Tin mới nhất

Bình Thuận với kết quả thực hiện công tác an sinh xã hội (giai đoạn 2020-2023)

Thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, trong những năm qua, các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Bình Thuận đã luôn quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được chăm lo ngày một tốt hơn với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Một số kết quả

Thứ nhất, thực hiện chính sách bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Hệ thống các cơ sở y tế không ngừng được quan tâm, đầu tư phát triển góp phần quan trọng vào việc chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của người dân. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90%; 100% trạm y tế xã, phường có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi, tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, nhất là các đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ em và người già. Mạng lưới y tế khám, chữa bệnh và mạng lưới y tế dự phòng phân bố ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản đối với các tầng lớp Nhân dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập ngày càng được đầu tư, nâng cấp, hiện đại hoá đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn. Đội ngũ cán bộ y tế có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác khám chữa bệnh và dự phòng, nhất là phòng chống dịch bệnh Covid 19 và các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Phân bổ đất đai và tổ chức không gian các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tương đối phù hợp theo quy định hiện nay.

Bảng: Tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2014 - 2023.

 Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Thứ hai, nâng cao chất lượng giáo dục.

Giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Bình Thuận từng bước phát triển và cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của thanh thiếu niên, trẻ em và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Giáo dục cho học sinh người dân tộc và giáo dục chuyên biệt cho học sinh khuyết tật được quan tâm, đầu tư. Giáo dục thường xuyên từng bước phát triển toàn diện và vững chắc cả về quy mô và chất lượng đáp ứng tốt hơn yêu cầu giáo dục - đào tạo và nhu cầu học tập thường xuyên và liên tục của Nhân dân. Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được đẩy mạnh và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, đặc biệt là phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp học có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tăng lên. Đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập). Nhìn chung, hệ thống GDNN đang từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế của tỉnh như du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, các ngành kinh tế biển…

Thứ ba, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025: Cuối năm 2022, Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 4,27%  (tương ứng 14.355 hộ), giảm 639 hộ so với số hộ cận nghèo đầu năm (14.994 hộ), giảm 0,22% so với tỷ lệ hộ cận nghèo đầu năm (4,49%); trong đó, số hộ cận nghèo DTTS là 3.341 hộ, chiếm 12,86%, so với tổng số hộ DTTS, giảm 167 hộ so với hộ cận nghèo DTTS đầu năm (3.508 hộ) và chiếm 23,27% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh. Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,96% (tương ứng 6.621 hộ), giảm 2.038 hộ so với tổng số hộ nghèo đầu năm (8.659 hộ), giảm 0,62% so với tỷ lệ hộ nghèo đầu năm (2,58%); trong đó, số hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) là 2.037 hộ, chiếm 7,73% so với tổng số hộ DTTS và chiếm 30,77% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, giảm 764 hộ so với tổng số hộ nghèo DTTS đầu năm (2.801 hộ). Ước đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,54% (tương ứng 5.210 hộ), hộ cận nghèo là 2,97% (tương ứng 9.995 hộ) đạt kế hoạch hàng năm chỉ tiêu giao trong giai đoạn 2022-2025.  

Thứ tư, công tác bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh.

Bảng: Số lượng dối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2020 - 2023

Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Các đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội ngày càng tăng, đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng chính sách trợ giúp xã hội và được cấp thẻ BHYT theo quy định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có tất cả 15 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập (trong đó: 01 cơ sở công lập, 14 cơ sở ngoài công lập), tổng số đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội là 932 người (trong đó cơ sở công lập: 228 người, ngoài công lập: 704 người). Các cơ sở bảo trợ xã hội tổ chức thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng, ngày càng nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và quản lý đối tượng cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhờ vậy nhiều trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người cao tuổi không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng…có điều kiện được chăm sóc tốt hơn và thể chất lẫn tinh thần, dần ổn định cuộc sống, có thể hòa nhập công đồng, nhiều trẻ khiếm thị, khuyết tật có điều kiện học văn hóa, học nghề; góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình và xã hội, chung tay góp sức với Nhà nước trong công cuộc trợ giúp những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thứ năm, thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa; các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng.

