Tin mới nhất

VAI TRÒ CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA LỊCH SỬ

Chủ nghĩa Mác - Lênin là thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cung cấp cho con người một công cụ để nhận thức và cải tạo thế giới; nó chỉ ra quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy; đồng thời là học thuyết về sự giải phóng con người và phát triển của xã hội. Chủ nghĩa Mác - Lênin không những nêu ra mục tiêu, đối tượng, những quy luật của sự giải phóng con người và phát triển xã hội, mà còn chỉ ra lực lượng cách mạng có khả năng thực hiện được nhiệm vụ đó. Chính vì vậy, vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong tiến trình phát triển của lịch sử được thể hiện ở những vấn đề cơ bản sau:

Một là, vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là giải phóng con người và nhân loại thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, nghèo nàn, lạc hậu để có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Theo đó, sự nghiệp giải phóng giai cấp, dân tộc và con người có quan hệ chặt chẽ với nhau. Với các nước thuộc địa, phụ thuộc, cách mạng giải phóng dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng con người, đưa con người từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân.

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã hiện thực hóa lý tưởng giải phóng giai cấp ở nước Nga, sau đó là Liên Xô, đã cổ vũ công cuộc đấu tranh hướng tới giải phóng giai cấp theo con đường, hình mẫu Cách mạng Tháng Mười Nga. Liên Xô đã tích cực, chủ động giúp đỡ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Noi gương Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, cuộc đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, dân sinh, dân chủ của nhân dân thế giới diễn ra sôi nổi, liên tục trong thế kỷ XX. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, cuộc đấu tranh mạnh mẽ đòi đòi dân sinh, dân chủ và bảo vệ nước Nga Xôviết đã diễn ra khắp nơi. Không chỉ ở Đức và Hunggari, phong trào công nhân ở các nước như Anh, Pháp, Italia, Mỹ trong thời kỳ này mặc dù không trở thành cách mạng thế giới, nhưng cũng diễn ra sôi động dưới hình thức bãi công chính trị, thu hút hàng triệu người tham gia. Năm 1919, ở Italia, Mỹ có các cuộc bãi công lớn, nhỏ với hàng triệu người tham gia. Những cuộc bãi công này đều mang nội dung đoàn kết với nước Nga thông qua các khẩu hiệu “Nước Cộng hòa Xôviết muôn năm”, “Cút khỏi nước Nga Xôviết”, “V.I.Lênin muôn năm”,... Từ trong cao trào đó, hàng loạt các đảng và tổ chức cộng sản ở nhiều nước đã ra đời: Năm 1918, Đảng Cộng sản Đức, Hunggari, Áo, Phần Lan, Ba Lan được thành lập; năm 1920, thành lập Đảng Cộng sản Mỹ, Italia. Những sự kiện này đưa tới sự thành lập một tổ chức quốc tế mới của giai cấp công nhân thế giới - Quốc tế Cộng sản vào năm 1919, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Có nơi như: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp... phong trào công nhân trở thành một lực lượng quan trọng trong việc đánh sập chủ nghĩa phát xít.

Liên Xô đã thực sự là thành trì của hòa bình, an ninh quốc tế, góp phần chủ yếu cứu loài người khỏi thảm họa phát xít. Với sự ủng hộ nhiệt tình, to lớn của Liên Xô, chủ nghĩa xã hội từ một nước phát triển thành một hệ thống trên thế giới, đó là các nhà nước xã hội chủ nghĩa ra đời ở Ba Lan, Bungari, Tiệp Khắc, Hunggari, Anbani, Cộng hòa Dân chủ Đức. Một số nước sau khi giải phóng dân tộc đã lựa chọn con đường phát triển theo chủ nghĩa xã hội như: Mông Cổ, Việt Nam, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Trung Quốc, Cuba. Chủ nghĩa xã hội hiện thực từ một nước là Liên Xô (Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết gồm 15 nước cộng hòa) trở thành hệ thống thế giới với khoảng 1/3 dân số và 1/4 diện tích toàn cầu, tạo thế cân bằng với chủ nghĩa tư bản, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đây hoàn toàn không phải là “giấc mơ”, mà là sự hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã tiên đoán từ năm 1848 trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Như vậy, nhờ ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, mở đầu bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh để tự giải phóng. Cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành một dòng thác lớn, góp phần làm biến đổi cục diện chính trị thế giới. Các dân tộc thuộc địa đã tìm thấy ở Cách mạng Tháng Mười Nga con đường mới cho sự nghiệp giải phóng, tìm thấy ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa một hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh giành giữ độc lập dân tộc. Nếu không có vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin và ảnh hưởng trực tiếp của Cách mạng Tháng Mười Nga thì không có sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc trong thế kỷ XX, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong suốt thế kỷ XX.

Hai là, vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay.

