Tin mới nhất

Luật Chuyển đổi giới tính – cơ sở giải quyết những khó khăn về thực hiện thủ tục Hộ tịch đối với Người chuyển giới hiện nay

Tóm tắt: Thuật ngữ “Chuyển đổi giới tính” lần đầu tiên xuất hiện trong Bộ Luật Dân sự năm 2015 (Điều 37). Tuy nhiên, do chưa có văn bản quy định cụ thể về việc chuyển đổi giới tính nên cơ quan, tổ chức có liên quan và cá nhân có nhu cầu chuyển đổi giới tính, nhu cầu công nhận việc chuyển đổi giới tính còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những vướng mắc về Hộ tịch. Để tạo hành lang pháp lý cụ thể cho cá nhân thực hiện quyền nhân thân này thì cần phải ban hành các văn bản luật cụ thể hóa việc chuyển đổi giới tính. Đó là cơ sở để Quốc hội chấp nhận sáng kiến lập pháp - Luật Chuyển đổi giới tính đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến xem xét để thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV.

Từ khoá: chuyển đổi giới tính, hộ tịch

Nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ người chuyển giới là từ 0,3% đến 0,5% dân số. Hiện nay, 109 quốc gia đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp thông qua các quy định pháp luật; trong đó: (1) châu Âu có 40/50 quốc gia và vùng lãnh thổ; châu Á có 24/50 quốc gia và vùng lãnh thổ, châu Mỹ và Mỹ latin có 21/35 nước và vùng lãnh thổ, châu Phi có 13/54 quốc gia và vùng lãnh thổ; Thái bình dương có 10/14 quốc gia và vùng lãnh thổ có pháp luật điều chỉnh về chuyển đổi giới tính; (2) 74 quốc gia cho phép chuyển đổi giới tính mà không yêu cầu phải phẫu thuật; độ tuổi được phép chuyển đổi giới tính phổ biến là 16 đến 18 tuổi.

Tại Việt Nam, chưa có điều tra chính thức ở diện rộng nào về người chuyển giới nên rất khó để có số liệu chính xác về cộng đồng này. Nếu ước tính số trung bình thấp của thế giới thì Việt Nam có khoảng 300.000 người chuyển giới. Số liệu này trên thực tế được đánh giá là cao hơn rất nhiều do các dịch vụ y tế cho người chuyển giới chưa sẵn có và sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người chuyển giới còn đang diễn ra phổ biến ở các môi trường khác nhau, từ gia đình, trường học, cộng đồng, trên truyền thông, nơi làm việc cho tới các không gian công cộng.

Theo pháp luật Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã chính thức ghi nhận quyền được chuyển đổi giới tính với tư cách là một quyền nhân thân gắn với mỗi cá nhân. Theo đó, Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

So với trước đây, Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ cho phép cá nhân có quyền xác định lại giới tính (trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính) chứ không được quyền chuyển đổi giới tính. Nay Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính là bước tiến quan trọng, thể hiện sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp và đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của của nhiều người trong đời sống xã hội hiện tại. Theo Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì sau khi giới tính đã được thay đổi thì cá nhân đó có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch và có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi.

Trước đây, theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị đinh số 158/2005/NĐ- CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì một trong những phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch là “Thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh, nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự”. Lý do chính đáng được nêu trong điều 27, 37 và 38 của Nghị định trên bao gồm trùng tên, dễ gây nhầm lẫn, xác định lại huyết thống hoặc xác định lại giới tính. Tuy vậy, việc xác định lại giới tính được quy định tại Điều 36 Luật Dân sự và Nghị định số 88/2008/NĐ- CP về Xác định lại giới tính lại chủ yếu liên quan đến “những bất thường về bộ phận sinh dục”. Quyết định này phù hợp với những người liên giới tính, nhưng đã đóng lại cánh cửa đối với những người chuyển giới, bởi Điều 4, khoản 1 Nghị định ghi rõ nghiêm cấm “thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính”. Điều này đã khiến cho việc cấp lại giấy tờ cho những người chuyển giới hầu như là không thể và là nỗi trăn trở lớn với người chuyển giới.

