Tin mới nhất

Bình Thuận: nâng cao hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025

Thành tựu nổi bật nhất nhất chặng đường xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận chính là kết quả thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2022, tỉnh Bình Thuận là địa phương có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn trên mức khá cao của cả nước với 72/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 77,42%), trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Trà Tân, huyện Đức Linh) và 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Phú Quý, Đức Linh).

Ở nước ta, nông nghiệp và kinh tế nông thôn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nhận thức được vai trò quan trọng ở các khía cạnh kinh tế - xã hội - an ninh - chính trị của khu vực nông thôn, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của người nông dân. Khởi đầu là Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Chương trình nông thôn mới trải qua hai giai đoạn: thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Cùng với cả nước, Bình Thuận luôn triển khai có hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới. Nhìn chung, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2025 cơ bản là tốt và khá toàn diện trên các nội dung, mức sống người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có chuyển biến tích cực, người dân đồng tình ủng hộ ngày càng sâu rộng. Hiện nay, trên cơ sở các văn bản Trung ương, tỉnh đã triển khai khá đầy đủ và cơ bản hoàn thành hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của Trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị Quyết phân bổ vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành 08 kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025 và tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025, 14 quyết định và 04 văn bản chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện chương trình. Các sở, ban ngành theo nhiệm vụ phân công thực hiện xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, ban hành hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí được phân công phụ trách.

Nếu như năm 2010, Bình Thuận không có xã đạt chuẩn nông thôn mới thì đến năm 2022, tỉnh Bình thuận là địa phương có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn trên mức khá cao của cả nước với 72/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 77,42%), trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là (xã Trà Tân, huyện Đức Linh) và 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Phú Quý, Đức Linh). Ngoài ra, hiện nay, tỉnh đã xây dựng và ban hành các Kế hoạch thực hiện 07 chương trình chuyên đề thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Về kết quả thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới cũng đạt được rất nhiều kết quả nổi bật đối với Bộ tiêu chí cấp xã và Bộ tiêu chí cấp huyện. Cụ thể:

Đối với Bộ tiêu chí cấp xã: Thực hiện rà soát lại Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới theo giai đoạn 2021-2025 đối với các xã trên địa bàn tỉnh, đối với các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2021 thì xem như đạt 19 tiêu chí. Đến năm 2022, toàn tỉnh đạt 1.559 tiêu chí, bình quân đạt 16,76 tiêu chí/xã. Cụ thể:

- Phân theo nhóm xã: Số xã đạt 19 tiêu chí là 71 xã, chiếm tỷ lệ 76,34%; Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 2 xã, chiếm tỷ lệ 2,15%; Số xã đạt từ 10-14 tiêu chí là 7 xã, chiếm tỷ lệ 7,53%; Số xã đạt từ 5-9 tiêu chí là 13 xã, chiếm tỷ lệ 13,98% và không có xã đạt dưới 5 tiêu chí.

- Phân theo tiêu chí: Tiêu chí số 1 về quy hoạch có 77/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 82,8%; Tiêu chí số 2 về giao thông có 88/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 94,62%; Tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng, chống thiên tai có 81/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 87,1%; Tiêu chí số 4 về điện có 73/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 78,49%; Tiêu chí số 5 về trường học có 74/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 79,57%; Tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hoá có 89/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 95,7%; Tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn có 80/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 86,02%; Tiêu chí số 8 về Thông tin và truyền thông có 93/93 xã đạt, đạt 100%; Tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư có 84/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 90,32%; Tiêu chí số 10 về thu nhập có 81/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 87,1%; Tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều có 85/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 91,4%; Tiêu chí số 12 về lao động có 93/93 xã đạt, đạt 100%;Tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn có 73/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 78,49%; Tiêu chí 14 về giáo dục và đào tạo có 88/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 94,62%;Tiêu chí số 15 về y tế có 74/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 79,57%; Tiêu chí số 16 về văn hoá có 93/93 xã đạt, đạt 100%; Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm có 71/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 76,34%; Tiêu chí số 18 về Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật có 71/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 76,34% và Tiêu chí 19 về Quốc phòng và An ninh có 91/93 xã đạt, chiếm tỷ lệ 97,85%.

Đối với Bộ tiêu chí cấp huyện: Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới theo giai đoạn 2021-2025, năm 2022 toàn tỉnh đạt 40 tiêu chí (Quy hoạch: 3; Giao thông: 4; Thủy lợi và phòng, chống thiên tai: 6; Điện: 8; Y tế - Văn hóa - Giáo dục: 4; Môi trường: 2; Chất lượng môi trường sống: 4; Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công: 5), bình quân 5 tiêu chí/huyện, giảm 0,38 tiêu chí/huyện so với Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (thành phố và thị xã không thuộc đối tượng thực hiện Bộ tiêu chí huyện).

