Tin mới nhất

Giải pháp nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan Nhà nước trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV)

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và hội nhập quốc tế cao, du lịch không chỉ đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn mang yếu tố văn hóa, xã hội sâu sắc. Do vậy, việc phát triển du lịch cần phải tiến hành đồng bộ với nhiều giải pháp, trong đó có vai trò kiến tạo của cơ quan Nhà nước. Bài viết phản ảnh kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/10/2021 của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong định hướng chiến lược phát triển của tỉnh, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong ba trụ cột kinh tế đã được xác định tại Nghị quyết tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Để thực hiện mục tiêu đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/10/2021 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 06), trong đó xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm Nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan Nhà nước trong phát triển du lịch; nhất là trong thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách” là:

Một là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc tạo lập môi trường tích cực thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương, của tỉnh. Củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, tổ chức bộ máy quản lý du lịch, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch cấp tỉnh và cấp huyện. Thành lập Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né; kiện toàn mô hình tổ chức quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh. Củng cố, phát triển Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch thành Trung tâm Marketing du lịch có khả năng tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế. Hoàn thiện các quy định để quản lý và phát triển các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực du lịch phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.

Hai là, tập trung rà soát, chỉnh trang, sắp xếp, quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch du lịch, quy hoạch xây dựng tại các khu du lịch; kiên quyết xử lý, tháo dỡ các hạng mục, công trình không đảm bảo quy định.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong việc xây dựng Quy chế phối hợp quản lý trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn cho du khách; phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh là cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp và du khách trong hoạt động du lịch. Xây dựng Bộ tiêu chí xét tặng, công nhận danh hiệu “Du lịch xanh” cho các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch. Xử lý nghiêm các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường du lịch.

Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về đất đai, thủ tục đầu tư, xây dựng, tạo điều kiện cho các dự án du lịch sớm triển khai đầu tư và đi vào hoạt động; kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, chậm triển khai theo quy định của pháp luật.

Năm là, thiết lập hành lang an toàn bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép các công trình ven biển; không chấp thuận dự án đầu tư hoặc giao đất thực hiện dự án, cấp phép công trình xây dựng không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển; tạo không gian bãi biển phục vụ cộng đồng, đảm bảo quyền tiếp cận biển cho người dân và du khách.

Sáu là, tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho du khách tại các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch.

Sau 02 năm (2021-2023) triển khai thực hiện Nghị quyết số 06; việc nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan Nhà nước trong phát triển du lịch; nhất là trong thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách… đã đạt được một số kết quả nhất định như:

Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường; ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương trong việc phối hợp quản lý nhà nước về du lịch được nâng lên. Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh được quan tâm củng cố, kiện toàn kịp thời; định kỳ 6 tháng và hàng năm đều tổ chức họp đánh giá tình hình hoạt động du lịch của tỉnh, rà soát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra cũng như giải quyết các vấn đề cấp bách trong lĩnh vực du lịch. Tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch; kiểm tra, giám sát chất lượng cơ sở lưu trú du lịch; chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, hướng dẫn du lịch trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19; triển khai công tác phục vụ khách du lịch vào các dịp lễ, tết;…

Tình hình an ninh trật tự và công tác phòng, chống đuối nước, bảo đảm an toàn tại các hồ bơi, bãi tắm cơ bản ổn định. Ban quản lý các khu du lịch chú trọng công tác cứu nạn cứu hộ, thường xuyên kiểm tra nhắc nhở du khách khi tham gia tắm biển, hoạt động các điểm dịch vụ Canô Jetsky phải đúng luồng, tuyến quy định để đảm bảo an toàn cho du khách.

