Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, chặt chẽ, sắc bén, hàm chứa những nội dung cốt lõi, có cơ sở pháp lý vững chắc, khẳng định chủ quyền quốc gia của một dân tộc và giá trị về quyền con người của người dân một nước độc lập. Đồng thời là một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ, sâu sắc nhất quan điểm triết học, chính trị và nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó chứa đựng cả những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc; thể hiện trí tuệ sắc sảo, tư duy lỗi lạc mang tầm thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là kết quả của một quá trình thực tiễn cách mạng, tư duy khoa học, độc đáo và thiên tài của Người.
Tuyên ngôn Độc lập còn thể hiện khát vọng và quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà dân tộc Việt Nam đã đạt được, tuyên bố mạnh mẽ với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc ta qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đây cũng là bản Tuyên ngôn Độc lập thứ ba của dân tộc, khẳng định độc lập chủ quyền, ý chí tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam. Mặc dù thời thế đã đổi thay nhưng chí khí hào hùng của nhân dân ta trong Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi vẫn thắm đượm trong từng lời, từng chữ của tuyên ngôn.
Tuyên ngôn độc lập cũng đã đúc kết và nâng sức mạnh truyền thống dân tộc lên một tầm cao mới, tạo sức mạnh, động lực cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành và giữ vững độc lập dân tộc, giữ vững thành quả cách mạng mà bao thế hệ đã hy sinh máu xương để giành được. 77 năm đã trôi qua, bản Tuyên ngôn độc lập - văn kiện pháp lý đặc biệt quan trọng, kết tinh giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và tinh hoa thời đại, vẫn vang vọng mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại; vẫn mang sức sống mãnh liệt và có giá trị trường tồn, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Tuyên ngôn Độc lập là một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, đặt cơ sở cho việc thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam với mục tiêu Độc lập -Tự do - Hạnh phúc; soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và phát triển đất nước trong di sản Hồ Chí Minh được Đảng ta nhấn mạnh trong các văn kiện Đại hội XIII với quan điểm chỉ đạo “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Ngày nay, Đảng đang lãnh đạo nhân dân nỗ lực thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hướng theo tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cũng chính là để thực hiện bằng được tinh thần, khát vọng trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Mang tinh thần, khát vọng đó vào tương lai chính là đưa tư tưởng Hồ Chí Minh đến đích của sự hoàn thiện cho độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của con người Việt Nam. Đồng thời khơi dậy khát vọng phát triển vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước và sánh vai với các cường quốc năm châu trở thành nguồn cảm hứng bất tận từ Hồ Chí Minh đến Đại hội XIII của Đảng.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời Người để thực hiện.