Bình Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, là tỉnh có dãy đất bắt đầu chuyển hướng từ Nam sang Tây phần còn lại của Việt Nam trên bản đồ hình chữ S. Phía Bắc giáp với tỉnh Lâm Đồng, phía Đông Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai và phía Tây Nam giáp Bà Rịa-Vũng Tàu ở phía Đông và Nam giáp Biển Đông với đường bờ biển dài 192 km. Bình Thuận nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiều nắng, nhiều gió, không có mùa đông và khô hạn nhất cả nước. Khí hậu nơi đây phân hóa thành 2 mùa rõ rệt mùa mưa và mùa khô. Điều kiện tự nhiên không được ưu đãi như những địa phương khác nhưng với sự cố gắng, cần cù, chịu khó, sáng tạo con người Bình Thuận đã vươn lên, khai thác tốt những tiềm năng, lợi thể để phát triển kinh tế xã hội. Trong những tiềm năng, lợi thế đó phải nói đến tiềm năng du lịch.
Du khách thế giới và trong nước biết đến Bình Thuận với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan thơ mộng, môi trường trong lành cùng với đó là các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc. Đây là tiềm năng to lớn để Bình Thuận phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng. Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên thì các chủ trương, chính sách của tỉnh cũng như của trung ương nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà như dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km được khởi công ngày 30/9. Dự án có vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, dự kiến khai thác vào đầu tháng 4 năm 2023. Tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận và các vùng lân cận. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển từ TPHCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết. Cao tốc cũng sẽ kết nối với sân bay Long Thành, giúp cho du khách từ sân bay quốc tế về Phan Thiết thuận tiện và nhanh chóng hơn, tạo nên trục giao thông liền mạch giữa TPHCM - Long Thành - Phan Thiết.
Tiếp đến, tỉnh Bình Thuận đã hoàn tất thủ tục đầu tư và đang xúc tiến hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đã triển khai khởi công một số hạng mục. Khi hoàn thành, sân bay Phan Thiết là động lực phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Riêng với thị trường du lịch, sân bay Phan Thiết sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ các tỉnh miền Bắc nhờ đường bay thẳng. Sân bay này hoàn thành cũng là một cú hích, mang một lượng lớn khách du lịch đến trải nghiệm tại các dự án đô thị du lịch trên địa bàn tỉnh, đơn cử như NovaWorld Phan Thiết - siêu thành phố biển du lịch sức khoẻ có quy mô đến 1.000 ha, góp phần ghi dấu Bình Thuận trên bản đồ thế giới và khu vực.
Thời gian qua, tỉnh đã thu hút đầu tư, khai thác tối đa tài nguyên du lịch biển tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, Tiến Thành (Phan Thiết), Tân Thành (Hàm Thuận Nam), Hòa Thắng (Bắc Bình). Toàn tỉnh hiện có 388 dự án du lịch đã được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp 6.183 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư 54.072 tỷ đồng; trong đó, đầu tư nước ngoài có 23 dự án du lịch và 15 dự án dịch vụ du lịch. Loại hình du lịch dã ngoại, vui chơi giải trí, tham quan tại các khu du lịch ven biển đã thu hút nhiều du khách nội địa trong dịp hè, lễ, Tết và dịp cuối tuần. Các điểm tham quan được đầu tư nâng cấp, phát triển thêm các dịch vụ phục vụ du khách. Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực khai thác tài nguyên du lịch nhân văn để phát triển loại hình du lịch tín ngưỡng. Thông qua các lễ hội truyền thống đã thu hút được nhiều du khách hành hương tín ngưỡng kết hợp tham quan du lịch, nhất là tại thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, xã Bình Thạnh - huyện Tuy Phong. Các sản phẩm du lịch hội nghị, du lịch sinh thái,… từng bước được đầu tư khai thác. Hệ thống cơ sở lưu trú tiếp tục phát triển, chất lượng ngày càng được nâng lên. Toàn tỉnh hiện có 417 cơ sở lưu trú du lịch đang hoạt động với 13.124 phòng, 315 biệt thự và 557 căn hộ du lịch. Đã xếp hạng 209 cơ sở lưu trú với 8.773 phòng, trong đó có 03 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao, 28 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao, 16 cơ sở 3 sao có, 31 cơ sở đạt 2 sao, 39 cơ sở đạt 1 sao... Đồng thời, có 47 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành. Các loại hình dịch vụ du lịch như: ăn uống, mua sắm, spa, vui chơi giải trí, thể thao biển, lướt ván buồm, lướt ván diều, dù lượn, môtô địa hình, vận chuyển hành khách… phát triển khá tốt, đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến tham quan, du lịch tại Bình Thuận. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức, hiệu quả mang lại ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Bình Thuận phát triển chưa mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; loại hình, sản phẩm du lịch chưa đa dạng. Chưa thu hút các nhà đầu tư chiến lược để tạo động lực phát triển du lịch; số dự án du lịch chưa triển khai hoặc triển khai cầm chừng còn nhiều. Chưa giải quyết tốt mâu thuẫn giữa du lịch và các ngành kinh tế khác; trong đó, hoạt động khai thác titan, chế biến hải sản… đã tác động, gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu và yếu; hạ tầng giao thông đối ngoại chưa được cải thiện; thiếu nguồn lực đầu tư các công trình văn hóa (bảo tàng, thư viện, trung tâm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, các khu vui chơi giải trí…) để phục vụ nhu cầu của du khách. Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển; thiếu đội ngũ quản lý kinh doanh du lịch giỏi, chuyên nghiệp. Chất lượng dịch vụ lữ hành, hướng dẫn du lịch còn nhiều hạn chế.
Trong thời gian tới để khai thác triệt để những tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng nhằm thu hút du khách đến du lịch, cần phải thực hiện một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các giá trị văn hóa lễ hội làng nghề truyền thống tạo thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, phát triển thêm nhiều loại hình du lịch đặc trưng của địa phương, tạo ra sự mới lạ và thích thú cho du khách có như vậy mới giữ khách lâu ngày và đón khách quay trở lại.
Thứ hai, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để tạo động lực phát triển du lịch việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược ở cả trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến cần phải tập trung xây dựng, cập nhật thường xuyên danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, chú trọng các dự án phát triển du lịch, phù hợp với quy hoạch, nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch tạo động lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Thứ ba, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng tốt hơn, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải đảm bảo sự liên kết giữa địa phương và các vùng xung quanh cũng như với quốc tế. Thực hiện bảo trì và nâng cấp các công trình văn hóa, bảo tàng, thư viện, trung tâm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, các khu vui chơi giải trí… nhằm phục vụ nhu cầu du khách ngày một tốt hơn.
Thứ tư, đào tạo đội ngũ quản lý, nguồn nhân lực phục vụ du lịch ngày càng mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của mọi du khác trong nước cũng như du khách nước ngoài./.