Tin mới nhất

Phát huy vai trò chủ động, tích cực của học viên trong học tập lý luận chính trị

Trường Chính trị cấp tỉnh có chức năng đào tạo LLCT cho học viên. Để quá trình giảng dạy và học tập lý luận chính trị đạt hiệu quả cao nhất, một trong những biện pháp giữ vai trò quyết định đó là người học phải phát huy được tính chủ động, tích cực của mình trong quá trình học tập.

Học tập lý luận chính trị là giúp cho người học có sự hiểu biết sâu sắc, nhận thức đúng đắn, toàn diện hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Qua đó, học viên sẽ nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức lối sống và có kỹ năng vận dụng kiến thức được học vào trong thực tiễn công tác của mình.

Tính chủ động, tích cực của học viên là ý thức tự giác, tự chủ, kiên trì trong học tập, biến quá trình học của bản thân từ phương pháp học tập thụ động sang phương pháp chủ động, trong đó, chủ yếu thông qua việc xác định đúng đắn mục đích, động cơ trong học tập. Việc phát huy tính chủ động, tích cực của học viên trong học tập lý luận chính trị có vai trò quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy của Nhà trường.

Xác định việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị là nhiệm vụ cơ bản, hàng đầu, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã thực hiện tốt và không ngừng  nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho học viên. Trong đó, trọng tâm chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên. Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên động viên, khuyến khích giảng viên thay đổi phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm, tập trung hướng tới sự nâng cao tính chủ động, tích cực của học viên trong việc tiếp thu kiến thức về lý luận chính trị. Những năm qua, nhận thức của giảng viên và học viên về mục đích, ý nghĩa của giảng dạy và học tập lý luận chính trị không ngừng được nâng lên, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Phần lớn học viên xây dựng được thái độ, động cơ học tập và rèn luyện đúng đắn. Trong buổi học, rất nhiều học viên tham gia học tập với thái độ nghiêm túc, trách nhiệm chú tâm nghe giảng, ghi chép bài vở cẩn thận và tham gia phát biểu ý kiến xây dựng bài. Nhiều vấn đề được giảng viên gợi mở để học viên có điều kiện trao đổi, thảo luận và nêu lên được quan điểm, chính kiến của mình. Kết quả thi cuối học phần của học viên đa phần đạt kết quả cao. Điều đó, chứng tỏ học viên đã thể hiện được tinh thần, trách nhiệm, vai trò chủ động, tích cực của mình trong tham gia học tập. Trường cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi, các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao để tăng cường gắn kết với học viên, đặc biệt cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vừa được tổ chức trong năm 2022 thu hút rất nhiều bài viết tham gia từ học viên ở các lớp.

Bên cạnh những mặt đạt được, tính tích cực, chủ động của học viên trong tham gia học tập vẫn còn nhiều hạn chế. Một bộ phận học viên không xác định đúng động cơ, mục đích học tập dẫn đến thái độ học tập chưa đúng đắn, vẫn còn tình trạng học đối phó, học cho có bằng cấp để đủ điều kiện bổ nhiệm. Trong giờ học, tình trạng học viên không chú ý lắng nghe, chơi game, sử dụng zalo, facebook thường xuyên diễn ra. Một số học viên lười suy nghĩ, thụ động, ít chịu khó phát biểu xây dựng bài, không ghi chép bài vở, thay vào đó, trông chờ, ỷ lại vào việc xin file bài giảng của giảng viên. Trong giảng dạy, một số giảng viên chỉ chú ý truyền tải nội dung kiến thức, ít quan tâm đến việc truyền cảm hứng học tập cho học viên. Một số giảng viên muốn thay đổi phương pháp giảng dạy, tăng nội dung thảo luận và lồng ghép các phương pháp tích cực để thu hút học viên nhưng lại bị hạn chế về mặt thời gian hoặc nắm kiến thức chưa sâu, thực tiễn còn ít nên chưa đủ sức giải đáp nhiều vấn đề đặt ra và chưa mạnh dạn đối thoại với người học. Đồng thời, thông qua các đợt thi hết phần học vừa qua, một đều thấy rất rõ là một số học viên vẫn thụ động, lười tư duy trong quá trình làm bài nên dẫn đến kết quả thường không cao.

