Tin mới nhất

Tìm hiểu áp dụng án lệ ở Việt Nam hiện nay

Án lệ xuất hiện khá sớm trong lịch sử tư pháp thế giới, nó tồn tại dưới hình thức các phán quyết, nhằm điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh cho phù hợp với sự phát triển của xã hội đương đại. Tại Việt Nam, năm 2016, Toà án Nhân dân tối cao (TANDTC) đã chính thức công bố 6 án lệ đầu tiên.

Ở Việt Nam, án lệ được hiểu là: “Bản án đã tuyên hoặc một sự giải thích, áp dụng pháp luật được coi như một tiền lệ làm cơ sở để các thẩm phán sau đó có thể áp dụng trong các trường hợp tương tự”[1]. Như vậy, án lệ có các đặc điểm sau:

Thứ nhất, để hình thành án lệ trước hết phải có bản án, tuy nhiên không phải toàn bộ bản án được coi là án lệ mà chỉ có một phần trong đó và không phải bản án nào cũng được coi là án lệ mà nó phải được thông qua một số trình tự, thủ tục nhất định.

Thứ hai, án lệ có tính khuôn mẫu: điều này thể hiện ở việc khi bản án được công nhận là án lệ thì sẽ được lấy làm khuôn mẫu cho các vụ việc có tính chất tương tự và được sử dụng nhiều lần.

Thứ ba, án lệ có tính bắt buộc: bản án đó phải là khuôn mẫu đặt ra yêu cầu đối với các thẩm phán phải áp dụng đối với các vụ tương tự sau này, đảm bảo rằng những vụ việc như nhau với các tình tiết chính tương tự như nhau sẽ được xét xử như nhau, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, từ đó duy trì sự tôn trọng pháp luật ở mức nhất định.

Dưới chế độ Phong kiến, ở Việt Nam, án lệ đã xuất hiện và tồn tại dưới dạng các chiếu chỉ, sắc dụ, lệnh của nhà vua nhưng vào thời điểm đó không gọi bằng thuật ngữ án lệ.

Ngày nay, Việt Nam là quốc gia theo truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, luật thành văn là nguồn luật cơ bản và quan trọng nhất. Để đảm bảo đưa các quy phạm mang tính khái quát cao vào cuộc sống, đồng thời các quy phạm này không phải lúc nào cũng rõ ràng, dễ hiểu và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, do đó mà cần đến quá trình hướng dẫn, giải thích pháp luật. Hoạt động giải thích pháp luật được hiểu “nhằm làm sáng tỏ về mặt tư tưởng, nội dung và ý nghĩa của các quy phạm pháp luật, đảm bảo cho sự nhận thức và thực hiện nghiệm chỉnh, thống nhất pháp luật”[2].

Việc thừa nhận án lệ tại Việt Nam được ghi nhận tại một số văn bản khác nhau. Có thể kể đến như:

- Thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 442/TTG, ngày 19/01/1955 về việc trừng trị một số tội phạm có nội dung như sau: “Tới nay, các Tòa án căn cứ vào những văn bản nói trên và chính sách trừng trị của Chính phủ mà xét xử đem lại kết quả tốt cho việc bảo vệ trật tự, an ninh. Kinh nghiệm xét xử về một số loại phạm pháp đã được trở thành án lệ…”;

- Thông tư số 19-VHH ngày 30/6/1955 của Bộ Tư pháp về việc áp dụng luật lệ có nêu: “Nếu chỉ có luật hình cũ, chưa có sắc lệnh mới, mà xét cần trừng phạt thì cũng không viện dẫn luật hình cũ, Tòa án sẽ căn cứ vào đường lối truy tố xét xử, vào các yêu cầu chung và cụ thể đối với từng sự việc, vào án lệ”.

