Tin mới nhất

Kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Bình Thuận năm 2023

Cải cách hành chính nhà nước là tất yếu khách quan và khâu trung tâm của công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong năm 2023, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để tạo ra bước đột phá trong CCHC.

Trên cơ sở Kế hoạch CCHC năm 2023 của tỉnh và các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch để triển khai tại đơn vị. Trong năm 2023, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác CCHC trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan nhà nước.

Để thực hiện đẩy mạnh cải cách TTHC, Chủ tịch UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các quyết định liên quan đến phê duyệt kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2023 trên địa bàn tỉnh; phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình triển khai trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh; phê duyệt danh mục TTHC rút ngắn thời gian giải quyết trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trong đó, tập trung thực hiện đơn giản hóa bộ phận tạo thành của TTHC; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC so với thời gian quy định và rà soát, đánh giá TTHC triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình.  Kết quả, trong năm 2023, số dịch vụ công trực tuyến được triển khai là 522[1]. Đồng thời, thông qua phương án đơn giản hóa 19 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Công Thương[2].

Các TTHC sau khi công bố đã được cập nhật đầy đủ vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, đến nay đã cập nhật công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia và liên kết trang thông tin điện tử các cơ quan, địa phương với 1.836/1.836 TTHC, đạt tỷ lệ 100%[3]; 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện đều mở chuyên mục và thực hiện công khai, niêm yết TTHC để tổ chức, cá nhân tra cứu, thực hiện; công khai kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống thông tin của tỉnh.

Đồng thời, công bố TTHC nội bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của UBND tỉnh gồm 40 TTHC  của 09 cơ quan, đơn vị[4]. Các cơ quan, đơn vị có liên quan đang thực hiện việc rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ theo đúng kế hoạch đề ra.

Đối với thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông: Trong thời gian qua, tỉnh Bình thuận luôn quan tâm chỉ đạo việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân; Trung tâm Hành chính công của tỉnh hoạt động phát huy có hiệu quả được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ; các TTHC đã được thường xuyên kiểm tra, rà soát, công bố chuẩn hóa và niêm yết công khai; dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích ngày được mở rộng. Cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc, phần mềm quản lý, theo dõi tại bộ phận một cửa các cấp được tiếp tục đầu tư, nâng cấp. Cụ thể:

Các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục duy trì thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC cho tổ chức, cá nhân thông qua Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã[5]. Bưu điện tỉnh đã phối hợp các cơ quan, địa phương để bố trí nhân viên bưu điện luân chuyển hồ sơ thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính; tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại quầy giao dịch của bưu điện và trả kết quả hồ sơ TTHC tại địa chỉ theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm tiếp nhận và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến hết ngày 31/12/2023 đối với 13 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các ngành: Công Thương; Giao thông vận tải; Tư pháp; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện.

Việc thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC được tỉnh quan tâm và chỉ đạo thực hiện. UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương triển khai đầu tư, xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân, tích hợp chung với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ số hóa theo chỉ đạo của Chính phủ. Các địa phương đã triển khai và thực hiện số hoá kết quả giải quyết hồ sơ lĩnh vực chứng thực điện tử.  Kết quả, trong năm 2023, số hồ sơ TTHC toàn tỉnh giải quyết đạt kết quả khá tốt[6].

Ngoài ra, tiếp tục duy trì hộp thư điện tử trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận, phân loại và chuyển đến các ngành chức năng xem xét, giải quyết kịp thời các ý kiến phản ánh, kiến nghị, đánh giá của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính; các sở, ban, ngành, địa phương duy trì công khai số điện thoại đường dây nóng, chuyên mục “Hỏi - Đáp” trên Trang thông tin điện tử để tiếp nhận, trả lời các ý kiến phản ánh của tổ chức, cá nhân. Trong năm 2023, kết quả tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị  của người dân, tổ chức liên quan đến quy định TTHC tiếp nhận trên hệ thống phản ánh, kiến nghị được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia là 230 phản ánh, kiến nghị[7].

Với mục tiêu triển khai trách nhiệm cụ thể đến từng đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh về thực hiện bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Kết quả đánh giá chất lượng giải quyết TTHC cũng được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, của các cơ quan, đơn vị, địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, đánh giá kết quả cải cách TTHC, theo dõi, giám sát, đánh giá của cá nhân, tổ chức.

