Tin mới nhất

Không thể xuyên tạc và phủ nhận giá trị cao cả của chiến thắng bảo vệ biên giới Tây Nam

Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa, thể hiện sự tự vệ chính đáng, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của dân tộc Việt Nam và cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Thắng lợi của cuộc chiến còn là thắng lợi của tinh thần đoàn kết, hữu nghị lâu đời, thủy chung của hai dân tộc Việt Nam – Campuchia. Đó là sự thật lịch sử không thể chối cãi, vậy mà các thế lực thù địch vẫn cố tình xuyên tạc nhằm mục đích chống phá Đảng, nhà nước ta; bôi nhọ, kích động, gây thù hằn dân tộc và chia rẽ mối quan hệ của nhân dân hai nước. Vì vậy, đấu tranh phản bác mọi luận điệu xuyên tạc về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước nhằm chống lại những âm mưu của các thế lực thù địch.

Hiện nay, thông qua các trang mạng xã hội, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, các thế lực thù địch lại tiếp tục rêu rao những luận điệu cho rằng: “Việt Nam xâm lược, xâm lấn Campuchia”; “Cuộc tấn công của quân đội Việt Nam là cuộc chiến tranh xâm lược”; “Việt Nam đã lấn chiếm Campuchia cả trên đất liền và biển, đảo”…Những luận điệu đó là hoàn toàn cố tình vu khống, xuyên tạc sự thật lịch sử nhằm mục đích chia rẽ và hạ thấp giá trị, ý nghĩa của cuộc chiến tranh.

Việt Nam sau hơn 30 năm chiến đấu liên tục để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là được sống trong hòa bình để xây dựng đất nước. Song nguyện vọng đó chưa được thực hiện ngay, bởi vì ngay sau khi miền Nam nước ta được giải phóng, tập đoàn Pôn Pốt ở Campuchia đã thi hành chính sách cực kỳ phản động ở trong nước và thực hiện chính sách thù địch, gây ra nhiều cuộc xung đột và tiến hành cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam chống Việt Nam.

Ở Campuchia, sau thắng lợi ngày 17/4/1975, tập đoàn Pôn Pốt lật đổ chính quyền Lon Nol, tiến hành xây dựng “nhà nước Campuchia dân chủ”, thực hiện “chủ nghĩa cộng sản độc đáo của Campuchia” để thi hành chính sách diệt chủng tàn khốc, gây chia rẽ nội bộ, tàn sát và giết hại hàng triệu người dân vô tội. Từ đây, bắt đầu một giai đoạn khủng khiếp nhất trong lịch sử đất nước, đẩy Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong.

Đối với Việt Nam, tập đoàn Pôn Pốt đã xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia. Để thực hiện mưu đồ của mình, từ đầu tháng 5/1975, tập đoàn Pôn Pốt cho quân xâm phạm nhiều nơi thuộc lãnh thổ Việt Nam từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Các cuộc viếng thăm trong tháng 6 và tháng 8/1975 và những cuộc hội đàm trong năm 1976 giữa đại diện chính phủ hai nước không đem lại kết quả. Giữa năm 1977, lãnh đạo Khmer Đỏ ra nghị quyết coi Việt Nam “là kẻ thù số một, kẻ thù vĩnh cửu” của Campuchia và từ đây chúng ngang nhiên mở rộng xung đột thành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Pôn Pốt cho quân đồng loạt tấn công 13 xã trong số 15 xã trên tuyến biên giới thuộc tỉnh An Giang. Tháng 7/1977, quân Pôn Pốt lại tấn công trên chiều dài 40km vào tỉnh Kiên Giang, pháo kích thị xã Châu Đốc. Tháng 9/1977, tập đoàn Pôn Pốt mở chiến dịch lớn đánh vào tuyến biên giới Việt Nam dài 240km, gây nhiều vụ thảm sát mà lớn nhất là ở một làng thuộc tỉnh Tây Ninh giết hơn 2000 người dân kể cả cụ già và trẻ em.  Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần đề nghị hai bên gặp nhau để cùng nhau giải quyết vấn đề biên giới hai nước trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Tập đoàn Pôn Pốt tuy vẫn rêu rao luận điệu sẵn sàng thương lượng nhưng thực chất chúng tiếp tục khước từ gặp đại diện chính phủ Việt Nam, mặt khác, được sự hậu thuẫn bên ngoài, tập đoàn Pôn Pốt tiếp tục tăng cường và mở rộng ngày càng lớn các hoạt động xâm lấn ở Biên giới.

