục an toàn đối với trẻ nhỏ.

Tám là, cán bộ làm công tác về trẻ em và bảo vệ trẻ em ở các cấp thiếu về số lượng, còn kiêm nhiệm quá nhiều việc và thường xuyên có sự thay đổi. Đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã chưa được xác định, phân công theo quy định của Luật Trẻ em.

Chín là, nguồn lực cho các hoạt động bảo vệ trẻ em nói chung và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn hạn chế so với nhiệm vụ đề ra trong các chương trình về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của tỉnh…

Để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời hỗ trợ can thiệp đối với xâm hại trẻ em cần phải đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý Nhà nước các cấp trong công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em; phân công, phân cấp rõ ràng, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục, pháp luật, thông tin - truyền thông,...

Hai là, triển khai nhiều biện pháp, nhiều kênh truyền thông để giáo dục cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và nâng cao kỹ năng, kiến thức cho chính bản thân trẻ em; nhà trường và gia đình cần có các biện pháp giáo dục, hướng dẫn, trang bị cho các em các kỹ năng phòng ngừa, thông báo, tố cáo và cùng giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em; cập nhật kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

Ba là, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện những biện pháp thiết thực, hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn xâm hại trẻ em, tổ chức các cuộc diễn đàn, hội thảo, tọa đàm,... tại nhà văn hóa, nhà trường, nơi cộng cộng; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hướng dẫn các kỹ năng phòng ngừa, xử lý các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, nhằm nâng cao ý thức tự đề phòng xâm hại.

Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, cộng đồng để xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em bằng các biện pháp tuyền truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm và tự phòng ngừa các hành động xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân của trẻ.

Năm là, tăng cường các lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để đánh giá đúng thực trạng, phân tích nguyên nhân; đánh giá đúng các biện pháp phòng ngừa, xử lý vụ việc và hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em là nạn nhân. Tăng cường trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm xã hội của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại; kiến nghị, đề xuất các biện pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết có hiệu quả vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

Sáu là, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, kịp thời tiếp nhận, xử lý những thông tin liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục theo đúng qui trình Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Khi có các vụ việc xâm hại tình dục xảy ra phải nhanh chóng khám nghiệm để kịp thời thu lượm các dấu vết tại hiện trường để phục vụ công tác điều tra xử lý đối tượng.

Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn đến cấp xã để đảm bảo mọi trường hợp có trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đều được tiếp nhận, xử lý thông tin; thực hiện hỗ trợ, can thiệp đúng quy định tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em và chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Xâm hại trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm quyền
trẻ em, là điều không thể chấp nhận, bằng mọi cách phải phòng ngừa, ngăn chặn
và nghiêm trị. Tuy nhiên, đây là thực trạng không thể giải quyết dứt điểm trong
một thời gian ngắn, là nhiệm vụ không chỉ riêng của ngành nào, cấp nào, mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội. Các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh cần chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em để đảm bảo mọi trẻ em đều được phát triển một cách toàn diện./.


(1) http://giadinh.bvhttdl.gov.vn/khai-niem-xam-hai-tre-em-cua-lien-hiep-quoc/.

(2) khoản 5 Điều 4 Luật số: 102/2016/QH13 ngày 05/4/2016 Luật Trẻ em.

(3), (4), (5), (6),  Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Báo cáo số: 246/BC-UBND ngày 05/7/2021 việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số