Để nâng cao chất lượng cải cách TTHC, mang lại sự hài lòng cho người dân, rút ngắn thời gian, phát huy tối đa hiệu quả trong giải quyết TTHC, tạo điều kiện cho người dân giảm thời gian đi lại trong quá trình giải quyết hồ sơ TTHC, tại một số phường, xã trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình: “Công dân không viết” và mô hình “Hỗ trợ tổ chức, cá nhân hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến tại bộ phận một cửa các cấp”. Một số phường, xã, thị trấn đã triển khai thực hiện mô hình “Ngày không hẹn” mô hình làm lễ trao Giấy kết hôn, trả kết quả hồ sơ tại nhà dân…, qua đó các phường, xã, thị trấn đã sắp xếp thời gian trong tuần để bố trí cán bộ, công chức tiếp nhận và giải quyết ngay một số TTHC cho người dân, không phải viết phiếu hẹn trả theo thời hạn quy định. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã kịp thời triển khai thực hiện nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số ở địa phương qua đó, góp phần nâng cao tính hiệu quả của việc cải cách TTHC của tỉnh.

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính nói chung, TTHC nói riêng năm 2023 của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế nhất định: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này tại một số đơn vị, địa phương vẫn chưa thật sự quyết liệt; việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, số hoá các tài liệu, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, đất đai... gắn với công tác CCHC chưa đồng bộ, kịp thời. Ý thức trách nhiệm phục vụ tổ chức, người dân trong giải quyết hồ sơ hành chính của một số công chức, viên chức chưa cao, chất lượng phục vụ còn hạn chế; vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hẹn, nhất là trên lĩnh vực đất đai; chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công: năm 2023, tỉnh Bình Thuận tuy có tăng hơn so với năm 2022 nhưng vẫn dẫn đầu top 5 trong 63 tỉnh thành có số điểm thấp nhất cả nước. (Năm 2022: đạt 49,1/100 điểm, đứng thứ 54/63 tỉnh thành; Năm 2023: đạt 59,9/100 điểm, đứng thứ 55/63 tỉnh thành). Trong đó, các chỉ số về dịch vụ công trực tuyến; Tiến độ giải quyết; Công khai, minh bạch; Số hoá hồ sơ và mức độ hài lòng đạt số điểm chưa cao so với bình quân cả nước.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tỉnh cần có những giải pháp mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm chính trị cao hướng đến chuyển đổi số mạnh mẽ vì nhân dân phục vụ nhằm xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các lĩnh vực đời sống hướng đến xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Để làm được điều này cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Huy động phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong lãnh đạo, giám sát và thực hiện nhiệm vụ CCHC; nghiên cứu áp dụng các mô hình, giải pháp cách làm hay trong thực hiện công tác này phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC của tỉnh và huy động sự tham gia của tổ chức chính trị, đoàn thể với quyết tâm cao trong cải thiện các chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên môi trường điện tử và dịch vụ bưu chính công ích bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng và đưa vào sử dụng đối với các dự án về phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành (trọng tâm các cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và ra quyết định dựa vào dữ liệu… góp phần thực hiện thành công công tác CCHC của tỉnh nói chung, cải cách TTHC và chuyển đổi số nói riêng./.

Hồng Hương

Nguồn: Theo Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2023; Báo cáo công tác Cải cách hành chính năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của UBND tỉnh Bình Thuận.

 


[1] Trong đó: 110 dịch vụ công trực tuyến một phần và 412 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Số thủ tục hành chính rút ngắn thời gian so với quy định là 36 thủ tục hành chính (cấp tỉnh 33 thủ tục hành chính, cấp huyện 03 thủ tục hành chính).

[2] 02 TTHC của Sở Kế hoạch và Đầu tư và 17 TTHC của Sở Công Thương

[3] Bao gồm: cấp tỉnh 1.464 thủ tục hành chính, cấp huyện 314 TTHC, cấp xã 167 TTHC.

[4] Gồm: Sở Tài chính; Sở Giao thông Vận tải; Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tư pháp; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Nội vụ; Văn phòng UBND tỉnh.

[5] Bao gồm 33/33 TTHC của ngành dọc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 07/10/2019, đạt tỷ lệ 100%.

[6] Ở cấp tỉnh: Số hồ sơ đã giải quyết xong là 67.995 hồ sơ, trong đó: số hồ sơ đã giải quyết đúng hạn là 67.828 hồ sơ, tỷ lệ 99,75%; số hồ sơ trễ hẹn là 167 hồ sơ, tỷ lệ 0,25%; Cấp huyện: Số hồ sơ đã giải quyết xong là 123.221 hồ sơ, trong đó: số hồ sơ đã giải quyết đúng hạn là 117.258 hồ sơ, tỷ lệ 95,16%; số hồ sơ trễ hẹn là 5.963 hồ sơ, tỷ lệ 4,84%; Cấp xã: Số hồ sơ đã giải quyết xong là 350.343 hồ sơ, trong đó: số hồ sơ đã giải quyết đúng hạn là 334.200 hồ sơ, tỷ lệ 95,39%; số hồ sơ trễ hẹn là 16.143 hồ sơ, tỷ lệ 4,61%.

[7] Trong đó, đã giải quyết xong 207 PAKN; 23 PAKN trong hạn, đang giải quyết.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số