Tin mới nhất

Quyền kết hôn của người đồng tính theo pháp luật Việt Nam hiện nay

Tóm tắt: Thực tiễn cho thấy nhu cầu được ghi nhận hình thức pháp lý về mối quan hệ chung sống của cặp đôi đồng tính là nhu cầu thực tế và chính đáng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, những quyền này vẫn chưa được ghi nhận ở nhiều quốc gia. Trên thế giới hiện có khoảng 30 quốc gia công nhận hôn nhân của người đồng tính, song cũng có quốc gia áp dụng án tử hình dành cho người quan hệ đồng tính. Do đó, pháp luật chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của đời sống xã hội đang ngày càng phát triển liên quan đến quyền kết hôn của người đồng tính.

Từ khóa: Quyền, pháp luật, đồng tính, hôn nhân.

Quyền con người là một trong những giá trị cao nhất mà các quốc gia đều đề cao và bảo vệ. Mỗi quốc gia đều xây dựng một hệ thống pháp luật riêng dựa trên các điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội và các giá trị truyền thống văn hóa của quốc gia để bảo đảm các quyền con người, quyền công dân được thực hiện một cách tốt nhất và đầy đủ nhất. Vì vậy, sự thể hiện cảm xúc, tình cảm hay xu hướng giới tính không nằm ngoài quy luật đó. Trước đây, chúng ta hầu như chỉ nhắc đến một xã hội với những gia đình là sự kết hợp giữa một nam và một nữ với mục đích duy trì nòi giống. Khi đó, việc một người yêu người cùng giới tính hay mong muốn có giới tính khác là những điều kỳ lạ, thậm chí bị xem là bệnh hoạn. Trong xã hội hiện đại ngày nay xu hướng ủng hộ quyền được kết hôn của các đối tượng này trên thế giới, trong đó có Việt Nam cũng ngày càng gia tăng. Do vậy, mong muốn được pháp luật công nhận cũng là một mong muốn khả thi, góp phần từng bước giảm nhẹ định kiến, tiến đến bình đẳng giới và hòa hợp xã hội.

LGBT là tên viết tắt các chữ cái đầu của một cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và người chuyển giới (Transgender). Đây là những thuật ngữ được sử dụng để mô tả các cá nhân có xu hướng tình dục và giới tính khác với đa số người.

Bộ Y tế khẳng định đồng tính không phải là bệnh nên không thể “chữa”, không cần “chữa” mà chỉ hỗ trợ về mặt tâm lý: “Không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là bệnh nên không thể can thiệp, ép buộc điều trị mà chỉ hỗ trợ về tâm lý và do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện”, Bộ Y tế nêu rõ và đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh phải bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử, kỳ thị.[1]

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành năm 2013 (Hiến pháp năm 2013) đã nhấn mạnh “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (khoản 1 Điều 14) quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (Điều 16). Như vậy theo Hiến pháp hiện hành, quyền bình đẳng trước pháp luật, không bị phân biệt đối xử được áp dụng cho tất cả mọi người.

Khoản 1, điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015 ghi nhận nguyên tắc: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lí do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”.

Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính: nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính. Tiếp theo đó, khoản 1 Điều 35 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 65/2015/NĐ-CP ngày 07/8/2015 của Chính phủ) quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác; phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính.

Tại Việt Nam, người đồng tính là đối tượng ngày càng được giới khoa học quan tâm nghiên cứu trong những năm gần đây, góp phần hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm quyền con người, nâng cao giá trị xã hội của pháp luật tại Việt Nam và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Cũng giống nhiều nước trên thế giới, người đồng tính là một nhóm chiếm thiểu số về dân số và ngày càng hiện diện rõ nét trong xã hội và có gần như đầy đủ các quyền như những người bình thường khác. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, họ vẫn chưa được pháp luật công nhận trong đó có quyền kết hôn cùng giới, hoặc có quyền đã được ghi nhận nhưng chưa có cơ chế thực thi (chuyển đổi giới tính)… Bên cạnh đó, cùng với quan niệm truyền thống của các tầng lớp xã hội, sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với các đối tượng này xảy ra khá phổ biến. Từ đó, có thể nhận thấy pháp luật về quyền của người đồng tính tại Việt Nam còn có những khoảng trống nhất định trong đó có quyền được kết hôn.

Về vấn đề kết hôn, pháp luật ở nước ta chỉ ghi nhận một hình thức kết hôn đầy đủ của một cặp đôi. Theo đó, pháp luật hiện hành chỉ ghi nhận quyền kết hôn giữa hai người khác giới tính. Điều này được thể hiện qua khoản 1, 5 Điều 3 và khoản 2 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau và Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Trước đây, với quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, khi hai người cùng giới tính muốn đăng ký kết hôn với nhau sẽ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Việc sử dụng quy phạm “cấm” việc kết hôn giữa những người cùng giới tính (khoản 5, Điều 10). Hơn nữa, theo Điểm e, Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001, việc kết hôn giữa những người cùng giới tính sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 500.000 đồng. Điều này dễ tạo ra hiệu ứng định kiến xã hội đối với người đồng tính.

