Tin mới nhất

Một số kết quả nổi bật trong nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Thuận

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự đồng lòng, đoàn kết, nỗ lực vượt khó, chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong tỉnh, năm 2023, tỉnh Bình Thuận có nhiều bước tiến mới. Đây là nền tảng vững chắc cho sự phát triển đi lên trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Bài viết phản ánh kết quả những hoạt động nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh nhà.

Bước vào năm 2023, mặc dù, tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế cả nước tăng trưởng chậm, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản ngưng trệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào vẫn còn rất cao, … đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhưng mặt khác, tỉnh Bình Thuận cũng có những thuận lợi cơ bản, như: cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, đặc biệt đã đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, phía Đông, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây; đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023,… đã tạo hiệu ứng tích cực, góp phần thu hút các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước đến với Bình Thuận, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh. Đồng thời, với việc quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của các huyện, thị xã, thành phố đã được phê duyệt, tạo cơ sở để cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án. Cùng với đó, được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương về thăm, làm việc với tỉnh, chỉ đạo, định hướng phát triển cho địa phương trong thời gian tới, qua đó giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tỉnh.

Trước khó khăn và thuận lợi đó, Tỉnh uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đoàn kết, cố gắng nỗ lực, tập trung triển khai, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh đạt nhiều kết quả tích cực, nổi rõ là:

Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng; tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% (theo kế hoạch tăng từ 7 - 7,2%) so với năm 2022 (năm 2023 xếp thứ 14/63 tỉnh, thành và 04/14 tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ; năm 2022 xếp thứ 45/63 tỉnh, thành và thứ 10/14 trong vùng); 14/17 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân đầu người đạt 54,3 triệu đồng, tăng 5,1% so với năm 2022. Để có được kết quả này tỉnh Bình Thuận đã huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ tỉnh và sự đồng lòng, tích cực hưỡng ứng của các cấp, các ngành và nhân dân đối với các hoạt động kinh tế của tỉnh, cụ thể: Năm 2023, tỉnh đã tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận - Hội Tụ xanh”, qua đó, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phục hồi và tăng trưởng nhanh (năm 2023 toàn tỉnh đón 8,35 triệu lượt du khách, tăng 45,98%; doanh thu du lịch ước đạt 22.300 tỷ đồng, tăng 63%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt 95.480 tỷ đồng, tăng 28,57% so với năm 2022). Bên cạnh đó, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp được quan tâm đầu tư đúng mức, từ đó, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm tăng 1,76%, sản lượng lương thực tăng 2,97% so với năm 2022. Sản lượng khai thác hải sản tăng 1,71% so với năm 2022. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thực hiện tốt hơn; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,8%, trong đó ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,66%; thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 45.410 tỷ đồng, tăng hơn  9,06% so với năm trước. Toàn tỉnh có thêm 30 dự án được cấp có thẩm quyền cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hút một số dự án có quy mô lớn có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh (Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, các dự án khí điện LNG Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2). Đáng chú ý, hoạt động thu ngân sách nhà nước ước đạt 10.006 tỷ đồng, đạt 100% dự toán; trong đó, thu nội địa (trừ dầu khí) 8.606 tỷ đồng, đạt 100% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, đặc biệt, có 10/16 khoản thu ngân sách nhà nước đạt và vượt dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Chi ngân sách địa phương ước đạt 12.862,7 tỷ đồng, vượt 1,99% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 1,85% so với năm 2022.

Trong năm 2023, công tác văn hóa – xã hội tiếp tục được quan tâm, đầu tư, duy trì cho nên chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đạt cao (98,43%; xếp thứ 31/63 tỉnh, thành). Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thông tin - truyền thông, thể dục - thể thao có bước chuyển biến tích cực. Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” được thực hiện tốt. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho nhân dân được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện (Đến nay, toàn tỉnh có 02 huyện, 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).

Công tác rà soát, điều chỉnh, lập các loại quy hoạch được quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt (Quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch phân khu tại các xã, phường, thị trấn…). Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Phan Thiết. Những vấn đề tồn đọng, kéo dài, bức xúc nổi lên trong phát triển kinh tế - xã hội được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các công trình, dự án trọng điểm, có quy mô lớn nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện. Việc tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhân dân, doanh nghiệp và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện có nền nếp, qua đó đã tạo sự tin tưởng, đồng tình trong nhân dân và doanh nghiệp; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường chỉ đạo, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

 Nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo; kết quả giao quân đảm bảo số lượng, chất lượng. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững; đảm bảo an ninh, an toàn các sự kiện lớn và các đoàn cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm, làm việc tại tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận năm 2023 vẫn còn một số khó khăn, hạn chế đáng quan tâm và cần được khắc phục: kết quả triển khai 06 nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy (khóa XIV) chưa rõ nét, nhất là Nghị quyết về chuyển đổi số và Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao đời sống, thu nhập của nhân dân. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; huy động GRDP vào thu ngân sách còn thấp; công tác lập, điều chỉnh các loại quy hoạch còn kéo dài. Tiến độ triển khai một số công trình trọng điểm của tỉnh còn chậm; những vướng mắc, bất cập trong công tác bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, thu hồi đất và xác định giá đất cụ thể chậm được tháo gỡ. Công tác quản lý đất đai, khoáng sản vẫn còn nhiều hạn chế. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn thấp so với yêu cầu. Nông nghiệp tăng trưởng chậm, giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp chưa cao, sản phẩm chưa phong phú, đa dạng; việc thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế; tình trạng một số tàu cá, ngư dân đánh bắt hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài bị bắt giữ vẫn còn xảy ra. Tình hình an ninh, trật tự, nhất là tội phạm hình sự, tội phạm công nghệ cao, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, trộm cắp, “tín dụng đen”, tình trạng vỡ hụi,… còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Kết quả thực hiện chủ đề năm 2023 về “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp” chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong toàn tỉnh. Đội ngũ bác sỹ còn thiếu, cơ sở vật chất ngành y tế xuống cấp; thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế chưa được cung ứng kịp thời. Cải cách thủ tục hành chính chuyển biến còn chậm.

Trong thời gian tới, để giữ vững và phát huy những kết quả đạt được trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đòi hỏi toàn thể Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Bình Thuận cần nghiêm túc thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch sử dụng đất năm 2024 và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của cấp huyện; thực hiện các dự án, công trình trọng điểm có hiệu ứng lan tỏa, tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế của tỉnh; tăng cường xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại để tạo năng lực sản xuất mới, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng các sản phẩm công nghiệp; khai thác tối đa tiềm năng đất đai, các công trình thủy lợi trên địa bàn và các yếu tố về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng sinh thái, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và các nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo… Hy vọng với sự quyết liệt trong chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành và đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của Nhân dân, trong việc thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhất định sẽ đạt được nhiều kết quả tốt, phấn khởi hơn trong thời gian đến./.

Sĩ Hải

Khoa Xây dựng Đảng


Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Cháp hành Đảng bộ tỉnh (Khoá XIV) về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

2. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số