Tin mới nhất

CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG - NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN TRUNG

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên cần phải học tập tấm gương cần, kiệm, liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của đồng chí.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 trong một gia đình nông dân  tại Cù Lao Ông Hổ, tổng Bình Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Đồng chí là một chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng, cuộc đời hoạt động của đồng chí đã để lại nhiều di sản vô cùng quý báu cho toàn Đảng ta, toàn dân ta. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại…. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”[1].

Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm chiếm và trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào ta bị thực dân Pháp đàn áp dã man, chính điều đó đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của người thanh niên Tôn Đức Thắng yêu nước. Năm 1906, sau khi tốt nghiệp Sơ cấp tiểu học Đông Dương tại Long Xuyên, đồng chí rời quê lên Sài Gòn học nghề thợ máy tại Trường Cơ khí Á Châu - còn gọi là Trường Bá Nghệ. Tốt nghiệp hạng ưu, đồng chí được nhận vào làm công nhân ở Nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp tại Sài Gòn.

Năm 1912, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tham gia tổ chức cuộc bãi công tại Nhà máy sửa chữa tàu thủy Ba Son để đòi quyền lợi cho công nhân, vì vậy đồng chí đã bị sa thải. Sau đó, đồng chí sang Pháp làm công nhân ở Toulon (Pháp) và bị trưng dụng làm lính thợ cho một đơn vị Hải quân Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Công hội Pháp, đồng chí đã tham gia phản chiến và treo cờ đỏ trên chiến hạm để ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, tham gia cuộc binh biến của binh sĩ Pháp ở Hắc Hải (20/4/1919)[2]. Có thể nói, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những người thuộc lớp chiến sĩ đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta.

Năm 1920, trở về Sài Gòn, đồng chí đã lập Công hội bí mật ở Sài Gòn, đây là tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Tôn Đức Thắng, tổ chức Công hội đã lãnh đạo phong trào bãi công sôi nổi của thủy thủ và công nhân Nam Bộ, tiêu biểu nhất là cuộc bãi công của công nhân hãng Ba Son tháng 8 năm 1925 - đánh dấu trình độ giác ngộ công nhân, trình độ tổ chức, ý thức đoàn kết, kỷ luật của giai cấp công nhân Việt Nam đã phát triển lên một bước mới. Năm 1926, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và chỉ một năm sau (1927), đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam Kỳ.

Cuối năm 1929, đồng chí bị bọn đế quốc bắt phạt án 20 năm khổ sai tại khám lớn Sài Gòn và địa ngục trần gian Côn Đảo. Mặc dù, trong điều kiện nhà tù hà khắc, ăn uống kham khổ, lại bị đánh đập, tra tấn liên miên, lúc thì bị nhốt vào hầm xay lúa, lúc thì bị nhốt vào hầm tối, tay chân bị xiềng xích, cùm kẹp, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng[3]. Cũng chính tại Côn Đảo, đồng chí đã tham gia thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở đó và tích cực tham gia đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp. Cách mạng Tháng Tám (1945) giành được thắng lợi, đồng chí cùng các chiến sĩ cách mạng trở về đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng, góp phần cùng các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước lãnh đạo, động viên nhân dân ta kiên cường chiến đấu, đưa hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến toàn thắng, thống nhất nước nhà.

Dù giữ rất nhiều chức vụ quan trọng khác nhau: lãnh đạo Công hội đỏ hay Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,… và khi Bác Hồ qua đời, được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (từ 1969 - 1980), đồng chí luôn hiến dâng cả đời mình cho độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân và cho sự phát triển tình hữu nghị anh em giữa các dân tộc trên thế giới. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng.

Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên cần phải học tập tấm gương cần, kiệm, liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của đồng chí để thêm vững vàng, tự tin, bắt kịp nền khoa học phát triển như vũ bão trên thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức mạnh của nền kinh tế nhằm tiếp tục “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững”[4] khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc[5].

Noi gương theo “tấm lòng yêu nước và chí khí quật cường của người công nhân Tôn Đức Thắng[6], đội ngũ giảng viên, viên chức Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã và đang ra sức học tập, lao động, giữ vững ý chí quyết tâm, nghị lực, không dao động trước mọi tình huống, sống giản dị, khiêm tốn, trong sáng, đồng thời không ngừng nỗ lực vươn lên, vững tin và kiên định thực hiện con đường mình đã chọn, rèn luyện về mọi mặt, học tập nâng cao trình độ và năng lực hoạt động thực tiễn, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIV của tỉnh đã đề ra./.

Huỳnh Thụy Minh Trí

Khoa Xây dựng Đảng


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, t.9, tr.221.         

[2] Nguồn Tôn Đức Thắng - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2007.

[3] Lê Duẩn: "Học tập gương sáng của đồng chí Tôn Đức Thắng", trong Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết, Nxb CTQG, H, tr.23.

[4]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, NXB CTQG, H, 2011, tr191

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, tập 1, NXB CTQG, H, 2021, tr201.

[6]Lê Duẩn: "Học tập gương sáng của đồng chí Tôn Đức Thắng", trong Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết, Nxb CTQG, H, tr.23.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số