Công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo, như thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các phường, xã tổ chức ra quân tổng vệ sinh, phát quang các bụi cây nhỏ ven các tuyến đường, các điểm tập kết rác, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ. Theo đó, tất cả địa phương đã xây dựng kế hoạch, thực hiện rà soát các điểm rác thải, tuyến phố, đường hẻm bên trong khu dân cư, các địa điểm tập kết rác, nhất là trên các trục đường chính, tuyến đường du lịch của thành phố; đồng loạt ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường trên địa bàn. Các cơ sở lưu trú du lịch hàng tháng tích cực ra quân làm sạch môi trường, thu gom xử lý rác thải tại các khu vực bờ biển, điểm tham quan, khu du lịch cộng đồng gần địa bàn doanh nghiệp, không để rác tồn đọng, đảm bảo môi trường sạch sẽ.

Tình hình buôn bán hàng rong tại các điểm, khu du lịch được sắp xếp ổn định, đảm bảo trật tự kinh doanh trong khu du lịch, không xảy ra tình trạng tranh giành mua bán gây phản cảm cho khách du lịch, tình trạng gian lận trong bán hàng cũng được giải quyết kịp thời, các cơ sở du lịch đều thực hiện đúng quy định của pháp luật về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Tăng cường xử lý việc lấn chiếm vỉa hè nhằm lập lại trật tự đô thị trên địa bàn thành phố. Công tác phòng cháy, chữa cháy cơ bản được đảm bảo. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm (tổ chức 07 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho hơn 728 người là cán bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tiểu thương tại chợ thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương trên địa bàn tỉnh); qua đó góp phần nâng cao ý thức của cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng trong đảm bảo an toàn thực phẩm, không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các địa phương trọng điểm du lịch nhất là vào thời điểm lễ hội, ngày lễ tết, tháng cao điểm, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định nhà nước về khai báo lưu trú, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá, các quy định về lưu trú, lữ hành,…xử lý nghiêm các hành vi vi phạm xảy ra để tạo uy tín, an toàn cho du khách đến tham quan.

Định kỳ gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nhất là các dự án du lịch nhằm lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về hoạt động đầu tư, kinh doanh, đồng thời, kết hợp kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực du lịch trong hoạt động xúc tiến đầu tư; hướng dẫn, hỗ trợ và giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án phát triển các sản phẩm, loại hình, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, đề xuất chủ trương chấm dứt hoạt động đối với một số dự án không triển khai, chậm triển khai theo quy định pháp luật, như trong giai đoạn 2021 - 2023, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 03 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư 204 tỷ đồng; 03 dự án du lịch khởi công mới và đi vào hoạt động; thu hồi 05 dự án chậm triển khai theo quy định. Lũy kế toàn tỉnh có 382 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất 6.031 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư 74.296 tỷ đồng; đến nay, có 193 dự án du lịch đã đi vào hoạt động. Đến nay, UBND tỉnh đã cho gia hạn sử dụng đất để đưa đất vào sử dụng đối với 15 dự án và đang xem xét tiếp tục cho gia hạn đối với các dự án khác theo quy định.

Việc thiết lập hành lang an toàn bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; UBND tỉnh đã ban hànnh Quyết định số 2465/QĐ-UBND ngày 25/9/2019 phê duyệt và công bố đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm tỉnh Bình Thuận. Đây là ranh giới ngoài để xác định hành lang bảo vệ bờ biển; đồng thời là đường để xác định khoảng cách 100 m theo quy định của Khoản 1 Điều 79 Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Ngoài ra, đã ban hành Quyết định số 936/QĐ-UBND ngày 15/4/2021 phê duyệt và công bố danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; tỉnh Bình Thuận có 54 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, chiếm khoảng 48 % tổng chiều dài bờ biển, kể cả huyện đảo Phú Quý. Trong 52% của tổng chiều dài bờ biển không thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển là những khu vực không có các tiêu chí để thiết lập theo quy định hoặc những trung tâm du lịch đã được hình thành và hoạt động, khu dân cư hiện hữu, dự án đầu tư công ... như trung tâm du lịch Hàm Tiến Mũi Né, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân... nhằm đáp ứng nguyên tắc “Bảo đảm tính khoa học, khách quan; hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ và phát triển, có tính đến hiện trạng khai thác, sử dụng, tài nguyên ở vùng đất ven biển...., bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế của địa phương...”. Qua đó đã tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án không nằm trong danh mục các khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh. Việc xác định chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển cơ bản hoàn thành, đang chuẩn bị lấy ý kiến các chuyên gia, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan theo quy định.

UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định phân công, phân cấp về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn tỉnh, Quyết định quy định chi tiết một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh và văn bản dừng tham mưu điều chỉnh Quy định các vấn đề liên quan đến quản lý xây dựng các dự án du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất có nhiều chuyển biến; công tác quản lý quy hoạch xây dựng và trật tự xây dựng được tăng cường; trong năm 2022 và đến tháng 7/2023, Thanh tra Sở Xây dựng đã phối hợp với Phòng Kinh tế và hạ tầng cấp huyện, UBND cấp xã, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh kiểm tra hoạt động xây dựng 34 trường hợp (đúng phép 25 trường hợp, sai phép 05 trường hợp, không phép 04 trường hợp), phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Công thương xử lý 13 trường hợp vi phạm quy định về trật tự xây dựng đối với các Chủ đầu tư Nhà máy điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan Nhà nước trong phát triển du lịch; nhất là trong thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

Một là, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ. Thu hút đầu tư các dự án du lịch có quy mô lớn, khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với du lịch vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ, thể thao chưa nhiều, thiếu thương hiệu nổi tiếng. Tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch chưa cao, nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, việc đầu tư nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, chưa tạo ra sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch. Các công trình, hoạt động phục vụ phát triển du lịch (như: công viên, bãi tắm, quảng trường biển, các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, bãi đậu xe, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực về đêm…) chưa đáp ứng nhu cầu.

Hai là, công tác quản lý đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai thực hiện dự án du lịch còn yếu; tình trạng lấn chiếm trái phép còn diễn biến phức tạp; nhiều dự án du lịch chậm triển khai hoặc chưa triển khai; một số dự án ảnh hưởng cảnh quan thiên nhiên, phá vỡ không gian kiến trúc.

Ba là, vệ sinh môi trường một số nơi chưa tốt, nhất là tình trạng rác thải, nước thải sinh hoạt tại các khu du lịch, bãi biển và các khu dân cư, các điểm sinh hoạt công cộng. Tình trạng buôn bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách du lịch, nâng giá,... có lúc, có nơi vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của tỉnh.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên cần có những giải pháp cụ thể trong thời gian tới như sau:

Một là, tiếp tục vận động các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, đáp ứng các nhu cầu của khách du lịch và triển khai các gói kích cầu để thúc đẩy thị trường khách du lịch.

Hai là, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, thủ tục liên quan tới doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư thật sự thuận lợi, thông thoáng, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, uy tín để đầu tư các dự án quy mô lớn ở khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh.

Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực xây dựng, đất đai, môi trường, đảm bảo tốt môi trường du lịch; xử lý, chấn chỉnh kịp thời các vấn đề về môi trường ở các khu, điểm du lịch. Giải quyết, có hiệu quả vấn đề buôn bán lấn chiếm bãi biển, hàng rong chèo kéo du khách, ăn xin,… gây mất mỹ quan, thiếu văn minh ở các khu du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền về môi trường du lịch, phổ biến Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh cho cán bộ, người dân và du khách.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định nhà nước về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, bảo đảm chất lượng dịch vụ, hàng hóa cung cấp cho du khách; việc chấp hành các quy định về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - hấp dẫn - chất lượng”.

Khắc Huỳnh (tổng hợp)

Khoa Nhà nước và Pháp luật


 

1. Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/10/2021 của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Báo cáo số 467-BC/TU, ngày 18/12/2023 của Tỉnh uỷ Bình Thuận về sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số