Tin mới nhất

Chuyển đổi số vì lợi ích của người dân

Với thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số cũng đang là xu hướng tất yếu đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia, các nước đang phát triển thậm chí có thể tận dụng cơ hội để chuyển đổi số nhanh hơn. Đây là cơ hội để Việt Nam vươn lên, thay đổi thứ hạng quốc gia. Bởi, lợi thế của Việt Nam là được sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam có thể có những chủ trương lớn một cách nhanh chóng và tập trung, vì vậy việc chuyển đổi số mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam.

Nhận thấy cả cơ hội và thách thức từ vấn đề trên, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 về phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Với Chính phủ số, việc chuyển đối số sử dụng dữ liệu và hệ thống công nghệ số nhằm thay đổi trải nghiệm người sử dụng với các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp. Mặt khác, việc thay đổi hệ thống công nghệ cũng làm thay đổi nghiệp vụ, mô hình và phương thức hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước, giúp cho Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, đồng thời minh bạch hơn trong thực thi công vụ… Có thể nói về phương diện quốc gia, chuyển đổi số đang là xu hướng và có nhiều lợi ích. Đặc biệt, đối với người dân chính phủ số đem lại lợi ích cụ thể như: Chính phủ số nhờ dữ liệu số và công nghệ số thấu hiểu người dân hơn, vì vậy, cung cấp dịch vụ số tốt hơn, chăm sóc người dân tốt hơn.

Đối với kinh tế số, theo Cẩm nang chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông đó là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số, dữ liệu số như là yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Intermet, mạng công nghệ thông tin làm không gian hoạt động chính; sử dụng công nghệ số, nền tảng số để tăng năng suất lao động. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng, …) mà công nghệ số được áp dụng. Đối với người dân, kinh tế số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có. Nếu như trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình. Còn hiện nay, với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới. Chỉ cần mỗi người dân với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang hoặc thiết bị di động được kết nối mạng là có thể trở thành một doanh nghiệp và có thể tiếp cận cả thế giới dù ngồi ở bất kỳ nơi nào.

Gần đây nhất, Bộ Công an đã triển khai sử dụng ứng dụng VNeID, đây là ứng dụng được tích hợp cùng các tiện ích của thẻ CCCD điện tử; bảo đảm chính xác, tiện lợi và thông tin của công dân được bảo mật. Sau khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử thành công có thể đăng nhập và sử dụng các chức năng, tiện ích trên ứng dụng VNeID như: Giải quyết dịch vụ công trực tuyến (Thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng… mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết); tích hợp thông tin Giấy phép lái xe, đăng ký xe; tích hợp thông tin thẻ căn cước công dân; tích hợp thông tin bảo hiểm y tế; hỗ trợ tin báo tố giác tội phạm trực tuyến, thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền…

Chuyển đổi số trong xã hội nhằm hình thành xã hội số. Xã hội số, xét theo nghĩa rộng, là bao trùm lên mọi hoạt động của con người. Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân. Xã hội số, xét theo nghĩa hẹp, gồm công dân số và văn hóa số. Do đó, thực hiện xã hội số giúp người dân có thể xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển và một loat những tiến bộ lớn về chất lượng sống, giúp người dân có thể sống khỏe mạnh hơn, vui vẻ hơn... Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân, những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp người dân tiết kiệm chi phí: y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp và đây là những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đối số trước. Một điển hình trong ứng dụng công nghệ số cho giáo dục hiện nay là một học sinh THPT ở miền núi có thể được ôn thi đại học trực tuyến với những thầy cô giáo giỏi nhất ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… giống như học sinh THPT ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… qua nền tảng Viettel Study hay VnEdu; Một người dân sử dụng điện thoại thông minh có thể thanh toán tiền điện, nước, mạng tại nhà thông qua các ứng dụng thanh toán trực tuyến như: Momo, ZaloPay… mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan cung cấp; sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT giấy như hiện nay khi đi khám tại các bệnh viện…

Để thực hiện được chuyển đối số có rất nhiều khó khăn, thách thức mà chúng ta phải đối mặt, trong đó khó khăn lớn nhất là thay đổi thói quen và thách thức lớn nhất là có nhận thức đúng, bởi chuyển đối số là chuyện chưa có tiền lệ, là vấn đề nhận thức, chứ không phải chỉ là vấn đề công nghệ. Nhận thức đúng về chuyển đối số còn phải đặt trong bối cảnh cụ thể của một tổ chức, thêm vào đó là nguồn nhân lực chuyển đổi số thiếu hụt, từ nhà quản lý đến chuyên gia, kỹ sư, công nhân công nghệ số, nguy cơ mất việc làm khi người lao động không được đào tạo lại, đào tạo nâng cao kịp thời để bắt kịp các yêu cầu về kỹ năng mới. Mặt khác, các dữ liệu của các tổ chức, cá nhân, quyền riêng tư cá nhân của con người trên không gian mạng bị đe dọa và những mối quan hệ mới chưa có tiền lệ phát sinh, những mối quan hệ truyền thống có thể bị gián đoạn hoặc chấm dứt và cuối cùng là nguồn kinh phí hạn hẹp cũng là một trở ngại rất lớn… Tuy nhiên, với những lợi ích và cơ hội lớn từ việc chuyển đổi số mang lại cũng như những định hướng của Đảng và sự chỉ đạo, quyết liệt triển khai mạnh mẽ của Chính phủ trong thời gian qua đã cho thấy đây là bước đi phù hợp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay và đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số