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có trên 2.800 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đến nay có 37 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, có hơn 1.000 cha, mẹ liệt sỹ già yếu, neo đơn, con liệt sỹ khuyết tật, mồ côi,... đã được gần 200 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc, với khoản trợ cấp hàng tháng từ 300.000 đồng đến 800.000 đồng. Tỉnh triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi cho từng đối tượng được hưởng theo quy định; chế độ tham quan, điều dưỡng, chế độ trợ cấp ưu đãi giáo dục cho con của người có công với cách mạng đang theo học, cấp BHYT,… đã được các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm đúng mức[1]. Bên cạnh đó, các phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã được duy trì thường xuyên và tiếp tục phát triển như: phong trào đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, phong trào xây tặng nhà tình nghĩa, phong trào nhận phụng dưỡng, đỡ đầu đã được các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong tỉnh hưởng ứng tích cực[2]..

Thứ sáu, công tác lao động, việc làm và đào tạo nghề được đẩy mạnh.


Bảng: Số lao động được giải quyết việc làm tỉnh Bình Thuận từ năm 2021 - 2023

Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Trong 03 năm qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai đẩy mạnh kết nối thị trường lao động nhằm giải quyết việc làm cho người lao động bị mất việc làm, không tìm được làm việc do chưa tìm được công việc phù hợp. Đồng thời, thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội đã thu hút được nhiều lao động, khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy sản xuất phát triển tạo nhiều việc làm mới trên các lĩnh vực. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm được thu hồi và giải ngân kịp thời, nhiều dự án đi vào hoạt động đã tạo nhiều chỗ làm việc mới cho người lao động; đồng thời, tập trung ưu tiên vốn vay cho các đối tượng thanh niên nông thôn vay khởi nghiệp, các trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh giải quyết nhiều chỗ làm việc cho thanh niên. Triển khai công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, lựa chọn những doanh nghiệp có uy tín, chất lượng và có các đơn hàng làm việc tại các nước có thu nhập cao để triển khai tuyển chọn lao động. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài phần lớn là những nước có thu nhập khá, ổn định và có điều kiện làm việc trong môi trường công nghệ tiên tiến, an toàn, có cơ hội nâng cao trình độ tay nghề tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Hàng năm, tỉnh Bình Thuận xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn; tổ chức các lớp tập huấn triển khai đúc kết các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Phát huy hiệu quả, nhân rộng một số mô hình dạy nghề đang triển khai thực hiện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 01 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập từng bước được hoàn thiện theo hướng tăng cường năng lực, chất lượng đào tạo nghề; các loại hình đào tạo khá đa dạng, chú trọng công tác phân luồng đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập tiếp tục vận dụng và phát huy hiệu quả cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước để đầu tư, phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập theo quy định.


Bảng: Số liệu lao động tỉnh Bình Thuận được đào tạo nghề từ năm 2021 – 2023

Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Bên cạnh đó, với mục đích nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ tay nghề. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để đào tạo nghề đáp ứng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở đào tạo nghề đã có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, nhất là lao động nông thôn, phụ nữ, người khuyết tật. Số lao động qua đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa số được các doanh nghiệp tuyển dụng hoặc tự tạo việc làm.

Những bất cập, tồn tại, khó khăn, hạn chế 

Một là, địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số phân tán rộng, trên 50% số hộ sinh sống ở miền núi, xa trung tâm, điều kiện tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu còn khó khăn; việc thực hiện lồng ghép các chương trình, huy động các nguồn lực đầu tư để giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Hai là, một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo đối với việc phát triển các chính sách xã hội ở địa phương, công tác triển khai thực hiện còn mang tính hình thức, việc theo dõi, nắm bắt hình thực hiện Chương trình hành động, Nghị quyết của Đảng về các chính sách xã hội, phục vụ người dân còn chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động để người dân tiếp cận, nắm bắt chính sách, vấn đề xã hội có lúc, có nơi chưa được thực hiện thường xuyên, sâu rộng.

