Tin mới nhất

Giảng viên trường chính trị tỉnh với công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trong giai đoạn hiện nay, tại các trường chính trị tỉnh, đội ngũ giảng viên nói chung, giảng viên trực tiếp giảng dạy phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp kiến thức về Lịch sử Đảng, về vai trò của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng; đồng thời cũng là lực lượng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng qua từng bài giảng.

Cách mạng Tháng Tám 1945 là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi này đã đã chính thức chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp đối với nước ta, mở ra kỷ nguyên độc lập đưa Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành những người làm chủ đất nước tự quyết định vận mệnh của mình. Trong Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, ngày 19/8/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Cách mạng Tháng Tám đã giải phóng đồng bào ta ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế và xiềng xích thực dân”[1]. Người đã đánh giá rất cao khi khẳng định ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám: Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta[2].

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam và là thắng lợi vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ thắng lợi to lớn đó, đã cổ vũ Nhân dân ta kiên cường đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 lịch sử. Đồng thời, đã góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và không còn áp bức. Chính nhờ những giá trị lịch sử to lớn mà cuộc cách mạng này mang lại, Cách mạng Tháng Tám đã trở thành một di sản quý báu, luôn được ghi nhớ và tôn vinh trong lòng mỗi người dân Việt Nam và trên toàn thế giới.

Giảng viên trường chính trị tỉnh đặc biệt là những giảng viên trực tiếp giảng dạy Lịch sử Đảng, cung cấp đầy đủ, chính xác những nội dung liên quan đến lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc. Đối với thành quả của cách mạng Việt Nam nói chung và Cách mạng Tháng Tám riêng, trước những luận điệu xuyên tạc từ các thế lực thù địch, người giảng viên chính là những chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận công tác tư tưởng. Sứ mệnh này không chỉ đòi hỏi giảng viên giảng dạy Lịch sử Đảng phải có kiến thức sâu rộng và hiểu biết toàn diện về lịch sử cách mạng, mà còn yêu cầu họ phải luôn cảnh giác, kiên định và sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức, khó khăn. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, giảng viên giảng dạy Lịch sử Đảng cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Về khẳng định ý nghĩa, giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám

Phân tích và khẳng định ý nghĩa, giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám là một nhiệm vụ thiết yếu và quan trọng trong quá trình giảng dạy phần học Lịch sử Đảng tại các trường chính trị tỉnh. Cách mạng Tháng Tám 1945 là một sự kiện lịch sử mang tầm vóc quốc tế, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nó không chỉ là cuộc cách mạng giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và ý chí kiên cường của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần làm rõ và nhấn mạnh vai trò lãnh đạo đúng đắn và xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc cách mạng lịch sử này. Đảng đã biết khai thác và tận dụng mọi cơ hội, lãnh đạo Nhân dân thực hiện cuộc cách mạng thành công một cách nhanh chóng và hiệu quả. Từ việc vận động, tổ chức quần chúng đến việc xây dựng lực lượng cách mạng và đưa ra những quyết sách chiến lược kịp thời, Đảng đã thể hiện một tầm nhìn xa trông rộng, một bản lĩnh thép và sự sáng suốt trong mọi hành động.

Để học viên hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa và giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, trong quá trình lên lớp giảng viên cần phải cung cấp những tài liệu, dẫn chứng cụ thể, thiết thực về quá trình đấu tranh, những khó khăn, thử thách mà Đảng và Nhân dân đã phải vượt qua. Việc này không chỉ giúp học viên có cái nhìn toàn diện và chính xác về sự kiện lịch sử, mà còn giúp họ nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám. Cách mạng Tháng Tám không chỉ là sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc mà còn là nguồn cảm hứng, niềm tự hào lớn lao đối với mỗi người dân Việt Nam. Vì vậy, khi giảng dạy Lịch sử Đảng việc giảng viên nhấn mạnh và làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc cách mạng này sẽ góp phần củng cố niềm tin và lòng tự hào của học viên đối với Đảng. Học viên sẽ hiểu rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Việt Nam đã làm nên những kỳ tích vĩ đại, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong suốt chặng đường lịch sử đầy thăng trầm chính là kết quả minh chứng hùng hồn cho sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng suốt của Đảng ta, sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của Nhân dân ta qua hơn 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 33 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[3].

Ngoài ra, theo kế hoạch học tập nhà trường cần tổ chức có hiệu quả hoạt động nghiên cứu thực tế, chú trọng các chuyến nghiên cứu thực tế tham quan các di tích lịch sử, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, tham gia vào các phong trào, hoạt động cách mạng. Những trải nghiệm thực tế này không chỉ giúp giảng viên và  học viên hiểu sâu hơn về ý nghĩa, giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám mà còn giúp họ cảm nhận được sự hi sinh, cống hiến của các thế hệ đi trước, từ đó thêm trân trọng và tự hào về những thành quả mà dân tộc đã đạt được. Hơn thế nữa, giảng viên cần tạo ra một môi trường học tập năng động, khuyến khích tinh thần tranh luận khoa học và tư duy độc lập trong học viên. Qua đó, không chỉ giúp học viên nắm vững kiến thức lý luận mà còn rèn luyện cho họ khả năng phân tích, đánh giá vấn đề một cách khách quan, toàn diện những kỹ năng thiết yếu cho công tác lãnh đạo, tổ chức trong tương lai.