Xuất phát từ thực trạng trên, để nâng cao và phát huy hơn nữa tính tích cực học tập của học viên, bản thân thiết nghĩ, trong thời gian tới cần lưu ý những vấn đề sau:

Đối với nhà trường: tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của việc học tập lý luận chính trị đến với học viên để học viên xây dựng cho mình thái độ, động cơ đúng đắn trong quá trình học tập. Hướng dẫn cho các khoa, phòng đổi mới trong cách ra đề thi và hình thức thi. Thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm tạo tăng cường sự gắn kết giữa học viên với nhà trường. Tổ chức các buổi họp rút kinh nghiệm ở cả hệ lớp tập trung và không tập trung để tìm hiểu, lắng nghe những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của học viên về những vấn đề liên quan công tác giảng dạy và học tập. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt nhất công tác dạy và học. Tăng cường phối hợp với cấp ủy đơn vị cơ quan cử học viên đi học trong việc quản lý, phản hồi thông tin về kết quả quá trình học tập, rèn luyện của học viên.

Đối với giảng viên: chủ động, sáng tạo trong việc đổi mới, phương pháp giảng dạy, kích thích tư duy, chủ động gợi mở, truyền cảm hứng, động viên để học viên tích cực tham gia ý kiến trong quá trình học tập, nhất là các giờ thảo luận, làm việc nhóm. Định hướng cho học viên tiếp thu các kiến thức, kĩ năng và hướng dẫn để học viên biết vận dụng những kiến thức được học vào trong thực tiễn công tác của mình; có như vậy, học viên mới thấy được lợi ích, ý nghĩa của việc học lý luận chính trị, từ đó, học viên sẽ tích cực, chủ động hơn. Bên cạnh  đó, giảng viên không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, phương pháp giảng dạy; thường xuyên cập nhật những kiến thức mới và trao dồi thực tiễn vận dụng vào quá trình giảng dạy của mình để chất lượng giảng dạy ngày cành đạt hiệu quả.

Đối với học viên: xây dựng cho mình thái độ, động cơ đúng đắn, không ngừng phát huy cao độ ý thức, chủ động, sáng tạo và rèn luyện trong học tập lý luận chính trị. Trong thời gian trên lớp, học viên cần tập trung, nghiêm túc trong giờ học, chuẩn bị đầy đủ tài liệu, dụng cụ phục vụ học tập, ghi chép đầy đủ. Trong giờ thảo luận, học viên chủ động nghiên cứu tài liệu để trả lời câu hỏi và nêu những vấn đề còn gút mắt để trao đổi, thảo luận với giảng viên. Tự xây dựng kế hoạch học tập và tự đánh giá mức độ hài lòng với kết quả học tập của mình để có những chấn chỉnh kịp thời.

Tóm lại, quá trình dạy và học lý luận chính trị không chỉ đơn thuần là quá trình truyền tải kiến thức từ một phía mà nó là sự tương tác, trao đổi từ hai phía, trong đó, giảng viên đóng vai trò tổ chức hướng dẫn, định hướng, học viên đóng vai trò chủ thể và trung tâm của quá trình học tập. Cho nên, việc phát huy vai trò chủ thể của học viên trong học tập là hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, bởi thông qua hoạt động trên sẽ giúp cho học viên nâng cao kiến thức, trách nhiệm, tự giác trong thực tiễn công tác của mình. Để thực hiện được điều đó, trong thời gian tới, Nhà trường, đội ngũ giảng viên, học viên phải làm tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình nhằm phát huy hơn nữa tinh thần, tính tự giác, chủ động của học viên cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng và chất lượng giảng dạy của nhà trường.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số