Ba là, so với mặt bằng chung của tỉnh, kinh tế - xã hội, đời sống của đồng bào DTTS&MN còn nhiều khó khăn, tập quán sản xuất còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, nguy cơ tái nghèo dễ xảy ra; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững.

Bốn là, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm chưa thực sự phát huy hiệu quả; số lao động được giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn vay giải quyết việc làm, đa số là lao động phổ thông, tập trung vào các ngành nghề chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả...; tình trạng lao động là người dân tộc thiểu số thiếu việc làm hoặc có việc làm không ổn định còn nhiều; công tác hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn bị động, thu nhập của người lao động còn thấp; còn thiếu môi trường để người lao động phát huy kỹ năng, kiến thức đã được đào tạo vào thực tiễn công việc.

Năm là, nguồn lực cho an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, với diện bao phủ và mức hỗ trợ còn thấp[3]. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, hoạt động công tác xã hội, từ thiện của các tổ chức, cá nhân…; chưa chủ động, nỗ lực vươn lên trong sản xuất, cải thiện đời sống.

Một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác chính sách xã hội tại tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thứ nhất, thực hiện  tốt công tác tuyên truyền tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy và các văn bản liên quan đến các chính an sinh xã hội trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo và thực hiện.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền địa phương các cấp và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện các chương trình, chính sách đối với người có công, người DTTS và bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ tư, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ, đơn giản và hiệu quả; vừa hỗ trợ, vừa khuyến khích các đối tượng thụ hưởng nỗ lực vươn lên, khắc phục sự ỷ lại vào Nhà nước. Thống nhất đầu mối quản lý các chương trình, chính sách theo hướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương chỉ quản lý mục tiêu, hỗ trợ nguồn lực, hướng dẫn thực hiện, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, phổ biến điển hình.

Thứ năm, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp, tránh dàn trải. Các chính sách cần bảo đảm tính liên kết, liên thông tốt, như chính sách tín dụng gắn với tạo việc làm, dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm… Tăng cường thực hiện cơ chế xã hội hóa và sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, qua đó huy động cao nhất các nguồn lực cho giảm nghèo, an sinh xã hội.

Thứ sáu, thực hiện các giải pháp đồng bộ, tạo điều kiện cho mọi người dân tiếp cận dịch vụ y tế, khám, chữa bệnh ở tuyến trung ương thông qua chính sách BHYT. Xây dựng và thực hiện chiến lược về phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, nâng cao sức khỏe, tầm vóc thanh, thiếu niên./.

Nguyễn Lê Thảo Ngân

Khoa NN&PL

 


[1]Trong hơn 03 năm qua ( 2021-2023) đã tổ chức đưa gần 2.500 lượt người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ đi điều dưỡng tập trung và trên 6.000 lượt điều dưỡng tại gia đình. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đã trích từ ngân sách tỉnh tổ chức cho gần 500 người có công với cách mạng đang sinh sống trên địa bàn tỉnh đi tham quan miền Bắc, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng nguyện vọng và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người có công với cách mạng.

[2] Trong 03 năm (2021 – 2023) vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 29.034,746 triệu đồng[2], từ nguồn Quỹ đền ơn đáp nghĩa đã tập trung hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp 47 công trình ghi công liệt sỹ và hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 222 căn nhà đối với gia đình NCCCM và thân nhân đang gặp khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí 14.200,1 triệu đồng[2].

[3] Mức chuẩn trợ giúp xã hội từ ngày 01/7/2021 là 360.000 đồng, trong khi giá cả thị trường ngày một tăng nên mức sống của các đối tượng bảo trợ xã hội còn khó khăn chưa bảo đảm mức tối thiểu chung.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số