Tin mới nhất

Ly hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và thực trạng ly hôn ở nước ta hiện nay

Tóm tắt: Chế định ly hôn phát triển theo lịch sử phát triển của pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam. Chế định ly hôn luôn được hoàn thiện trong quá trình hoàn thiện pháp luật về hôn nhân và gia đình nhằm đáp ứng quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, làm cơ sở xây dựng xã hội hạnh phúc, xây dựng đất nước phồn vinh. Bài viết giới thiệu những nội dung cơ bản về chế định ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, đồng thời chỉ ra thực trạng về ly hôn ở nước ta hiện nay, từ đó bước đầu đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ly hôn; góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, làm cơ sở xây dựng xã hội phồn vinh, đất nước giàu mạnh góp phần xây dựng thành công của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Từ khoá: Ly hôn, ly hôn ở Việt Nam.

Ly hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Ly hôn là gì?

Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014[1]: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Như vậy, ly hôn hay là chấm dứt quan hệ hôn nhân (chấm dứt quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa vợ chồng) do Toà án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng khi mà tình trạng gia đình trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:

Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn được quy định như sau[2]:

- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Các trường hợp ly hôn:

Thuận tình ly hôn: Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thuận tình ly hôn như sau[3]:

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Ly hôn theo yêu cầu của một bên: Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau[4]:

- Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

- Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Quy định về giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn:

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau[5]:

- Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 để giải quyết.

- Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: (1) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; (2) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; (3) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; (4) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

- Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

- Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được quy định như sau[6]:

- Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Thực trạng ly hôn ở nước ta hiện nay.

Số vụ ly hôn tăng nhanh trong những năm gần đây đã là một thực trạng xã hội cần nhìn nhận. Số liệu thống kê cho thấy[7]: Số vụ ly hôn ở Việt Nam hiện ở mức 60.000 vụ/năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì một đôi ra tòa. Theo Trung tâm Tư vấn Giáo dục Tâm lý Thể chất TP Hồ Chí Minh, hiện nay cứ bình quân 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỉ lệ cao và năm sau luôn tăng hơn năm trước. Cũng theo khảo sát này, 43,4% cảm thấy cuộc sống của mình thoải mái, tự do hơn sau khi ly hôn. Con số ly hôn tăng không chỉ ở thành thị, các thành phố lớn, mật độ dân cư đông đúc mà cả ở các tỉnh, huyện lỵ, nhiều nơi cũng có tỉ lệ ly hôn gây bất ngờ. Như tại tỉnh Quảng Bình, chỉ tính trong 8 tháng năm 2023, TAND tỉnh đã tiếp nhận hơn 1.600 hồ sơ xin ly hôn. Tại Quảng Nam, trong vòng 1 năm, có gần 2.500 cặp vợ chồng ra tòa ly hôn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn, nhưng chủ yếu tập trung vào các nguyên nhân chính sau:

Một là, tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt với các cặp vợ chồng trẻ là do họ thiếu kỹ năng sống. Họ bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe và những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình, quá đề cao cái tôi của bản thân, ít quan tâm đến chồng hoặc vợ, khiến phần lớn các cặp vợ chồng trẻ nảy sinh mâu thuẫn ngay từ những tháng đầu, năm đầu của cuộc hôn nhân.

Hai là, do kinh tế khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh, sinh con sớm khiến vợ chồng thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn, không tập trung đồng thuận để xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái.

Ba là, các nguyên nhân: do tư tưởng lạc hậu; vấn đề về bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội; vợ chồng bất hòa, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn...

Để hạn chế tình trạng ly hôn, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương cần có sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, sự tham gia của mỗi cá nhân và gia đình cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; kiên quyết  đấu tranh chống lối sống thực dụng, vị kỷ; tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo hành trong gia đình.

Hai là, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến gia đình như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em, Luật phòng, chống bạo lực gia đình,... để các cặp vợ chồng hiểu được quyền cũng như trách nhiệm của mình đối với gia đình, cộng đồng và xã hội, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình.

Ba là, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và gia đình tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hoá, thôn, ấp, khu phố văn hoá; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu, tạo ra phong trào xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Nhân rộng các mô hình câu lạc bộ, tổ tư vấn về kiến thức tiền hôn nhân nhằm giúp các bạn trẻ trước khi kết hôn được trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, có định hướng nghề nghiệp và tao ra thu nhập ổn định.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc các vụ việc vi phạm luật có liên quan đến gia đình như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật trẻ em, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở.

Năm là, tăng cường hơn nữa công tác hoà giải để các cặp vợ chồng muốn ly hôn có cơ hội trở lại đoàn tụ. Tổ hòa giải cơ sở cần phát huy vai trò hòa giải với nhiều hình thức, giải thích cho các cặp vợ chồng biết được những hệ lụy có thể xảy ra với con cái của họ sau khi họ ly hôn để họ thấy được trách nhiệm của họ đối với con cái và tự hàn gắn, hóa giải các mâu thuẩn về sống chung lại với nhau.

Sáu là, biểu dương, nhân rộng những tấm gương sáng về đạo lý gia đình, gia đình điển hình trong xây dựng gia đình hòa thuận, giữ vững hạnh phúc, nuôi con học giỏi, thành đạt, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình trẻ hạnh phúc,... Mạnh mẽ lên án những hành vi thiếu đạo đức trong hôn nhân, bạo hành trong gia đình.

Ly hôn là vấn đề mang tính chất xã hội rõ rệt và sâu sắc và để lại những hậu quả pháp lý thật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến gia đình và toàn thể xã hội. Vậy cần có sự chung tay góp sức của tất cả hệ thống chính trị quyết tâm kéo giảm tình trạng ly hôn qua từng hoạt động thiết thực và cụ thể của từng ngành, từng cấp để xây dựng một gia đình hạnh phúc, bền vững./.

                                                                            Ths. Lê Trung Quân


1. Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

2. Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

3. Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

4. Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

5. Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

6. Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

7. Ngọc Mai, “Báo động tình trạng ly hôn gia tăng”, Báo Pháp luật Việt Nam, thứ sáu, ngày 27/10/2023


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số