Tin mới nhất

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ ở nước ta hiện nay

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ trong tình hình hiện nay là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị trí xã hội của phụ nữ. Bài viết nhằm đưa ra một số giải pháp thực hiện tốt bình đẳng giới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc; xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, có kiến thức, năng động, sáng tạo, biết làm giàu chính đáng… Để từ đó, phụ nữ góp sức mình vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh, bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ

Trong thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng vị trí, vai trò và khả năng to lớn của phụ nữ. Người đã đánh thức những tiềm năng trong mỗi người phụ nữ, biết phát huy sức mạnh của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Theo Hồ Chí Minh, phụ nữ có quyền tham gia vào các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không thể có một lực lượng cách mạng mạnh mẽ nếu không có phụ nữ tham gia như Người đã từng khẳng định: “An Nam cách mệnh cũng phải nữ giới tham gia mới thành công”[1]. Hồ Chí Minh có quan điểm rất đúng đắn đối với vấn đề phụ nữ, đã đánh giá cao vị trí, vai trò và khả năng to lớn của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đây là một trong những cơ sở quan trọng nhất để Người xác định quyền của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Giải phóng phụ nữ trước hết là giải phóng về chính trị. Theo Hồ Chí Minh, dân tộc được giải phóng thì phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới như trong việc ứng cử và bầu cử vào các cơ quan dân cử, hệ thống chính trị theo Hiến pháp, pháp luật. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta, Hồ Chí Minh khẳng định: “ Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử”[2] hay ở Điều 9 Hiến pháp năm 1946 do Người là Trưởng Ban soạn thảo khẳng định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”[3]Những quy định về quyền bình đẳng nam nữ được ghi trong Hiến pháp đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa vị pháp lý của phụ nữ Việt Nam và thể hiện tính nhân văn, tầm nhìn vượt thời đại, tư duy chính trị sắc sảo của Người.

Theo quan điểm Hồ Chí Minh, giải phóng sức lao động của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ được phân công lao động hợp lý, phù hợp với sức khỏe có thể tham gia bình đẳng với nam giới trong môi trường hoạt động kinh tế của xã hội chính là thực hiện quyền của phụ nữ về kinh tế. Quan điểm đúng đắn này của Người đã tạo nên một nguồn sức mạnh quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội:“Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội”[4].

Quyền chính trị, quyền kinh tế của phụ nữ được xác định thì quyền văn hóa xã hội của phụ nữ cũng được nâng cao. Để được giải phóng, phụ nữ cần phải học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, bản thân phụ nữ phải đấu tranh, tự cường, tự lập để giữ lấy quyền lợi của mình. Bởi không có kiến thức, không nhận biết được pháp luật và quyền lợi của giới mình thì sẽ không tự giải phóng và phát huy được quyền của mình trong các hoạt động, cũng như trong cuộc sống. Chỉ có nỗ lực, cố gắng, phụ nữ mới tạo ra động lực để vươn lên khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội, vì lẽ đó, Hồ Chí Minh động viên: “Chị em phải cố gắng học tập. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được”[5].

Hồ Chí Minh cho rằng, muốn giải phóng phụ nữ còn là giải phóng về tư tưởng vươn lên làm chủ bản thân, nhất là trong gia đình. Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, với cương vị là chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng hiến pháp và pháp luật nhà nước để đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình. Điều 24 Hiến pháp 1959: “Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”[6]. Người chỉ đạo xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình để thể chế hóa quyền của phụ nữ: “Trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt”[7].

 Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đúng đắn vị trí, vai trò của phụ nữ; coi trọng công tác vận động phụ nữ, sự nghiệp giải phóng phụ nữ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội. Nhờ đó, việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ, phụ nữ ngày nay đã đạt được nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực như: 30,26% đại biểu Quốc hội là nữ; tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%; tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 29,8%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỉ lệ nữ doanh nhân cao nhất; nhà nghiên cứu khoa học nữ chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước, cao hơn so với trung bình thế giới chỉ có 30%[8] . Ngoài ra, thành tựu về bình đẳng giới còn được thể hiện ở khía cạnh giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ đang tạo ra nhiều việc làm mới và cũng là thách thức lớn đối với người lao động ở các ngành nghề truyền thống do thiếu kỹ năng phù hợp, trong đó, phần đông là phụ nữ. Sự ra đời của công nghệ số với các nền tảng trực tuyến góp phần hỗ trợ phụ nữ tiếp cận thông tin, kiến thức, giáo dục, nâng cao trình độ chuyên môn và các cơ hội phát triển mới như việc làm, kinh doanh, từ đó tạo ra những thay đổi tích cực không chỉ cho bản thân phụ nữ mà còn cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, phụ nữ còn gặp nhiều rào cản để có thể tận dụng được lợi ích của kỷ nguyên số do thiếu kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số. Sự phát triển của công nghệ số cũng góp phần làm tăng nguy cơ cho phụ nữ như bị tấn công, quấy rối, bạo lực tình dục qua mạng, bị lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Cùng với đó, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống giá trị và các chuẩn mực văn hóa, trong đó có các chuẩn mực và giá trị liên quan đến các quan hệ giới trong gia đình và ngoài xã hội. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ để phụ nữ thật sự được giải phóng và nâng cao vị thế của mình, cần quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào đời sống xã hội - chính trị cần phải có những lộ trình cụ thể, khả thi, đào tạo và bồi dưỡng phụ nữ ngay từ khi còn trẻ. Cần ưu tiên nghiên cứu, cũng như thu thập, cập nhật thông tin, số liệu và các kết quả nghiên cứu có liên quan nữ giới trong chính trị và hành chính công để phục vụ cho việc truyền thông xóa bỏ định kiến giới, cũng như giám sát, phản biện xã hội và đề xuất chính sách.

Thứ hai, hiện nay, có thể thấy một số ngành, nghề mà lao động nữ chiếm ưu thế chịu áp lực lớn từ hậu quả của dịch bệnh covid-19, dẫn đến tình trạng mất việc làm, thu nhập giảm sút gia tăng áp lực đối với lao động nữ. Do đó, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho lao động nữ có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn vững vàng sẽ có cơ hội lựa chọn việc làm. Đây chính là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới có ý nghĩa như một giải pháp mang tính đòn bẩy, và cấp bách nhất để tạo cơ hội việc làm cho lao động nữ, nhằm rút ngắn khoảng cách về giới trong lĩnh vực lao động.

Thứ ba, thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiếu số, đồng thời, lồng ghép giới vào nội dung giáo dục - đào tạo các cấp; phòng chống quấy rối tình dục và bạo lực trên cơ sở giới trong môi trường giáo dục và đào tạo, đào tạo kỹ năng hội nhập quốc tế cho phụ nữ.

Thứ tư, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi hôn nhân và gia đình, hướng phụ nữ tới những giá trị được tôn trọng, được bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, được tự thể hiện bản thân, được hạnh phúc, đồng thời đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa...

Thứ năm, cần có những nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ phù hợp cho phụ nữ trong quá trình thực hiện chuyển đổi số đảm bảo việc ứng dụng khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) không làm gia tăng thêm khoảng cách giới, hạn chế tối đa tác hại của môi trường mạng vì môi trường mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như bất bình đẳng giới cả về thông tin trên môi trường mạng lẫn về rủi ro do thiếu an toàn thông tin, bị bắt nạt, lạm dụng, bạo lực trên môi trường mạng./.

Nguyễn Thị Loan

Khoa Lí luận cơ sở


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.315.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 4, tr.7.

[3] https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=5803&classid=1&typegroupid=1

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 13, tr.59.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 14, tr.263.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 12, tr.705.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 12, tr.705.

[8]https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xa-hoi/phu-nu-ngay-cang-chu-dong-sang-tao-vuot-kho-phat-trien-ban-than-dong-gop-xung-dang-vao-cong-cuoc-xay-dung-dat-nuoc-143679


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số