Về tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2022 là 2.842.012 triệu đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình (Vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp) là 160.170 triệu đồng; Vốn ngân sách địa phương (bao gồm vốn tỉnh, huyện, xã) là 1.582.092 triệu đồng; Vốn lồng ghép là 971.261 triệu đồng; Vốn doanh nghiệp là 50.508 triệu đồng; Vốn cộng đồng dân cư và vốn vay là 77.981 triệu đồng (Không tính vốn tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận cấp theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và theo báo cáo đến 30/11/2022, dư nợ cho vay nông thôn mới đạt 27.740 tỷ đồng).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được như trên, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn tại tỉnh Bình Thuận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong khi đó việc ban hành một số văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới của các Bộ, ngành còn chậm nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt, việc tiếp cận và triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh bước đầu còn nhiều lúng túng. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa bền vững. Đến năm 2022, tổng có 72/93 xã đạt chuẩn nông thôn, nhưng qua đánh giá thì đến thời điểm hiện nay chỉ có 34 xã duy trì đạt 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới, một số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chất lượng tiêu chí chưa cao, chưa bền vững. Kết quả thực hiện nâng chuẩn và tiến tới xã đạt chuẩn kiểu mẫu còn hạn chế, chỉ có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2022; Vai trò chủ thể của nông dân, cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới chưa được phát huy như mong muốn; Tình trạng ô nhiễm môi trường, xã rác thải ở khu vực bờ biển, nơi công cộng còn phổ biến; Phát triển sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế, quy mô manh mún, sản xuất nhỏ lẽ vẫn là phổ biến; Số hợp tác xã thành lập chạy theo chỉ tiêu, sau khi đã được thẩm định đạt tiêu chí thì có nhiều hợp tác xã hoạt động cầm chừng, có trường hợp không hoạt động. Phần lớn hợp tác xã sản xuất ở quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp; Tình hình an ninh trật tự vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về an ninh trật tự…

Trước những tồn tại, hạn chế nêu trên, để nâng cao hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023-2025, tỉnh Bình Thuận cần tập trung, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn về các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Hàng năm sẽ phát động phong trào thi đua ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị và đoàn thể. Đồng thời triển khai, hướng dẫn các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.

Hai là, thực hiện có hiệu quả 11 nội dung của chương trình và các 07 chương trình chuyên đề thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới như môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông minh, cơ giới hóa vào sản xuất; thúc đẩy liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn.

Bốn là, vận động các tổ chức kinh tế hỗ trợ các địa phương thực hiện xây dựng
nông thôn mới; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành và có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình.

Năm là, phát huy vai trò chức năng Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát và phản biện đối với các chương trình, dự án và các công việc liên quan đến tổ chức triển khai xây dựng nông thôn mới ở địa phương nhằm góp phần tăng hiệu quả, chất lượng các tiêu chí, công trình, hạn chế thấp nhất lãng phí, tiêu cực trong sử dụng các nguồn nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới.

Sáu là, các sở, ngành tiếp tục thể hiện tốt hơn nữa trách nhiệm theo dõi địa bàn và tiêu chí của ngành mình phụ trách. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tiến độ triển khai để kịp thời cùng với địa phương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí.

Bảy là, UBND cấp huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hoá và an ninh trật tự. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới thực hiện nâng chuẩn chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Như vậy, với những nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp và sức mạnh khối đoàn kết toàn dân, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Thuận đến nay đã đạt được nhiều thắng lợi quan trọng, trên cơ sở đó làm nền tảng vững chắc cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội tại các xã, đời sống nhân dân ngày một nâng cao, quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023-2025, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tập trung, quyết liệt trong thực hiện những giải pháp tổng thể mang tính chiến lược lâu dài; đồng thời, phải có sự chung tay, nỗ lực của các ngành, các cấp, các chủ thể, đặc biệt là vai trò của người dân để chương trình đạt hiệu quả, có ý nghĩa thực sự với cuộc sống của người dân nông thôn./.

Đào Trang


Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo số 11/BC-SNN ngày 18/01/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

2. Báo cáo số 72/ BC-SNN ngày 05/5/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giải pháp nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 và định hướng triển khai trong giai đoạn 2026-2030.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số