- Chỉ thị số 772-TATC ngày 10/7/1959 của TANDTC về vấn đề đình chỉ áp dụng luật pháp cũ của đế quốc và Phong kiến, cũng nêu: “Để xét xử các vụ án hình sự và dân sự, cần áp dụng luật pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành từ trước đến giờ (luật, sắc lệnh, nghị định, thông tư…) đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, án lệ của các Tòa án, của Tòa án tối cao”

- Thông tư số 92-TC ngày 11/11/1959 của Bộ Tư pháp - TANDTC giải thích và quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của các TAND phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh, chỉ rõ: “TAND phúc thẩm chỉ đạo công việc xét xử của các TAND cấp dưới thông qua án lệ của mình”.

Thực tế cho thấy, luật thành văn dù có được xây dựng cẩn thận và kĩ lưỡng đến đâu thì cũng không thể dự đoán được hết những tình huống sẽ xảy ra trong tương lai. Hơn nữa, ngày càng có nhiều hành vi vi phạm pháp luật tinh vi, nhiều tình huống mà các nhà làm luật không lường hết được. Khi xuất hiện những hành vi vi phạm pháp luật hay tình huống mới thì việc cần phải làm là sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật thành văn để kịp thời điều chỉnh những tình huống này. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi phải qua trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật và sẽ mất khoảng thời gian nhất định, do vậy tình trạng thiếu quy phạm để điều chỉnh là dễ xảy ra.

Như vậy, án lệ đã bổ sung giúp cho luật thành văn trở nên gắn liền với thực tiễn hơn bao giờ hết. Hơn nữa, khi xây dựng án lệ, tòa án góp phần vào việc hoàn thiện và phát triển luật thành văn trong tương lai. Ở mức độ nhất định, án lệ vẫn được coi là nguồn luật và thực tiễn cho thấy án lệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hệ thống luật thành văn.

Chính vì những lí do đó, vấn đề áp dụng án lệ lại trở thành câu chuyện thời sự trong bối cảnh cải cách tư pháp hiện nay. Cụ thể, trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, xác định: … “Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ…”; và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định: “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.

Từ năm 2003, TANDTC đã công bố một số các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, một số quyết định giám đốc thẩm của các tòa chuyên trách TANDTC trên trang thông tin điện tử của TANDTC. Việc công bố công khai các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC được coi là một bước chuẩn bị rất căn bản cho việc triển khai áp dụng án lệ ở Việt Nam.

Ngày 31/10/2012, TANDTC đã ban hành Quyết định số 74/QĐ-TANDTC phê duyệt Đề án phát triển án lệ của TANDTC.

Kể từ ngày Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 có hiệu lực (01/7/2015), Việt Nam chính thức thừa nhận án lệ bằng việc quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền phát triển án lệ.

Từ những cơ sở pháp lí nói trên, ngày 06/4/2016, Chánh án TANDTC đã công bố 6 án lệ đầu tiên theo Quyết định số 220/QĐ-CA.

Hiện nay, Việt Nam đã có một hệ thống án lệ khá phong phú về các lĩnh vực khác nhau. Do đó, việc chính thức công nhận án lệ được coi là một bước đi hết sức quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp ở Việt Nam, thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 48 và 49 của Bộ Chính trị. Tính đến ngày 01/01/2022, Việt Nam đã công bố và áp dụng 52 án lệ. Có thể nói, chúng ta đang trông chờ vào một nền tư pháp hiện đại hơn, minh bạch hơn và đặc biệt là hiệu quả hơn trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của việc áp dụng án lệ trong thực tế xét xử ở Việt Nam./.


Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Bá Bình (Chủ biên), Án lệ và sử dụng án lệ trong đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay (Sách chuyên khảo), Nxb. Tư pháp, Hà nội, 2019.

2. Nghiên cứu chung Việt - Nhật về phát triển án lệ tại Việt Nam – Nxb. Thanh niên, 2008. 


[1] Bộ Tư pháp, Viện Khoa học pháp lí, Từ điển Luật học (2006)

[2] Xem Chương X Mục III, Giáo trình Lí luận nhà nước và pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, 2015.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số