Trong thời đại ngày nay, vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin không những không giảm đi mà trái lại càng được nâng cao. Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng để phân tích xu hướng phát triển của xã hội trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã và đang phát triển mạnh mẽ. Bởi, bản chất của cuộc cách cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại là sự cải biến về chất lực lượng sản xuất trên cơ sở biến khoa học thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Đặc điểm nổi bật của thời đại ngày nay là sự tăng lên mạnh mẽ quá trình toàn cầu hoá, khu vực hoá nền sản xuất vật chất và các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo thời cơ và thách thức cho các quốc gia, dân tộc trên con đường phát triển. Do kết quả của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại mà loài người bước vào thế kỷ XXI với những giới hạn nhận thức mới rất cơ bản và sâu sắc. Trước tình hình đó, chủ nghĩa Mác - Lênin đóng một vai trò rất quan trọng, là cơ sở lý luận, phương pháp luận cho các phát minh khoa học, cho sự tích hợp, tích luỹ và truyền bá tri thức khoa học hiện đại. Dù tự giác hay tự phát thì khoa học hiện đại phát triển phải dựa trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng. Đồng thời, những giới hạn mới của hệ thống tri thức khoa học hiện đại cũng đang đặt ra những vấn đề mới đòi hỏi chủ nghĩa Mác - Lênin phải có bước phát triển mới.

Trong thời đại ngày nay, xu thế toàn cầu hoá xã hội đang không ngừng tăng lên. Bản chất của toàn cầu hoá là quá trình tăng lên mạnh mẽ các mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động, phụ thuộc lẫn nhau giữa các khu vực các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Toàn cầu hoá đem lại sự ra đời của hàng loạt tổ chức quốc tế và khu vực. Đây là một quá trình phức tạp, đầy mâu thuẫn, chứa đựng cả tích cực và tiêu cực, cả thời cơ và thách thức đối với các quốc gia, dân tộc, đặc biệt là các nước kém phát triển. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực tư bản chủ nghĩa đang lợi dụng toàn cầu hoá để âm mưu thực hiện toàn cầu hoá tư bản chủ nghĩa. Chính vì vậy, toàn cầu hoá là một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa để quốc với các nước đang phát triển, các dân tộc chậm phát triển. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Mác - Lênin đóng vai trò cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng để phân tích xu hướng phát triển của xã hội hiện đại.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là lý luận khoa học và cách mạng soi đường cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc đang diễn ra trong điều kiện mới, dưới hình thức mới. Hiện nay, có sự chênh lệch rất rõ về lực lượng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội; vẫn còn mâu thuẫn giữa lợi ích của giai cấp tư sản với lợi ích của tuyệt đại đa số loài người đang hướng đến mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Vì vậy, trào công nhân, phong trào xã hội chủ nghĩa và phong trào độc lập dân tộc vẫn tồn tại và đang tìm tòi các phương thức đấu tranh mới để đem đến sự giải phóng toàn diện cho con người và xã hội. Để thực hiện mục tiêu cao cả đó, loài người cần phải có lý luận khoa học và cách mạng soi đường. Lý luận đó chính là chủ nghĩa Mác - Lênin.

Mặt khác, chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở lý luận khoa học của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới và sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Kể từ khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã tỏ rõ tính ưu việt của một mô hình xã hội mới do con người, vì hạnh phúc con người. Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội hiện thực, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã bộc lộ những hạn chế của nó mà nổi bật nhất là một cơ chế xã hội mang tính tập trung, quan liêu, bao cấp. Chính trong tình trạng hiện nay, cần phải có một cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng để lý giải, phân tích sự khủng hoảng xu thế phát triển của chủ nghĩa xã hội thế giới và phương hướng khắc phục để phát triển. Đồng thời, sự nghiệp đổi mới toàn diện ở Việt Nam tất yếu phải dựa trên cơ sở lý luận khoa học, trong đó hạt nhân là phép biện chứng duy vật. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa được mở đường bằng đổi mới tư duy lý luận trong đó có vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin phải góp phần tìm được lời giải đáp về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới là yêu cầu tất yếu, nhằm làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lênin, đúng theo tinh thần của các ông: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng, bổ sung, phát triển hết sức sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin như gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội Việt Nam; đưa ra  mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam với tám đặc trưng. Trong đó, đặc trưng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vừa là đặc trưng đầu tiên vừa là mục đích của chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng xác định tám phương hướng lớn để xây dựng chủ nghĩa xã hội cùng mười mối quan hệ lớn cần giải quyết trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tất cả những điều này cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công trong vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Như vậy, vào thế kỷ XXI, với những điều kiện lịch sử mới, nhân loại đang đứng trước thời cơ và thách thức đã quy định vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin ngày càng tăng. Điều đó đòi hỏi phải bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin để phát huy tác dụng và sức sống của nó đối với thời đại và đất nước./.


[1] V.I.Lênin: Toàn tập, NXB. Tiến Bộ, 1981, tập 4, tr.232.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số