Người cho rằng, tổ chức đảng ở cơ sở là nơi nắm vững và bảo đảm cho mọi hoạt động ở cơ sở theo đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ. Chi bộ do chi ủy lãnh đạo; các đảng viên chịu sự lãnh đạo của chi ủy”(1). Về vai trò của chi bộ, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng… Chi bộ là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng… Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”(2). Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc tốt. Chi bộ phải là động lực của mỗi cơ quan. Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở nông thôn. Chi bộ vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng và Chính phủ nhất định thi hành được tốt.
Từ đó, Hồ Chí Minh đòi hỏi “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng”. Người khẳng định: “Đảng mạnh là do mỗi một chi bộ mạnh, mỗi chi bộ mạnh là do từng đảng viên mạnh”(3).
Từ thực tiễn cho thấy, công tác xây dựng tổ chức đảng nói chung và tổ chức đảng ở cơ sở nói riêng có vai trò, trách nhiệm rất lớn của từng đảng viên điều đó được thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, đó là việc thực hiện đúng nguyên tắc, đầy đủ các nhiệm vụ của người đảng viên.
Đây là yêu cầu mang tính bắt buộc đối với mỗi đảng viên mà không thể viện lý do để từ chối hoặc thực hiện không đầy đủ. Chẳng hạn, trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, mỗi đảng viên cần mạnh dạn thể hiện quan điểm, chính kiến của mình, nhất là với các vấn đề liên quan đến việc bảo đảm tính nguyên tắc trong sinh hoạt và tổ chức của chi bộ. Tức là đảng viên không thể thụ động trong việc nắm bắt các nguyên tắc, không thể đợi mời mới phát biểu… mà phải chủ động tham gia vào các công việc chung của tổ chức đảng. Hay trong việc thực hiện các phân công cụ thể, đảng viên phải nỗ lực hoàn thành ở mức cao, không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu chung của đơn vị mà còn làm gương cho quần chúng; không thể viện dẫn các lý do riêng để thoái thác hoặc bao biện cho việc chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ hai, mỗi đảng viên phải tích cực tham gia vào việc xây dựng nghị quyết, kế hoạch triển khai nghị quyết, định hướng hoạt động cùng các công tác xây dựng tổ chức đảng… của chi bộ và của đơn vị.
Thực tế cho thấy, có một số đảng viên thụ động, ít mạnh dạn đề xuất các giải pháp, không có nhiều sáng kiến để thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị hay công tác xây dựng Đảng của chi bộ, mà thường chỉ đơn giản đồng ý với các ý kiến của cấp ủy, của bí thư chi bộ, trừ khi có liên quan trực tiếp đến lợi ích của bản thân. Trong khi đó, vai trò lãnh đạo của chi bộ thể hiện tính chất tập thể rõ nét, luôn cần phát huy trí tuệ của tất cả các đảng viên, nhằm góp phần thể hiện ý chí và trí tuệ tập thể. Không chỉ vậy, sự chủ động và tích cực tham gia còn góp phần làm cho đảng viên nâng cao trách nhiệm và có thêm cơ hội trau dồi kiến thức, kỹ năng về các vấn đề có liên quan đến nội dung đề xuất.
Thứ ba, các đảng viên cần thể hiện tính kỷ luật, tính đảng đối với các vấn đề mang tính tranh đấu, ngay trong nội bộ.
Cần phải thẳng thắn nêu ý kiến, vận dụng các quy định và sức mạnh tập thể để trao đổi, thậm chí phải đấu tranh để bảo vệ vấn đề đúng, hợp lý. Hoặc phát hiện đảng viên sử dụng mạng xã hội đưa những nội dung chưa phù hợp thì cần trực tiếp góp ý, trao đổi, cần thiết có thể báo cáo với cấp ủy để có biện pháp uốn nắn, giáo dục; trong trường hợp đặc biệt thì còn phải đưa ra tập thể xem xét, chấn chỉnh. Điều này yêu cầu đảng viên không được xuê xoa, cầu an, thỏa hiệp, nhất là với các vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu… của tổ chức đảng.
Thứ tư, trong điều kiện cụ thể, từng đảng viên có thể tham gia một số hoạt động phong trào.
Để góp phần giúp tổ chức đảng tham gia các sinh hoạt chính trị do cấp trên tổ chức hoặc để giành thành tích đặc biệt trong các cuộc vận động. Chẳng hạn, đảng ủy cấp trên cơ sở tổ chức cuộc thi bí thư chi bộ giỏi, với thành phần dự thi là bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên, người được quy hoạch các chức danh trên từ các tổ chức đảng cơ sở và trực thuộc, thì cần những đồng chí mạnh dạn và tích cực tham gia. Đây là dịp để học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, đồng thời có thể đem lại những thành tích của tổ chức đảng, có thể giúp được đánh giá các mức độ hoàn thành nhiệm vụ cao trong năm cho cả tổ chức đảng và cá nhân.
Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán và xử lý nghiêm những việc làm sai trái; đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực; những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên,làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa các công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử... của các cơ quan chức năng; nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, các đoàn thể, của báo chí và công luận.
Không những vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà “phán” hoặc “chờ xem” coi như mình vô can. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng.
Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác. Kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng; người đứng đầu phải gương mẫu làm trước và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp, phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng. Mọi thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự, và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình.
Trong sinh hoạt hằng ngày, khi tiếp xúc với mọi người, mọi thành phần trong xã hội, chúng ta không thể không nghe những tiếng khen, lời chê hoặc phê phán sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành xã hội của Nhà nước. Có những lời khen đúng, chê hoặc phê bình đúng, cần phải nghe để kiến nghị các cấp sửa chữa làm cho tốt hơn. Song, cũng có những sự phê phán, phản bác với luận điệu sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ... Là đảng viên, chúng ta cần nhìn cho đúng bản chất của từng sự việc để chống lại, phản bác, đấu tranh lại những luận điệu sai trái của những cá nhân, thế lực thù địch.
Tất cả đảng viên chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại.
Có những việc không thể chỉ làm một lần là xong. Ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Có khi giải quyết xong vấn đề này lại nảy sinh vấn đề khác, làm được việc này lại xuất hiện việc khác. Nếu không xác định như vậy thì mỗi khi thấy có sự việc tiêu cực trong Đảng sẽ dễ mất bình tĩnh, nảy sinh tư tưởng bi quan, hoài nghi, hoặc mất niềm tin, phủ nhận mọi sự cố gắng và kết quả chung.
Thứ năm, từng đảng viên còn phải nỗ lực tham gia vào việc duy trì thành tích đã đạt được hoặc phấn đấu nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ theo từng năm.
Chẳng hạn, đối với tổ chức đảng đã được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm trước thì năm sau phải phấn đấu giữ vững thành tích đó. Đương nhiên, ở đây không phải chạy theo thành tích hoặc cố giữ thành tích bằng mọi giá mà chính đó là một mục tiêu quan trọng để nỗ lực, bởi bên cạnh việc khẳng định kết quả năm trước là xứng đáng còn có ý nghĩa hướng đến các thành tích cao hơn, như tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu hoặc là tổ chức đảng xuất sắc 5 năm liền… Ở trường hợp ngược lại, nếu tổ chức đảng chỉ được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ thì cả tập thể cần phải phấn đấu quyết liệt để nâng chất đánh giá, trong đó chú ý khắc phục triệt để các hạn chế, yếu kém của năm trước, cả phía tổ chức đảng lẫn phía cá nhân đảng viên. Trong đó, nếu có đảng viên có khuyết điểm, chưa hoàn thành nhiệm vụ hoặc có vấn đề cần chấn chỉnh thì cả tổ chức đảng phải giúp đỡ đảng viên đó vươn lên, đồng thời không để hạn chế đó “lây lan” đến đảng viên khác…
Nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn xuất phát từ những hành động cụ thể gắn với công việc, cuộc sống hằng ngày; không xa hoa, lãng phí, không gây mất đoàn kết nội bộ. Tăng cường đăng tải những thông tin chính thống, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp mỗi ngày, đồng thời phản biện lại những thông tin sai trái, phiến diện của các thế lực thù địch trên không gian mạng.
Suy cho cùng, các giải pháp này gắn liền với từng tổ chức đảng ở cơ sở, đồng thời gắn với từng đảng viên, bởi nếu các đảng viên không tham gia hoặc vai trò, trách nhiệm của từng đảng viên không được phát huy thì các giải pháp nêu trên cũng sẽ rất khó thực hiện đầy đủ.
Thực tế công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua đã từng bước định hình giá trị chuẩn mực đạo đức trong Đảng, từ nhiều tấm gương tiêu biểu của cán bộ, đảng viên. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng đồng bộ cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ như quan điểm của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng luôn là vấn đề then chốt, cần được các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên quán triệt và thực hiện tốt. Qua đó, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang trước đất nước và dân tộc trong thời kỳ mới./.
ThS, Nguyễn Văn Tuấn
Khoa LLCS
Tài liệu tham khảo
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 14, tr.193.
(2). Sách đã dẫn, tập 8, tr.289.
(3). Sách đã dẫn, tập 8, tr.454.