Tin mới nhất

Khắc phục “bệnh sợ trách nhiệm” của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời, luôn hiện thực lời nói gắn liền với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn. Việc nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân đã được Người thực hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Tấm gương và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn mãi mãi soi đường cho các thế hệ cán bộ, đảng viên tiếp bước noi theo.

Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên, phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, trước nhân dân và trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc to hay việc nhỏ. Theo Người, tinh thần trách nhiệm “Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v… là không có tinh thần trách nhiệm”[1]. Nguồn gốc của bệnh sợ trách nhiệm như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo là do chủ nghĩa cá nhân: “Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm”[2]. Khi mắc phải căn bệnh chủ nghĩa cá nhân, luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân mà mất cả dũng khí, bản lĩnh đấu tranh, thiếu tinh thần trách nhiệm, không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, không dám thừa nhận và chịu trách nhiệm.

Trải qua hơn 36 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Những thành tựu đó đã làm thay đổi bộ mặt đời sống Nhân dân, tiềm lực, vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng lên. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập, trong đó, “bệnh sợ trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ, công chức đang là vấn đề đáng lo ngại. Tình trạng né tránh trách nhiệm trở nên phổ biến, nhất là cấp lãnh đạo, quản lý, xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và thiếu năng lực thực sự đẫn đến cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích gì cho bản thân.

Thứ hai, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng ta đẩy mạnh trong toàn hệ thống chính trị, rất nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật đã khiến cho cán bộ thực thi công vụ, kể cả những người đứng đầu có tâm lý và thái độ làm việc cầm chừng với quan điểm “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm sẽ không sai”.

Thứ ba, một số văn bản quy định pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện, chẳng hạn như cùng một nội dung quy định, nhưng lại có 2 cách hiểu khác nhau; hay cùng 1 nội dung công việc, nhưng lại có 2 văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không thống nhất, đồng bộ.

Căn bệnh sợ trách nhiệm gây ra nhiều hậu quả rất nghiêm trọng. Điển hình nhất là tâm lý ỷ lại, dựa dẫm và hình thành một bộ phận cán bộ núp bóng, không vì lợi ích chung, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện thờ ơ, vô cảm với trách nhiệm được giao và trách nhiệm với nhân dân, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng lên. Trong khi đó, người năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh đôi khi lại bị hiểu sai, thậm chí rất dễ bị quy chụp và xử lý trách nhiệm.

Để kịp thời khắc phục tình trạng này, trong nhiệm kỳ Đại hội XII và nhiệm kỳ Đại hội XIII, Bộ Chính trị đã ban hành hàng loạt các văn bản như: Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”... Tuy vậy, để khắc phục căn “bệnh sợ trách nhiệm”, khuyến khích sự sáng tạo, bảo vệ cán bộ, thiết nghĩ thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, cán bộ, đảng viên thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, tăng cường tự soi, tự sửa.

Mỗi cán bộ, công chức phải có nhận thức chính trị đúng với sự hiểu biết về đường lối, quan điểm chính trị, nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng; kiên định, tin tưởng mục tiêu do Đảng đề ra, không hoang mang dao động, nghiêng ngả về chính trị tư tưởng, có niềm tin vào sự nghiệp đổi mới đất nước, vào mục đích, lý tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; có ý chí cách mạng và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của người cán bộ, công chức.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải tăng cường tự soi, tự sửa, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để giữ vững phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức sẽ dễ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Lý luận và thực tiễn đã khẳng định tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là một biện pháp có ý nghĩa quan trọng để giữ vững tư cách của người cách mạng.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Cần tập trung rà soát những bất cập, nhanh chóng sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn, đảm bảo được tính thống nhất, chặt chẽ; cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân và phải được cụ thể hóa thành luật. Việc hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để khắc phục tình trạng đùn đẩy, không làm hết trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, vướng là “đẩy lên trên” hoặc “đẩy xuống dưới” như hiện nay.

Thứ ba, đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, công chức

Đánh giá đúng, công tâm, khách quan sẽ khơi dậy sự chủ động, sáng tạo trong công việc, kiên quyết thực hiện dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước công việc của mình, khắc phục được “bệnh sợ trách nhiệm”, vươn lên hoàn thành tốt trách nhiệm công vụ được giao, tránh tình trạng chọn việc nhẹ, việc dễ mà đùn đẩy việc khó cho người khác, cho tập thể.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức và thực hiện tốt khen thưởng, kỷ luật.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, thực hiện linh hoạt các phương pháp kiểm tra, giám sát trực tiếp và hình thức kiểm tra cán bộ, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Cùng với đó, các đơn vị tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Từ đó, kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.

Đảm bảo nguyên tắc chung là khen thưởng đúng người, đúng thành tích và đúng lúc; kỷ luật đúng người, đúng mức độ vi phạm, đúng quy định của Đảng, của pháp luật. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua một cách thực chất, không phô trương hình thức, khắc phục bệnh thành tích cũng là cách để khắc phục “bệnh sợ trách nhiệm” hiện nay.  

Kế thừa và phát triển thành tựu của hơn 36 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” khơi dậy khát vọng phát triển đất nước vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Để thực hiện khát vọng đó, Đảng ta xác định phải bằng hành động và những việc làm cụ thể, lấy hiệu quả làm thước đo, với tư duy sáng tạo, đổi mới. Vì vậy, khắc phục “bệnh sợ trách nhiệm” trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người đều có tinh thần cống hiến, xả thân vì sự nghiệp cách mạng, đều thật sự “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[3] như tấm gương, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”./.

Nguyễn Thị Loan

  Khoa Lý luận cơ sở


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.248.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.467.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 14, tr.435.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số