Tin mới nhất

Giải pháp cho ngành công nghiệp âm nhạc của Việt Nam góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế

Công nghiệp âm nhạc đang được coi là một trong những trụ cột chính của công nghiệp văn hóa vì không chỉ đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, sử dụng giá trị văn hóa của người dân, góp phần xuất khẩu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước và con người của các quốc gia mà còn đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Bài viết đề cập đến một số thực trạng và giải pháp cơ bản nhằm phát triển ngành công nghiệp âm nhạc của Việt Nam. 

Từ khóa: Công nghiệp âm nhạc, công nghiệp văn hóa, giải pháp, kinh tế

Từ kết quả ấn tượng ở một số nước trên thế giới mà ngành công nghiệp âm nhạc mang lại là không chỉ dừng ở tính chất giải trí mà còn mang đến nhiều giá trị khác, đặc biệt là giá trị kinh tế. Ngành công nghiệp âm nhạc thực sự là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy kinh tế, thương mại, đang giúp hồi sinh nhiều nền kinh tế hậu đại dịch Covid -19. Thiết nghĩ, Việt Nam cần có nhìn nhận, đánh giá và những giải pháp để tạo ra môi trường vận hành một nền công nghiệp âm nhạc bài bản, chuyên nghiệp nhằm đem đến nhiều việc làm, tạo ra doanh thu lớn, đóng góp tích cực cho GDP. 

 Trong năm 2023, doanh thu âm nhạc toàn cầu đã tăng 10,2% (28,6 tỷ USD), trong đó, các nền công nghiệp âm nhạc tiêu biểu như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Trung Quốc, Pháp. Nguồn thu của những nền công nghiệp âm nhạc lớn này tới từ nhiều nguồn như bán đĩa, dịch vụ phát nhạc trực tuyến, tổ chức buổi diễn và các chuyến lưu diễn, bản quyền nhạc, bán các sản phẩm lưu niệm hay quảng cáo. Điển hình như ở Hoa Kỳ, những buổi biểu diễn của nữ ca sĩ Taylor Swift giúp những nơi ca sĩ này biểu diễn như nhà hàng, khách sạn, các địa điểm du lịch thu hút khách, kinh tế lập tức tăng trưởng góp phần tạo ra khoảng 5,7 tỉ USD cho nền kinh tế của nước này. Đối với ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc (Kpop) thu về 10 tỷ USD mỗi năm, với 1 tỷ USD xuất khẩu sản phẩm âm nhạc của nước này sẽ thúc đẩy thêm 2 tỷ USD nữa về các sản phẩm liên quan, từ thời trang, mỹ phẩm, đồ ăn… Chẳng hạn, một chương trình diễn của nhóm nhạc BTS có thể tạo được hiệu ứng gợn sóng kinh tế từ 550 - 989 triệu USD; chuyến lưu diễn “Born Pink” của Blackpink thu về khoảng 163,8 triệu USD. Đối với Trung Quốc, ngành công nghiệp âm nhạc là phân khúc giải trí phát triển nhanh nhất với mức tăng trưởng doanh thu 140% trong khoảng từ năm 2019 đến 2023.

Ở Việt Nam, trong năm 2023, khán giả Việt Nam có nhiều cơ hội thưởng thức nhiều chương trình âm nhạc hoành tráng với sự xuất hiện của nhiều ngôi sao quốc tế, người hâm mộ được thỏa mãn với các đêm biểu diễn chuyên nghiệp. Điển hình là hai đêm diễn ở Hà Nội của BlackPink (Hàn Quốc), với gần 67 nghìn khán giả đạt khoảng 630 tỉ đồng (trong đó hơn 331 tỉ đồng từ tiền bán vé); buổi diễn của nhóm nhạc Super Junior Super Show 9: Road (TP. Hồ Chí Minh), những tiết mục bùng nổ của Charlie Puth trong chương trình 8Wonder (Nha Trang), lễ hội âm nhạc Hay Fest… Thông qua các buổi biểu diễn âm nhạc đã trực tiếp quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam và qua cả các kênh truyền thông của nhiều quốc gia khác. Bên cạnh đó, chúng ta học hỏi kinh nghiệm của ban nhạc nổi tiếng, các tổ chức, công ty trong lĩnh vực âm nhạc, giải trí, để sản xuất các chương trình nghệ thuật đặc sắc…

