Tin mới nhất

Thành phố Phan Thiết “Ngọn cờ đầu” trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận

Thành phố Phan Thiết là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Bình Thuận. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu tích cực, là địa phương đi đầu trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bài viết thể hiện những hoạt động kinh tế-xã hội của thành phố trong 10 tháng đầu năm 2023.

Trong thời gian qua, với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Quyết định số 60/QĐ-UBND ngày 09/01/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt nhiệm vụ chủ yếu năm 2023 của UBND thành phố Phan Thiết, Kết luận số 936-KL/TU ngày 06/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Phan Thiết (Khóa XII) và Nghị quyết số 17/NQ-HĐND, ngày 15/12/2022 của HĐND thành phố về nhiệm vụ năm 2023. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Phan Thiết đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đáng tự hào. Kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng. Hoạt động du lịch phục hồi tích cực, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trong thời gian qua đạt 4.687.000 lượt khách, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2022; Doanh thu trong 10 tháng năm 2023 ước đạt khoảng trên 11.100 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Thương mại, dịch vụ diễn biến sôi động đáp ứng được nhu cầu tham quan, mua sắm tại các cửa hàng tạp hóa, các khu vực chợ, siêu thị Co.op Mart, siêu thị Lotte Mart… Hoạt động sản xuất của các cơ sở công nghiệp, các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng chủ lực tham gia lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển ổn định. Diện tích cây trồng có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chất lượng, hiệu quả có chiều hướng gia tăng. Tình hình khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản ước đạt 47.730 tấn đạt 83,3% kế hoạch, bằng 101,06% so với cùng kỳ năm 2022; Công tác kiểm tra, giám sát chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) thực hiện tốt, đến nay, thành phố không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô nền kinh tế phát triển mạnh. Vị trí, vai trò “đầu tàu” về kinh tế - xã hội của thành phố đối với cả tỉnh tiếp tục được phát huy.

Với sự thống nhất, đồng thuận từ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, thành phố Phan Thiết đã và đang phát huy tiềm lực nội sinh, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị ngày càng phát triển và có sự thay đổi tích cực. Các công trình trọng điểm được đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng một phần đã tạo điểm nhấn và phát huy hiệu quả, diện mạo các phố, phường và các xã của thành phố từng bước được đổi thay, khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn thông qua việc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Lê, Trương Văn Ly, Hà Huy Tập, Trần Quý Cáp, đường trục ven biển ĐT719B, đường Hàm Kiệm – Tiến Thành; cải tạo hồ Văn Thánh, phường Phú Tài; nâng cấp, cải tạo Công viên Đồi Dương; xây dựng Công viên Thương Chánh; khu dân cư phía nam đường Lê Duẩn, kè bờ sông Cà Ty, cải tạo, làm mới vỉa hè trên địa bàn thành phố; Trung tâm IOC thành phố, Chung cư sông Cà Ty...

Hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp chính quyền luôn quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, khoáng sản, tài nguyên thông qua việc tuyên truyền phổ biến các chủ trương, kế hoạch, quy định của Luật Bảo vệ môi trường, làm cho nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên và đã được Nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực nhất là thực hiện phong trào “Người dân Phan Thiết không xả rác thải, chất thải, phế thải ra đường phố và khu vực công cộng”. Bên cạnh đó,chính quyền tiến hành xử lý cơ bản các khu vực tồn đọng rác thải, nhất là khu vực giáp ranh phường Phú Hài – Thanh Hải – Phú Thủy, khu vực Làng chài Mũi Né, đường Âu Cơ - Lạc Long Quân, Tiến Thành. Đồng thời, tổ chức di dời và chuyển đổi ngành nghề đối với các điểm thu mua, tập kết phế liệu hoạt động trong khu dân cư, triển khai thực hiện các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Bãi rác Bình Tú. Tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trái phép trên địa bàn,… nhằm bảo đảm môi trường sống cho người dân.

Các chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, người có công được thực hiện kịp thời, đầy đủ; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm. Qua đó, kết quả vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2023, đến nay được 881,404 triệu đồng, đạt 160,2%; chia sẽ, hỗ trợ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 cho 1219 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, với tổng số tiền 609.500.000 đồng. Thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp xã hội cho 526 đối tượng là người khuyết tật nặng, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên; cùng với đó, đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh cấp mới 383 thẻ BHYT cho người cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội; gia hạn và cấp mới thẻ BHYT cho 2790 đối tượng thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Giải quyết việc làm cho 4.962/6.000 lao động, đạt 82,7% kế hoạch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được kinh tế - xã hội của thành phố vẫn còn nhiều khó khăn nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vì giá cả nguồn nguyên liệu, vật liệu đầu vào khá cao. Một số mặt hàng chủ lực của thành phố suy giảm. Thu ngân sách còn thấp so với cùng kỳ, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, đất đai, khoáng sản có lúc chưa chặt chẽ. Một số vấn đề xã hội, nhất là tệ nạn ma túy chưa được giải quyết kịp thời, triệt để. Tỷ lệ bao phủ tham gia BHYT trên địa bàn chưa bền vững, đặc biệt các xã nông thôn mới đạt thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Biên chế hành chính được phân bổ chưa đảm bảo đáp ứng thực hiện nhiệm vụ. Đội ngũ giáo viên còn thiếu, chưa được đồng bộ trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giải quyết hồ sơ hành chính vẫn còn trễ hạn, đặc biệt trên lĩnh vực đất đai.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng những kết quả đạt được trong thời gian qua đã tạo cơ sở vững chắc để thành phố tiếp tục bước vào thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2023. Trong thời gian tới, địa phương cần phải có những chỉ đạo quyết liệt hơn, kịp thời hơn, triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt, cần nỗ lực hơn nữa trong công tác thu ngân sách, trật tự xây dựng, đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường và phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy để tiếp tục khẳng định vị thế “Ngọn cờ đầu” của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

                                                                                                   Sĩ Hải

                                                                                     Khoa Xây dựng Đảng


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số