Tin mới nhất

Kết quả nổi bật qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Trong 02 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự đồng lòng, nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong tỉnh, ngành du lịch tỉnh Bình Thuận tiếp tục đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Vị trí, vai trò của ngành du lịch ngày càng được khẳng định, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Có thể nói Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng, có tính chất xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Bình Thuận cũng là một tỉnh có tiềm năng du lịch rất lớn, từ sự kiện nhật thực toàn phần năm 1995 đã mang đến sự khởi đầu cho du lịch Bình Thuận. Từ năm 1995 đến năm 2021, tỉnh Bình Thuận đã ban hành 05 nghị quyết về phát triển du lịch, trong gần 30 năm qua, du lịch Bình Thuận đã có sự phát triển mạnh mẽ, với trung tâm phát triển là khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, có thời điểm được mệnh danh là Thủ đô Resort. Với định hướng chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh, từ đó, Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/10/2021 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 06) ra đời. Nghị quyết này kế thừa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của các nghị quyết trước đây với mục tiêu phấn đấu nâng tầm vị thế du lịch Bình Thuận, thu hút du khách đến với Bình Thuận nhiều hơn, thời gian lưu trú dài ngày hơn, sử dụng các dịch vụ nhiều hơn, quay trở lại nhiều lần hơn..., đồng thời, hướng tới nâng cấp, xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tạo động lực lan tỏa tới các khu vực khác trong tỉnh.

Dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, chính quyền các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã cụ thể hóa và tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, qua đó, các cấp, các ngành đã tích cực xây dựng các chuyên mục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh; giới thiệu các sản phẩm du lịch, quảng bá điểm đến du lịch Bình Thuận trên các phương tiện truyền thông, nền tảng công nghệ số, các Website, các trang mạng xã hội… Từ đó, nhận thức của người đứng đầu các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của phát triển du lịch trong phát triển kinh tế được nâng lên và hưởng ứng tích cực thông qua việc phát huy trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch của tỉnh; từng bước thay đổi thói quen trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch, thực hiện nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, ứng xử văn minh với khách du lịch cho nên lượng khách du lịch đến Bình Thuận ngày càng nhiều hơn. Năm 2022, toàn tỉnh đã đón 5,7 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 13,7 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 7,04%; Năm 2023 (tính đến tháng 10/2023), toàn tỉnh đã đón 7,3 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 18,8 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt khoảng 8,77%. Trong thời gian tới, ước tổng năm 2023, Bình Thuận đón khoảng 8,3 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 19,5 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 9,1%. Bình quân 02 năm qua doanh thu từ hoạt động du lịch tăng khoảng 16,56%/năm.

Để đạt được kết quả này, tỉnh Bình Thuận đã phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trong công tác hoàn thiện quy hoạch, chính sách, xây dựng hệ sinh thái du lịch; hoàn thiện hạ tầng giao thông, vận tải, hạ tầng thương mại, dịch vụ, hạ tầng số phục vụ yêu cầu chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành du lịch và dịch vụ du lịch thông minh; thu hút đầu tư, phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch như: du lịch nghỉ dưỡng biển, dã ngoại, vui chơi giải trí, tham quan các khu, điểm du lịch ven biển, du lịch tín ngưỡng, du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát, du lịch kết hợp hội nghị (MICE), du lịch cộng đồng…; đồng thời, đầu tư phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận thông qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội, cùng với xúc tiến, quảng bá trong liên kết các địa phương, vùng phát triển du lịch; đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan Nhà nước trong phát triển du lịch nhất là trong thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19...

Bên cạnh kết quả nổi bật nêu trên, việc thực hiện Nghị quyết số 06 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định:

Thứ nhất, Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế. Thu hút đầu tư các dự án tổ hợp du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với du lịch vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ, thể thao chưa mạnh. Tình hình triển khai các dự án du lịch tại một số khu vực còn chậm, chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ hai, Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Bình Thuận trên hệ thống truyền thông, mạng xã hội, công nghệ số chưa thường xuyên; nội dung, phương thức truyên truyền chưa đổi mới. Nhận thức của một số người dân tham gia hoạt động dịch vụ du lịch về phát triển du lịch bền vững còn hạn chế. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu về số lượng và chất lượng.

Thứ ba, Các doanh nghiệp du lịch triển khai đưa việc chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu, đặt phòng, thanh toán trong hoạt động kinh doanh du lịch chưa được đẩy mạnh; việc đưa sản phẩm du lịch lên nền tảng công nghệ số còn hạn chế.

Thứ tư, Sản phẩm du lịch tuy có bước cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch. Chưa phát huy giá trị cốt lõi của  các di tích, di sản văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh trong quảng bá, thu hút du khách đến tham quan, du lịch; tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch chưa cao.

Thứ năm, Vệ sinh môi trường một số nơi chưa tốt, nhất là tình trạng rác thải, nước thải tại các khu du lịch, bãi biển và các khu dân cư, các điểm sinh hoạt công cộng,… Tình trạng buôn bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách du lịch chưa được giải quyết dứt điểm.

Nhằm phát huy kết quả đã đạt được qua 02 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong thời gian đến, địa phương cần thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo, bám sát các quan điểm, mục tiêu, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 2613/KH-UBND, ngày 19/7/2023 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Hai là, chính quyền các cấp, các ngành cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm của mình trong việc thực hiện hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, thu hút đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch mới, hấp dẫn, nhất là đầu tư các dự án có quy mô lớn, đầu tư khu vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm mua sắm phục vụ phát triển du lịch; phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái rừng - thác - hồ - biển đảo, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân (homestay); tăng cường công tác quản lý, củng cố, trùng tu, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử…

Ba là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền với nhiều phương thức, nhiều kênh nhằm phát triển thị trường khách du lịch mới, phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận; đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu, đặt phòng, thanh toán, đảm bảo tính tiện ích, hấp dẫn thu hút lượng khách lớn từ trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng; đa dạng hóa hình thức đào tạo, tuyển dụng nhằm phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan Nhà nước trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng, đất đai, môi trường, đảm bảo tốt môi trường phát triển du lịch.

Với tinh thần giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, toàn thể Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Bình Thuận ra sức đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, tự lực tự cường, mang hết tâm huyết, tài năng và trí tuệ, chung sức, chung lòng xây dựng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và phát triển kinh tế du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 06 của Tỉnh uỷ nói riêng nhất định sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tỉnh nhà./.


Tài liệu tham khảo:

Báo cáo sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số