Những tín hiệu tích cực đó cho thấy Việt Nam đang dần trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của nhiều nghệ sĩ quốc tế; đồng thời qua đó cũng cho thấy khán giả ở nước ta luôn mong muốn được tận hưởng không gian âm nhạc đúng nghĩa cùng sân khấu, nghệ sĩ đỉnh cao. Khán giả đã dần hình thành thói quen trả nhiều tiền hơn cho việc thưởng thức âm nhạc, đây cũng là một yếu tố quan trọng để hình thành nền công nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp. Việc tổ chức sự kiện âm nhạc quốc tế tại Việt Nam không chỉ nâng tầm vị thế trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa mà còn góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho ngành du lịch, giải trí.

Tuy nhiên, có nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam chưa phát triển được ngành công nghiệp âm nhạc. Một trong những nguyên nhân khiến giá trị ngành công nghiệp âm nhạc còn thấp là do cơ chế chính sách về công nghiệp âm nhạc chủ yếu ở dạng lồng ghép, chưa có một chính sách mang tính toàn diện, tổng thể. Ở nước ta còn nhiều điểm yếu như thiếu địa điểm biểu diễn, hạ tầng kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng đạt chuẩn của các ngôi sao quốc tế. Đa phần hệ thống này Việt Nam đều thuê từ nước ngoài, tính chuyên nghiệp khâu tổ chức, hậu cần…còn là một khoảng trống.

Theo Chiến lược công nghiệp văn hóa Việt Nam đến 2030 đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào GDP là 7%. Để công nghiệp âm nhạc phát triển, từng bước hội nhập quốc tế, thực sự đóng góp vào GDP của công nghiệp văn hóa Việt Nam, cần được quan tâm những vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách

Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ nút thắt, hình thành khuôn khổ pháp lý, thể chế để khai thác mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho công nghiệp âm nhạc phát triển, đáp ứng yêu cầu thị trường. Nhà nước cần có cơ chế thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp âm nhạc. Chẳng hạn như Nhà nước phải có cơ chế thuận lợi và nhanh chóng hơn cho phép các đơn vị tổ chức, nhà đầu tư chủ động mời gọi các nghệ sĩ, các sự kiện văn hóa, âm nhạc quốc tế để các tổ chức sự kiện của Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với các nước khác, các tổ chức khác trên thế giới.

Nhà nước xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế như âm nhạc các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, mặt bằng có quy mô phù hợp để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường tự chủ các đơn vị tổ chức sự kiện; khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhà nước tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn lực, quảng bá, phát triển thị trường công nghiệp âm nhạc, đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công – tư rõ ràng, đi vào chiều sâu hơn.

Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực

Khuyến khích toàn xã hội trong và ngoài nước đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực biểu diễn, âm nhạc. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp âm nhạc, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nghệ thuật biểu diễn đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Đào tạo lại, đào tạo nâng cao, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý các nội dung, yêu cầu quản lý, yêu cầu chuyên môn để đội ngũ thực thi các chính sách quản lý nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu công việc. Đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của ngành công nghiệp âm nhạc.

Thứ ba, hợp tác quốc tế

Mở rộng hợp tác quốc tế với các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp âm nhạc để học hỏi và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Mở rộng hợp tác liên doanh với nước ngoài trong đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức các chương biểu diễn nghệ thuật và đào tạo nguồn nhân lực.

Kết nối mạng lưới, tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa với các nước, các tổ chức quốc tế; chú trọng lồng ghép chương trình văn hóa gắn với các sự kiện ngoại giao, giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế; mở rộng hợp tác liên doanh với các tổ chức nước ngoài trong đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trong tổ chức các chương trình, sản phẩm, liên hoan văn hóa - nghệ thuật. Qua đó, nâng cao trình độ, năng lực biểu diễn cho đội ngũ sáng tạo văn hóa cũng như nâng cao khả năng hội nhập quốc tế cho công nghiệp âm nhạc trong nước, đồng thời tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đem tinh hoa văn hóa - nghệ thuật đương đại của khu vực và quốc tế đến gần hơn với nhân dân trong nước./.

Nguyễn Thị Loan

Khoa Lý luận cơ sở


Tài liệu tham khảo:

Quyết định 1456/QĐ-TTg, ngày 19/8/2014 của Thủ tưởng Chính phủ: Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”.

Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số