Bên cạnh đó, kể từ khi Bộ luật Dân sự năm 2015 chính thức có hiệu lực (từ ngày 01/01/2017) cho đến nay, vấn đề đăng ký thay đổi hộ tịch cho những trường hợp đã chuyển đổi giới tính vẫn chưa được tiếp nhận giải quyết trên thực tế. Nguyên nhân của vấn đề này, lại xuất phát từ chính quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Vấn đề này đã được Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực của Bộ Tư pháp chính thức nêu ra tại Công văn số 394/HTQTCT-HT ngày 10/5/2017: “Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”, trong khi đó luật về chuyển đổi giới tính chưa được ban hành nên việc chuyển đổi giới tính chưa có cơ sở pháp lý để công nhận và thực hiện đăng ký thay đổi hộ tịch, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ từ chối giải quyết”.

Như vậy, theo Bộ luật Dân sự năm 2015, những người chuyển giới muốn đăng ký thay đổi hộ tịch cho mình thì phải chờ cho đến khi Quốc hội ban hành Luật về chuyển đổi giới tính. Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính, muốn thực hiện các quyền, nghĩa vụ về đăng ký thay đổi hộ tịch thì hình thức, thủ tục, thẩm quyền giải quyết như thế nào pháp luật còn bỏ ngõ, vì chưa có luật. Điều này gây không ít khó khăn, lúng túng cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý về hộ tịch mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến những người chuyển đổi giới tính, vì tên gọi theo giấy tờ của họ không còn phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi, gây mặc cảm, ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống cũng như sinh hoạt hằng ngày của họ.

Xuất phát từ thực tiễn khó khăn của người chuyển giới; thực hiện quyền kiến nghị luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; căn cứ Hiến pháp năm 2013, Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015, Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự, trên cơ sở tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến chuyển đổi giới tính, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí lập Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và dự án Luật này đã được Quốc hội phê duyệt đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến xem xét để thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV.

Dự thảo Luật quy định 04 nhóm chính sách trọng tâm, bao gồm: Điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực; thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính. Trong đó Dự thảo quy định Thủ tục công nhận giới tính mới gồm:

- Công dân nộp đơn và các giấy tờ kèm theo đề nghị công nhận giới tính mới cho cơ quan quản lý hộ tịch cấp huyện. Các loại giấy tờ kèm theo gồm lý lịch tư pháp và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là độc thân.

- Trong vòng 15 ngày kể từ khi công dân nộp đơn và các giấy tờ kèm theo như yêu cầu thì cơ quan quản lý hộ tịch thành lập Hội đồng Công nhận giới tính và ra thông báo cho công dân.

- Trong vòng 30 ngày kể từ ngày Hội đồng được thành lập, công dân phải gặp bác sỹ tâm thần và chuyên gia tâm lý (là thành viên Hội đồng) để lấy được đánh giá và có xác nhận không có rối loạn tâm thần của bác sỹ tâm thần và cảm nhận giới bền vững của chuyên gia tâm lý; gửi đến Hội đồng thông qua cơ quan tư pháp cấp huyện.

- Chậm nhất là ngày thứ 155 kể từ ngày thành lập, Hội đồng họp với sự có mặt của công dân để biểu quyết về việc công nhận giới tính mới của công dân.

- Trong vòng 10 ngày kể từ ngày Hội đồng biểu quyết, cơ quan hộ tịch cấp huyện phải ra quyết định về việc công nhận giới tính mới khác với giới tính khi sinh của công dân.

- Tổng thời gian từ khi công dân nộp đơn đến khi cơ quan quản lý hộ tịch cấp huyện ra quyết định công nhận giới tính mới khác với giới tính khi sinh của công dân là không quá 180 ngày.

Việc ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính trong Bộ luật Dân sự  năm 2015 đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với việc bảo vệ quyền của những người chuyển giới, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp về quyền con người. Đây là cơ sở pháp lý để có thể tiến hành xây dựng và điều chỉnh các quy định pháp lý có liên quan trong đó có những khó khăn, vướng mắc về vấn đề Hộ tịch đối với Người chuyển giới. Để làm được điều này việc sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính sẽ giải quyết được các khó khăn, vướng mắc về các thủ tục pháp lý cũng như kịp thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người chuyển giới. Chỉ khi có hành lang pháp lý đầy đủ thì những người chuyển giới mới được đảm bảo hơn về quyền bình đẳng, quyền được hưởng hạnh phúc trong xã hội.

ThS. Bùi Khắc Huỳnh

                                                                                     Phó Trưởng khoa phụ trách

Khoa Nhà nước và Pháp luật

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số