Tin mới nhất

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nghề giáo để phát triển đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đạt chuẩn giai đoạn (2022-2027)

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc trau dồi phẩm chất đạo đức, nhân cách, nội dung và phương pháp của người thầy giáo để đảm bảo sự thành công của giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng là một thầy giáo trước khi trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Người là hiện thân của một tấm gương đạo đức trong sáng, tư tưởng, đạo đức của Người đã, đang và tiếp tục soi đường cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vị trí, vai trò, nhiệm vụ, đạo đức tác phong, phương pháp của thầy, cô giáo trong xã hội. Theo Người, muốn có nền giáo dục tốt phải có mục đích, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục tốt, có cơ sở vật chất cho người dạy và người học… trong đó, người thầy, cô giáo là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo. Không có thầy, cô giáo thì không có giáo dục, học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hoặc xấu… Người từng nói. “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng và Chính Phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai, và nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được?”(1).  Việc “dạy dỗ” ở đây chính là người thầy giáo, cô giáo phải đem sự hiểu biết, năng lực và phẩm chất của mình truyền đạt cho người học, làm cho người học phát huy khả năng của bản thân, phát triển các mặt đạo đức, tri thức và thể lực… để trở thành người lao động chân chính, có ích cho xã hội. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang, gắn liền với sự nghiệp của những người thầy, cô giáo trong xã hội.

Bác đặc biệt đề cao vai trò đạo đức của người thầy giáo, cô giáo coi đó là linh hồn của nghề dạy học. Người nói: “Chính trị là đức, chuyên môn là tài, có tài mà không có đức là hỏng”(2), hay “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là thể xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ là cái xác không hồn”(3). Nhưng không tuyệt đối hoá mặt đạo đức coi nhẹ lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ. Có đức là để tài năng phát triển đúng hướng và có tài thì đức mới phát huy được tác dụng. Người nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”(4). Do đó, người thầy giáo phải chú ý cả tài và đức, phải thực sự là tấm gương tích cực, mẫu mực trong suốt quá trình dạy học và cả đời thường.

Trong giai đoạn hiện nay, hơn bao giờ hết, đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp giáo dục phải được tăng cường. Thầy, cô giáo phải ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong sự nghiệp trồng người, nuôi trồng nhân cách. Trau dồi phẩm chất đạo đức, nhân cách, nội dung và phương pháp, thể hiện là tấm gương sáng trong lời nói và hành động, nhất là trên bục giảng. Đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì sự nghiệp giáo dục - đào tạo càng phải được chú động hàng đầu. Thực hiện lời dạy của Bác về công tác giáo dục, trong những năm qua, để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được giao, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã rất quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố đội ngũ giảng viên nhằm hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Các giải pháp luôn được nhà trường xác định đó là: xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, bố trí đủ ở các chuyên ngành đào tạo; đào tạo về chuyên môn; nâng cao trình độ lý luận chính trị; bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực; bồi dưỡng kiến thức giảng dạy về khoa học kỹ năng lãnh đạo, quản lý; đổi mới công tác nghiên cứu thực tế; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học; chú trọng công tác đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên và tăng cường công tác thao giảng, dự giờ, thanh tra, kiểm tra về giáo dục- đào tạo theo hướng đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.... Hiện nay, Trường Chính trị có 23 giảng viên, chiếm 50% so với số lượng biên chế chính thức của nhà trường. Có 09 giảng viên chính, 14 giảng viên. Trình độ chuyên môn: 19 Thạc sỹ; 04 đại học; Trình độ lý luận chính trị: Có 12 Cử nhân, cao cấp; 11 trung cấp; Trình độ quản lý nhà nước: Chuyên viên: 10; chuyên viên chính: 11; 02 người chuyên viên cao cấp. Tuy nhiên, đến nay đội ngũ giảng viên của trường vẫn còn thiếu về số lượng theo quy định (75%) trên tổng số viên chức, một số giảng viên chưa tham gia học tập các lớn Trung cấp lý luận Chính trị, cao cấp lý luận Chính trị, bồi dưỡng kiến thức kinh điển.... Chất lượng của một số ít giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu cho việc phục vụ công tác giảng dạy và vận dụng, liên hệ thực tiễn; khả năng tổng kết thực tiễn để liên hệ vào bài giảng còn hạn chế.

Trong thời gian tới để hoàn thành các tiêu chí Trường Chính trị đạt chuẩn mức 1 giai đoạn (2022 - 2027). Nhà trường cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Nhà trường thực hiện tốt các khâu của công tác cán bộ, nhất là quy hoạch và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để phát triển đội ngũ viên chức đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, hợp lý về cơ cấu độ tuổi, giới tính, chuyên ngành. Có phẩm chất chính trị tốt, có trình độ cao về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước và kiến thức thực tiễn vững vàng, thực sự là tấm gương sáng cho học viên noi theo.

Hai là, Xây dựng đội ngũ viên chức, giảng viên Trường Chính trị tỉnh trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng, có trình độ kiến thức chuyên môn sâu, có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt; có nghiệp vụ sư phạm tốt, bài giảng sát thực tiễn có tính thuyết phục cao, có năng lực truyền cảm hứng, hun đúc, bồi đắp được niềm tin, lý tưởng cho cán bộ, học viên.

Ba là, Chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) và kỹ năng mềm cho lực lượng giảng viên trẻ. Song song đó, tăng cường đi công tác thực tiễn cơ sở để gắn liền lý luận với thực tiễn trong bài giảng của giảng viên, để phục vụ công tác giảng dạy đạt hiệu quả. Khuyến khích, động viên tạo điều kiện cho cán bộ giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng trên chuẩn và thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ về đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy của trường.

Bốn là, khai thác tốt các giảng viên thỉnh giảng, tăng cường đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, chuyên trách nhà trường. Đồng thời, thực hiện việc thuê chuyên gia đầu ngành tham gia giảng dạy tại trường đáp ứng yêu cầu thực tiễn tỉnh đặt ra. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy và học cho phù hợp với tình hình mới, tương tác quản lý học viên thông qua hệ thống phần mềm nhằm nâng cao chất luợng giảng dạy và quản lý, đào tạo. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, phối hợp với các sở, ngành có liên quan đăng ký thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh.

Năm là, thường xuyên quan tâm tạo điều kiện cho viên chức, giảng viên tham gia đào tạo nâng cao trình độ sau đại học và trình độ lý luận chính trị phù hợp với chuyên ngành. Có kế hoạch cử viên chức đạo tạo trình độ nghiên cứu sinh nhằm chuẩn bị các điều kiện cho trường đạt chuẩn mức 1 theo đề án được xây dựng.


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.3, tr.251.

(2) Sđd, t. 9, tr.492.

(3) Sđd, t.2,  tr.684.

(4) Sđd, t.5, tr. 356.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số