Tin mới nhất

NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH NĂM 2022

Ngày 14/11/2022, tại kỳ hp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, gồm 06 chương, 56 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, có hiệu lực ngày 01/7/2023, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Bài viết giới thiệu một số điểm mới cơ bản của Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 so với Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

Sửa đổi Khái niệm bạo lực gia đình:

Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 định nghĩa bạo lực gia đình như sau: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”[1]. Còn tại Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 định nghĩa bạo lực gia đình như sau: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”[2] .

Như vậy, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 đã bổ sung cụm từ “tình dục” vào khái niệm bạo lực gia đình để hoàn chỉnh hơn.

Bổ sung hành vi bạo lực gia đình:

So với hành vi bạo lực gia đình được quy định tại Điều 2, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có bổ sung thêm nhiều hành vi mới như sau[3]: Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý; Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em; Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình; Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;…

Bổ sung hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình:

Về hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định chỉ có 4 hình thức. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 bổ sung thêm 3 hình thức, đó là[4]: Hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề; Tổ chức cuộc thi, chiến dịch truyền thông; Hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Bổ sung nơi tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình

Về nơi tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình, ngoài những nơi tiếp nhận tin báo theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 20027; Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, có bổ sung mới 3 nơi tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình bao gồm: Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học; Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.[5]

Bổ sung biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình:

Ngoài những biện pháp được quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007,  Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 bổ sung mới một số biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình bao gồm[6]: Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình; Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Người có hành vi bạo lực gia đình có thể phải thực hiện công việc phục vụ cộng đồng:

Đây là một biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình mới được bổ sung. Theo Điều 33, Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, người có hành vi phòng chống bạo lực gia đình có thể phải thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú, bao gồm[7]: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác; Tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định và tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Bổ sung cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình

Kế thừa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 bổ sung mới một số cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình đáp ứng yêu cầu phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay. Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình được quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 bao gồm[8]: Địa chỉ tin cậy; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở trợ giúp xã hội; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; Cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình;  Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.

Sau gần 15 năm thực hiện, các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước được ban hành trong thời gian qua cũng cần phải được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Từ thực tiễn trên, đòi hỏi phải ban hành Luật mới để đáp ứng yêu cầu phòng, chống bạo lực gia đình trong giai đoạn hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu trên Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống gia đình năm 2022. Để đảm bảo Luật được triển khai thực hiện có hiệu quả trong đời sống xã hội đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước phải nắm chắc những quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, từ đó triển khai thực hiện Luật nghiêm minh, hiệu quả, góp phần phòng, chống bạo lực gia đình./.

                                                                                        ThS. Lê Trung Quân


1: Điều 2,  Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022.

2: Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

3: Điều 3, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

4: Điều 15, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

5: Điều 19, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

6: Điều 22, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

7: Điều 33, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

8:  Điều 35, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

 

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số