Hiện nay, theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020, những người đồng giới kết hôn với nhau không còn bị phạt.

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 bỏ quy định này, thay vào đó là “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2, Điều 8). Mặc dù bản chất của hai quy định này không khác nhau nhưng cũng có tác dụng về mặt tác động ý thức trong xã hội, góp phần giảm sự kỳ thị trong xã hội đối với người đồng tính.

Tuy nhiên Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 chưa ghi nhận quyền kết hôn hoặc một hình thức pháp lý khác cho quan hệ chung sống của cặp đôi cùng giới.

Việc các cặp đôi đồng tính sống công khai, có quan hệ tình cảm với nhau được thể hiện khá rõ cho rằng sống chung để hỗ trợ lẫn nhau về tình cảm, tạo cảm giác cuộc sống an toàn, thể hiện tình yêu và sự cam kết chung thủy với nhau trong cuộc sống. Những người quyết định sống chung đều có quan niệm rất rõ ràng về sự gắn bó lâu dài và thể hiện mong muốn gìn giữ mối quan hệ này. Việc đi đến cuộc sống chung đối với mỗi cặp đôi đều không phải là một quyết định chóng vánh mà dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng với cam kết chung thủy, hỗ trợ lẫn nhau và ước vọng hạnh phúc lâu dài. Họ duy trì cuộc sống chung bằng cách chia sẻ gánh nặng kinh tế, trách nhiệm với gia đình hai bên và điều chỉnh bản thân để đạt được sự hòa hợp. Thực tế cũng cho thấy khá nhiều người đồng tính sẽ lựa chọn sẽ kết hôn nếu được pháp luật thừa nhận.

Tuy nhiên, đa số các cặp đôi đồng tính thường bị gia đình và họ hàng giễu cợt, thậm chí đe dọa nhằm chấm dứt mối quan hệ đó. Và do đó những người đồng tính gặp nhiều khó khăn gấp bội trong việc duy trì mối quan hệ công khai, lâu dài, do không được pháp luật thừa nhận (đồng nghĩa với việc không có sự ràng buộc về mặt luật pháp), do không được hỗ trợ về tâm lý khi nảy sinh mâu thuẫn (do phải giấu diếm mọi người xung quanh) và do sự phản đối của gia đình. Vì thế mối quan hệ có bản chất hôn nhân này vẫn chưa được thừa nhận về mặt pháp lý. Bên canh đó, người cùng chung sống không được hưởng chế độ phúc lợi dành cho vợ/chồng, một số chế độ phúc lợi liên quan đến các tổ chức công đoàn của các cơ quan nhà nước dành cho vợ/chồng của các cán bộ cũng không thể áp dụng đối với cặp đôi đồng tính (đau ốm, hiếu hỷ…). Điều này cho thấy, thực tế sống chung của người đồng tính là có thật nhưng chưa được pháp luật công nhận nên khiến cho họ không được hưởng những phúc lợi đáng ra phải được hưởng.

Do đó, Quyết định về việc công khai với gia đình và xã hội về việc mình là LGBT là một quyết định cá nhân và hiện tại không có câu trả lời đúng hoặc sai. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả tính cách, hoàn cảnh cá nhân và gia đình, môi trường xã hội, nền văn hóa và giáo dục, định kiến xã hội, quyền lợi pháp lý và sự an toàn.

Vì vậy trong vấn đề này, nếu cá nhân có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và không thuộc trong nhóm quy định cấm kết hôn, thì họ muốn cưới ai thì cưới, pháp luật không cấm nhưng các vấn đề quy định hôn nhân như: bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con,... thì vẫn không được thực hiện như hôn nhân như bình thường nếu có xảy ra vấn đề xung đột, tranh chấp.

Thực chất, khi chúng ta tìm hiểu về quyền của người đồng tính không có nghĩa với việc cổ vũ cho một trào lưu mới, lệch lạc nào đó mà nên được hiểu đây chính là thay tiếng nói cho họ, góp phần làm cho xã hội bình đẳng hơn, nhân văn hơn. Đó cũng chính là đảm bảo quyền con người, quyền công dân của tất cả mọi đối tượng trong xã hội được thực hiện trong thực tế, tạo ra một xã hội bình đẳng giữa các công dân chính là một giá trị nhân văn của pháp luật. Xã hội văn minh nhất là xã hội có một nền pháp luật nghiêm minh, nhân văn và chan chứa tình người, trong đó bao hàm cả quyền hôn nhân của người đồng tính./.

ThS. Huỳnh Văn Thông

Khoa Nhà nước và Pháp luật


[1] https://vnexpress.net/dong-tinh-khong-phai-benh-va-khong-the-chua-4497108.html


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số