Trước những hành động chống phá và khiêu khích của lực lượng Pôn Pốt ở biên giới, Việt Nam đã rất kiềm chế và tỏ rõ tinh thần thiện chí, mong muốn hợp tác hòa bình, hữu nghị giữa hai dân tộc nhưng đều không đem lại kết quả. Mọi đề nghị thông qua Lào, Liên Hợp Quốc và phong trào không liên kết đều bị bác bỏ. Thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, từ tháng 12/1977 đến tháng 1/1978, quân dân Việt Nam đã mở chiến dịch đánh đuổi quân Pôn Pốt ra khỏi biên giới và truy kích chúng về nước. Như vậy, đối với mỗi người dân Việt Nam, độc lập, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, Việt Nam luôn mong muốn và khao khát hòa bình nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền, cho nên dân tộc Việt Nam sẽ không chấp nhận bất kỳ ai, bất kỳ thế lực nào có thể đe dọa đến an nguy của Tổ Quốc. Việc Việt Nam kiên quyết đấu tranh chống lại tập đoàn Pôn Pốt là hành động tự vệ chính đáng để bảo vệ chủ quyền và độc lập của quốc gia, dân tộc, bảo vệ tính mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, tháng 12/1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời, Mặt trận đã quyết định phát động cao trào cách mạng quần chúng, đồng thời, kêu gọi quân Đội Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia tiêu diệt bè lũ diệt chủng. Đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước và nhân dân Campuchia, Đảng, Nhà nước và quân dân Việt Nam đã bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, phối hợp với Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng tiến công nhằm đánh đổ hoàn toàn lực lượng Pôn Pốt, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng, giải phóng thủ đô Phnom Penh (7/01/1979) và toàn bộ đất nước Campuchia (17/01/1979).

Sau khi giải phóng, tháng 02/1979, đại diện Campuchia và Việt Nam đã ký “Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác”, theo kế hoạch ban đầu, bộ đội Việt Nam sẽ rút quân khỏi Campuchia ngay trong năm 1979. Tuy nhiên, Campuchia mong muốn quân đội Việt Nam tiếp tục ở lại giúp nhân dân và Chính phủ Cách mạng Campuchia để loại trừ sự quay lại của Khmer Đỏ và giúp họ tái thiết đất nước, khôi phục phát triển sản xuất. Campuchia đề nghị “Hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ cứu giúp mấy vạn người tị nạn mà phải cứu giúp cả dân tộc”[1] vì lúc này Campuchia chưa đủ sức để chống lại Pôn Pốt và cần thời gian để củng cố lực lượng cũng như khôi phục nền kinh tế đất nước. Vì vậy, việc Việt Nam giúp đưa quân tình nguyện sang Campuchia và ở lại làm nhiệm vụ quốc tế là hành động cần thiết, cao cả và hoàn toàn chính nghĩa nhằm thể hiện tình đoàn kết chiến đấu, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa nhân dân hai nước, thể hiện sự đồng cảm của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, từng phải chịu đau thương bởi chiến tranh. Việc làm đó cũng là thể theo nguyện vọng, mong muốn cần được giúp đỡ của nhân dân Campuchia đang đứng trước nguy cơ diệt chủng. Điều này cũng đã được ghi nhận thông qua tờ báo Prochiachuôn (Nhân dân) - cơ quan ngôn luận của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia viết vào ngày 30/6/1988, trong Lễ tiễn Bộ Tư lệnh 719 (Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia) về nước: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này, có không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”[2].

Gần đây nhất, kết quả phiên tòa ngày 16/11/2018 và phiên tòa xét xử phúc thẩm cũng là phiên xét xử cuối cùng ngày 22/9/2022 về tội ác Khmer Đỏ một lần nữa đã hoàn toàn bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và chứng minh, khẳng định tính chính nghĩa, sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam – Campuchia.

Như vậy, cuộc chiến đấu chống lại quân Pôn Pốt là hành động tự vệ chính đáng và cần thiết của nhân dân Việt Nam nhằm chống lại hành động chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Đồng thời, thông qua cuộc chiến đó, Việt Nam cũng đã giúp đỡ cho nhân dân Campuchia chống lại chế độ diệt chủng, đang trên bờ vực diệt vong. Hành động đó là hành động thể hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Vì vậy, mọi luận điệu xuyên tạc về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam đều đáng bị lên án và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân hai nước là phải đấu tranh để chống lại những luận điệu xuyên tạc trên nhằm giữ gìn, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Campuchia ngày càng tốt đẹp hơn.

Trần Thị Lệ Thủy

Khoa xây dựng Đảng

 


[1] Chiến thắng Biên giới Tây - Nam Việt Nam và dấu ấn quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia, Nxb Văn hóa – thông tin, 2014, tr.128.

[2] Sđd: tr.178


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số