Về nghiên cứu và học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Nghiên cứu và học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ hàng đầu và cực kỳ quan trọng đối với mỗi giảng viên tại các trường chính trị. Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là nền tảng lý luận mà còn là kim chỉ nam cho mọi hành động, định hướng con đường phát triển của đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả, giảng viên cần phải không ngừng tích cực tìm hiểu, nghiên cứu sâu rộng và nắm vững các nghị quyết của Đảng, từ đó củng cố và nâng cao năng lực lý luận, tư duy phê phán và khả năng phản biện.

Việc nghiên cứu và học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi một tinh thần ham học hỏi, tự giác và kiên trì. Giảng viên giảng dạy Lịch sử Đảng cần phải thường xuyên cập nhật các tài liệu, nghiên cứu khoa học, các công trình lý luận, và các nghị quyết mới nhất của Đảng. Điều này, không chỉ giúp họ nắm vững bản chất và tinh thần của lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn giúp họ nhận diện được những thay đổi, phát triển trong tư duy và chính sách của Đảng theo từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Chỉ khi đã nắm vững tinh thần cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nghị quyết của Đảng nên khi giảng dạy Lịch sử Đảng họ sẽ trở thành những người truyền lửa đầy nhiệt huyết và thuyết phục, không chỉ truyền đạt kiến thức một cách chính xác, mà còn có khả năng khơi dậy niềm tin, lòng tự hào dân tộc và tinh thần cách mạng trong mỗi học viên. Từ đó, góp phần xây dựng một thế hệ cán bộ, đảng viên vừa "hồng" vừa "chuyên", kiên định lập trường, vững vàng trước mọi thử thách. Đồng thời, giảng viên cần thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, từ đó trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ học viên noi theo.

Tóm lại, nghiên cứu và học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ không thể thiếu và vô cùng quan trọng đối với mỗi giảng viên tại các trường chính trị đặc biệt là giảng viên trực tiếp giảng dạy Lịch sử Đảng. Việc nắm vững các nghị quyết của Đảng, nâng cao khả năng tự phòng chống trước mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch và truyền đạt thông tin một cách chính xác, đầy đủ cho học viên sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân vào con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã chọn lựa.

Sử dụng mạng xã hội có hiệu quả

Trong bối cảnh phức tạp của thời đại thông tin, giảng viên nói chung và giảng viên trực tiếp giảng môn Lịch sử Đảng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước. Họ phải trở thành những "chiến sĩ" trên mặt trận tư tưởng, sẵn sàng đối mặt và đấu tranh với mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch. Trong thời đại kỹ thuật số, thông tin lan truyền với tốc độ chóng mặt, các thế lực thù địch đã và đang tận dụng mọi phương tiện, từ truyền thông nền tảng mạng xã hội mới nổi Zalo và Facebook Messenger, Instagram, TikTok, Twitter, Skype, Viber, Pinterest…để gieo rắc những thông tin sai lệch, bóp méo sự thật, nhằm phá hoại niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đứng trước thách thức này, giảng viên giảng môn Lịch sử Đảng cần phải không ngừng trau dồi, nâng cao năng lực tự phòng vệ và phản công trên mặt trận tư tưởng. Việc trang bị kiến thức và kỹ năng để nhận diện, phân tích và phản bác các luồng thông tin xấu độc trở thành yêu cầu cấp thiết đối với mỗi giảng viên giúp họ phải rèn luyện khả năng tư duy phê phán sắc bén, luôn giữ tinh thần cảnh giác cao độ, và không ngừng nâng cao trình độ lý luận để có thể đối phó hiệu quả với mọi thủ đoạn tinh vi của kẻ thù. Ngoài ra, khi phát hiện trang thông tin điện tử cá nhân của mình, hoặc của người thân, đồng nghiệp có dấu hiệu bất thường, bị mất kiểm soát, bị giả mạo, bị lợi dụng cho mục đích xấu, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải dừng ngay hoạt động, kịp thời thông báo cho cấp ủy, cơ quan chức năng và nhà cung cấp dịch vụ để có hướng khắc phục sớm.

Sứ mệnh bảo vệ và phát huy thành quả Cách mạng Tháng Tám đòi hỏi ở mỗi giảng viên đặc biệt trực tiếp là giảng viên giảng dạy môn Lịch sử Đảng không chỉ là kiến thức tốt, mà còn là tình cảm sâu sắc đối với Tổ quốc, với Nhân dân. Giảng viên phải luôn giữ vững niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ, Nhân dân ta  đã lựa chọn, đồng thời có khả năng truyền niềm tin ấy cho các thế hệ học viên.


[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 2011,tập 5, tr.218.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.26.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, tr.25.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số