Tin mới nhất

Bước tiến mới của Việt Nam về nhân quyền

Vào lúc 22h45 (theo giờ Việt Nam), ngày 11/10/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 77 đã tổ chức bỏ phiếu kín bầu các thành viên mới vào Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ). Việt Nam đã trúng cử, trở thành thành viên HĐNQ của LHQ, cùng với 14 thành viên mới/47 thành viên của tổ chức này đảm nhiệm trong trách nhiệm kỳ 2023-2025.

Đây là lần thứ hai, Việt Nam trúng cử HĐNQ (Lần đầu tiên vào năm 2013, Việt Nam trúng cử nhiệm kỳ 2014 - 2016). Cuộc bầu cử HĐNQ của LHQ lần này khó khăn nhất là tính cạnh tranh với 7 ứng cử viên, chọn 4 để đại diện cho khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Tuy vậy được sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế, trước hết là các nước thành viên của LHQ, Việt Nam đã vượt qua các rào cản để vào HĐNQ, một trong những cơ quan quan trọng nhất của LHQ.

Cách đây không lâu, tháng 6 năm 2022, Việt Nam được bầu giữ chức Phó chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, nhiệm kỳ 2022-2023, đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương; lần này trúng cử HĐNQ, thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Đây cũng là lần thứ 2 Việt Nam đại diện duy nhất được khối ASEAN nhất trí đề xuất ra tranh cử, và cả hai lần đều trúng cử vào HĐNQ của LHQ. Sự kiện chính trị quan trọng này cũng là một thành công của Việt Nam trên lĩnh vực đối ngoại. Vào tổ chức này Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề trọng tâm của quốc tế liên quan đến quyền con người; đồng thời nâng cao khả năng đóng góp của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thế giới, nhất là đối với các nhóm dễ bị tổn thương, như: bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang trên phạm vi toàn thế giới. Kết quả này cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động về nhân quyền, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã thực thi trên thực tế được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.

Những năm qua, ở đâu đó có những tiếng nói lạc lõng của các thế lực thù địch và những người không hiểu đúng thực tế ở Việt Nam đã vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, nhưng những gì hiện thực đã và đang diễn ra là bằng chứng hiện thực chứng tỏ quyền con người ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo vệ; trong suốt hơn 77 năm qua, kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (nay là nước Cộng hòa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), nhất là qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống của người dân không ngừng được lên cả về vật chất lẫn tinh thần, quyền dân chủ ngày càng được đề cao. Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại Khoản 1 Điều 14 Chương II quy định rõ: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật". Kể từ khi Hiến pháp 2013 được thông qua, một hệ thống hàng trăm văn bản pháp luật, bao gồm các bộ luật, luật và các văn bản dưới luật liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, điển hình như: Luật tiếp công dân, Luật tố cáo, Luật tiếp cận thông tin, Bộ luật Dân sự, Luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước…

Về luật pháp quốc tế, Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước quốc tế về quyền con người, trong đó Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990. Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, cụ thể, như: Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (ICCPR), gia nhập ngày 24/9/1982; Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966, gia nhập ngày 24/9/1982; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979...

Để có thêm cơ sở bền vững cho việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam, hiện nay chúng ta đang nỗ lực hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; đồng thời củng cố nền tảng pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn nhất quán lấy con người làm trung tâm của phát triển, bảo đảm người dân được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau. Việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người luôn được Việt Nam thể chế hóa cũng như thực thi nghiêm túc trong thực tiễn. Những năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ra những tổn thất to lớn đối với kinh tế và sức khỏe, tính mạng người dân, trước tình hình đó Đảng và Nhà nước ta xác định phải đạt được mục tiêu kép: Vừa phát triển kinh tế, vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong lúc đại dịch bùng phát, gói an sinh xã hội gần 62.000 tỷ đồng để trợ cấp cho người dân khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19; đồng thời tổ chức gần 300 chuyến bay, đưa hơn 80.000 công dân từ hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước an toàn. Và 11.500 tấn gạo hỗ trợ khẩn cấp, với hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước để cứu trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống. Những nỗ lực đó là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn ưu tiên dành mọi nguồn lực để bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của người dân, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Điều đó cũng đã được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá Việt Nam là một điển hình trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, các mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết, trong đó lấy con người làm trung tâm. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Đại hội XIII (năm 2021): “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc ; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số