Tin mới nhất

Giữ trọn lời thề đảng viên, điều cốt lõi là “nói phải đi đôi với làm”

Nghị quyết Trung ương V Khóa XIII xác định: “Đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Tạo môi trường để đảng viên rèn luyện, phấn đấu, đồng thời mỗi đảng viên phải tự ý thức học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức, phong cách, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng và lời thề khi vào Đảng”.

Quá trình phấn đấu rèn luyện, khi được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, trong giờ phút thiêng liêng ấy, dưới cờ Đảng quang vinh và trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người được kết nạp đảng viên dõng dạc đọc lời thề. Đó chính là lời tuyên thệ trước Đảng, cam kết chính trị về lòng trung thành, chí tiến thủ và tinh thần suốt đời tu dưỡng, rèn luyện, giữ trong sạch phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người cộng sản, phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Song lời thề không chỉ đọc ở ngày kết nạp, không “đánh trống, bỏ dùi”, mà đòi hỏi mỗi đảng viên phải khắc cốt, ghi tâm và giữ trọn suốt cuộc hành trình theo Đảng, Đã thề trước Đảng thì phải luôn làm đúng những điều đã hứa với Đảng, với dân.

            “Nói đi đôi với làm”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự thống nhất giữa lời nói với việc làm, coi đó là một trong nguyên tắc cơ bản của đạo đức cách mạng và bản thân Người là tấm gương sáng ngời về nói đi đôi với làm. Năm 1945, trước nạn đói trên miền Bắc, Người đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói và Người kêu gọi: “Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn  3 bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo” (1). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ghi rõ: “Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở, xây dựng và thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, chịu khó học hỏi, nói đi đôi với làm” (2).

Trong tiến trình sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nói chung và xây dựng quê hương Bình Thuận, đã có rất nhiều cán bộ đảng viên tiên phong, gương mẫu trong thực hiện lời thề với Đảng, luôn hành động vì ích nước, lợi dân, đã thực sự là gương sáng để cấp dưới và quần chúng kính phục, tin yêu. Tuy vậy, bên cạnh nhân tố tích cực đó là tình trạng nói không đi đôi với làm, nói một đường, làm một nẻo, nói nhưng không làm đang diễn ra ở không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số người có chức vụ cao nhưng không nghiêm khắc với chính mình, bị sa ngã trước những cám dỗ vật chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng, cơ hội, vụ lợi, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, xa dân…, đã bị xử lý về kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Như vậy họ không chỉ đánh mất chính mình mà còn làm ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của Đảng, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước và Nhân dân, đi ngược lại với lời thề trước cờ Đảng, lời hứa trước cơ quan, tổ chức, nhân dân khi được kết nạp Đảng, khi nhận nhiệm vụ do được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử. Thực trạng nêu trên xuất phát từ căn nguyên do suy thoái tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống ở những cán bộ, đảng viên hư hỏng. Vì vậy gây bức xúc trong xã hội, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với tổ chức Đảng và đảng viên. Đồng thời tạo cơ hội cho các thế lực thù địch kích động, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Do đó thực hiện nói đi đôi với làm là vấn đề có tính nguyên tắc đối với mỗi cán bộ đảng viên trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Thực hiện nói đi đôi với làm, thì “Nói” ở đây là nhận thức đúng và nói đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; “Làm” là mỗi cán bộ, đảng viên phải hành động đúng với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây không chỉ là mệnh lệnh của Đảng mà còn là biểu hiện của đạo đức, lẽ sống, là sự gương mẫu của mỗi cán bộ đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Nói đi đôi với làm phải thể hiện bằng kết quả công việc, với những sản phẩm cụ thể, coi đó là thước đo sự cống hiến của mỗi người trên tinh thần “Dĩ công vi thượng”, để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà; “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, như điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

            Giải pháp thực hiện

Phát huy tính tự giác, đề cao lòng tự trọng của mỗi cán bộ đảng viên vẫn là nhân tố quyết định trong việc gắn kết giữa nói và làm. Thực hiện đúng điều Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi: “Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo”(3), nhất là phải luôn “tự soi, tự sửa”, tự đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong chính mình, kiên quyết bài trừ các hành vi xu thời, xu nịnh, các biểu hiện: “nói nhiều làm ít”, “nói hay, làm dở”, “nói một đường làm một nẻo”, “nói nhưng không làm”. Thực hiện tốt chuẩn mực tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “nói đi đôi với làm” trong công việc hàng ngày bằng những hành động, việc làm cụ thể, thực chất.

Cùng với việc đề cao vai trò tự giác của mỗi cá nhân thì vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, của cơ quan, đơn vị nơi cán bộ đảng viên công tác và của cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ trong việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện những biểu hiện sai lệch về nói và làm của cán bộ đảng viên trong công việc, trong cuộc sống, đi đôi với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên. Mở rộng và phát huy dân chủ trong tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị, luôn coi trọng công tác tự phê bình và phê bình, nghiêm khắc phê phán những cán bộ hay nói suông, nói một đường, làm một nẻo; biểu dương, khen thưởng những gương đảng viên tận tụy, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đi đôi với đó là “Kịp thời rà soát, thay thế cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, yếu kém về năng lực, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm”, mà đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy đã nêu khi trả lời phỏng vấn báo chí (4).

Hiện nay, khi các cấp ủy đảng ở tỉnh ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp địa phương nhiệm kỳ 2020 - 2025, thì mỗi cán bộ đảng viên gương mẫu thực hành “nói đi đôi với làm” sẽ tạo lan tỏa trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và trong xã hội, nhằm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần tích cực, thiết thực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II, tr.198.

(3) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII).

(4) Dương Văn An trả lời phỏng vấn Báo PLTPHCM ngày 14/9/2022.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số