Tin mới nhất

Bình Thuận: thu hút nhà đầu tư để hiện thực hóa quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tỉnh Bình Thuận sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tạo nguồn lực thực hiện Quy hoạch; trong đó sẽ thu hút các nhà đầu tư phát triển 3 trụ cột kinh tế: công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao; dịch vụ - du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế. Đến năm 2050, tỉnh Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng và quốc gia gắn với các đô thị biển hiện đại;… Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của vùng giai đoạn 2021 - 2030, từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới để hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng phát triển bền vững tỉnh Bình Thuận trong tương lai.

Bình Thuận nằm trên tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam, nên có lợi thế khác biệt với vị trí địa lý phù hợp để phát triển trong thời đại hội nhập và phát triển xanh toàn cầu. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận là việc tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào sử dụng, giúp rút ngắn thời gian và chi phí di chuyển từ tỉnh Bình Thuận đi các địa phương khác, nhất là các tỉnh, thành phố trong vùng động lực phía Nam. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Bình Thuận thu hút các dự án đầu tư chiến lược, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, năng lượng và bất động sản. Hơn nữa, trong năm 2023, tỉnh Bình Thuận được chọn làm địa điểm tổ chức Năm du lịch quốc gia, tạo đà để thúc đẩy ngành du lịch đạt được kết quả cao. Doanh thu du lịch lần đầu tiên cán mốc hơn 22.300 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ và nằm trong nhóm các tỉnh có doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú đã làm hài lòng du khách trong nước và quốc tế. Tỉnh Bình Thuận cũng đã xây dựng được thương hiệu du lịch biển đẹp, an toàn và thân thiện. Hiện nay, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng 25 lần so với thời điểm tái lập tỉnh vào năm 1992.

Với điều kiện và lợi thế riêng, tỉnh Bình Thuận tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột: Thứ nhất, trụ cột công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên kết ngành làm nền tảng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Thứ hai, trụ cột dịch vụ - du lịch với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể thao biển; dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; dịch vụ logistics,… Thứ ba, trụ cột nông nghiệp sẽ tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhiều năm qua tỉnh đã nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh Bình Thuận cũng đã có nhiều cải cách hành chính và tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng… Trong năm 2023, tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm và triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như gia hạn thời gian giảm thuế, cắt giảm lãi suất và gia hạn thời gian trả nợ. Tỉnh cũng đã tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, bất cập trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là vấn đề chồng lấn quy hoạch khoáng sản Titan với các quy hoạch khác. Hơn 28.000 ha đất khu vực ven biển nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản đã được đưa ra khỏi quy hoạch, đây được xem là giải pháp cởi trói cho hàng loạt các dự án về năng lượng, du lịch, bất động sản ở những vùng đất tiềm năng rộng lớn ven biển.

Chính điều này đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư khi đầu tư các dự án kinh tế tại tỉnh Bình Thuận. Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Bình Thuận thu hút 82 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng số vốn đăng ký hơn 50 nghìn tỷ đồng, trong đó có 2 dự án lớn là Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 1.717 tỷ đồng và dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ với tổng vốn đầu tư 1,34 tỷ USD. Đặc biệt, trong lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 nhà đầu tư và trao bản ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư trên tất cả ngành, lĩnh vực kinh tế với tổng vốn đầu tư là 104.682 tỉ đồng, cụ thể: Dự án Tổ hợp Dịch vụ du lịch vui chơi giải trí, khu đô thị mới tại Bình Thuận của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mặt Trời Bình Thuận, với tổng vốn đầu tư 50 nghìn tỷ đồng; Tổng công ty Cơ điện Xây dựng - Công ty Cổ phần nghiên cứu khảo sát, lập thủ tục để đăng ký đầu tư nhà máy thủy điện trên các hồ thủy lợi trên địa bàn Bình Thuận, với tổng vốn đăng ký hơn 31 nghìn tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đông Sài Gòn thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư là 1.717 tỷ đồng; Công ty tư vấn ECOTECH sẽ thực hiện dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh với tổng vốn đầu tư 15 nghìn tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Kiến Phát sẽ thực hiện dự án Khu đô thị du lịch nghệ thuật văn hóa và thể thao với diện tích sử dụng đất là 45ha và tổng vốn đầu tư là 1.850 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC Corp) thực hiện dự án Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Hàm Tân - La Gi, diện tích sử dụng đất 5.000ha với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng,…

Như vậy, để thu hút các nhà đầu tư, hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong thời gian tới tỉnh Bình Thuận cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Một là, tỉnh tiêp tục hoàn thiện bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; ứng dụng công nghệ số, xây dựng chính quyền số; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách để huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và xã hội nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Hai là, tỉnh tiếp tục tận dụng lợi thế nắng, gió để thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi. Nông nghiệp cần tái cấu trúc sản xuất gắn với hạ tầng thủy lợi. Du lịch biển cũng cần đổi mới, thiết kế sản phẩm hết sức quan trọng, gắn với thám hiểm biển, chăm sóc sức khoẻ, thể thao và nghỉ dưỡng. Đặc biệt, tài nguyên về văn hóa là nguồn cảm hứng hết sức đặc biệt nên cần công tác bảo tồn, gắn với du lịch sinh thái rừng, biển.

Ba là, tỉnh cũng nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công. Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.

Bốn là, tỉnh tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và doanh nghiệp.

Năm là, tỉnh đẩy mạnh hợp tác liên tỉnh với các địa phương lân cận, trong vùng và cả nước trong công tác bảo vệ môi trường. Thúc đẩy mối liên kết với thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Ninh Thuận để hình thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ - du lịch phát triển.

Sáu là, tỉnh tiếp tục nghiên cứu áp dụng các mô hình thực tiễn quản lý phát triển đô thị, nông thôn ở một số nước, một số khu vực có điều kiện tương đồng với tỉnh. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật và xây dựng nông thôn mới có bản sắc riêng gắn với đô thị hoá…

Có thể nói, việc quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới thúc đẩy tỉnh Bình Thuận phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận trong những giai đoạn tiếp theo nhằm hướng đến một mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Thuận phát triển xanh, nhanh và bền vững. Tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tạo mội trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, xây dựng tỉnh Bình Thuận từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn trong và ngoài nước.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số