Tin mới nhất

Giải pháp nâng cao hiệu quả việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào bài giảng của chương trình trung cấp lý luận chính trị

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động không ngừng dùng những chiêu trò, thù đoạn thâm hiểm khác nhau để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, cần phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ sống còn của Đảng và hệ thống chính trị. Bài viết đưa ra thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào bài giảng của chương trình trung cấp lý luận chính trị.

Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (viết tắt là Nghị quyết số 35), khẳng định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”[1]. Nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay được xác định là Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đây là lý luận soi đường cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa, văn minh của nhân loại, nắm bắt quy luật khách quan, xu thế thời đại, thực tiễn của đất nước, từ đó đề ra Cương lĩnh chính trị và đường lối cách mạng đúng đắn cho đất nước, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân.

Trong công cuộc đổi mới, các thế lực thù địch không ngừng chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta, nguy hiểm nhất là những âm mưu, hành động thâm độc của chúng nhằm làm cho Nhân dân từng bước suy giảm niềm tin và dần dần mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước ta. Để gieo rắc sự hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, hòng hướng tới phủ nhận, xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, các thế lực thù địch, phản động đã “dẫn dụ” bằng những chiêu trò, đưa ra những luận điệu rất thâm độc như: 1) Đưa ra những “lý luận” xuyên tạc rằng việc kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chẳng qua là ý muốn chủ quan duy ý chí, là một cách “chỉ để giữ đặc quyền” và “không đem lại lợi ích cho toàn dân Việt Nam”(!?). 2) Xuyên tạc rằng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là “vật cản” đối với sự phát triển đất nước(!?). 3) Ngụy tạo rằng Đảng cộng sản Việt Nam đang có sự “Khủng hoảng lý luận” bởi “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin giúp cải cách thế nào trong bối cảnh kinh tế thị trường? những nội dung cốt lõi trong nền tảng tư tưởng của Đảng là chỉ để phục vụ cho Đảng và không đề cập đến các vấn đề trọng đại của quốc gia(!?). 4) Cổ xuý và bịa đặt rằng “Khi lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, Việt Nam sớm muộn gì cũng sẽ sụp đổ như Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu”(!?)…”[2]. Đây là những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động đang âm thầm từng bước len lỏi, “bám rễ” vào đời sống xã hội của Nhân dân và đã gây ra không ít những hệ lụy nguy hiểm. Thời gian qua, mặc dù thủ đoạn thực hiện chống phá nền tảng tư tưởng của các thế lực thù địch, phản động tuy có khác nhau nhưng mục tiêu cuối cùng của họ vẫn là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, “phi chính trị hóa”, vô hiệu hóa quân đội, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.

Để công tác đào tạo lý luận chính trị của Đảng ta đang thực hiện trong hệ thống trường chính trị tỉnh, thành phố đáp ứng được yêu cầu cấp thiết trong tình hình mới, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG ngày 21/01/2021 của về Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị), chương trình có 05 phần học cơ bản[3] thay thế cho Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính[4]. Nội dung chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị hướng đến rèn luyện năng lực vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực hiện thắng lợi những mục tiêu chiến lược của đất nước trong công cuộc đổi mới. Nội dung chương trình này thống nhất với yêu cầu của Nghị quyết số 35, đó là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nội dung cơ bản và sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nước ta.

Việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào bài giảng của chương trình đào tạo trung cấp LLCT trong hệ thống trường chính trị tỉnh nói chung và Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận nói riêng là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Vì thông qua từng bài học, giảng viên đã giúp cho học viên nhận thức đúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nhận thức đúng về tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện đặc thù của Việt Nam; nhận định đúng mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự thống nhất ở tính khoa học, cách mạng và nhân văn cả trong lý luận và thực tiễn; nhận thức đúng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng ta; nhận thức đúng về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên toàn diện các lĩnh... Tất cả quan điểm đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đều nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Qua đó, học viên sẽ có niềm tin vào Đảng và quyết tâm trong tuyên truyền, phổ biến, triển khai điểm đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời huy động Nhân dân cùng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số giảng viên giảng dạy lý luận chính trị còn có một số hạn chế cần khắc phục: Một số giảng viên am hiểu thực tiễn chưa nhiều; khả năng phân tích, luận giải vấn đề chưa thật sự thuyết phục; chưa nắm được hết những thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời sự chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và trong cả nước; việc chọn lọc nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho phù hợp để lồng ghép vào bài giảng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những giảng viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy lý luận chính trị.

 Nguyên nhân của hạn chế: Trong tổng kết thực hiện Nghị quyết số 35, giảng viên khó có thể tiếp cận những văn bản (mật) của Tỉnh uỷ về kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, hầu hết chỉ được tiếp cận qua thông tin, báo cáo, quán triệt trong các buổi sinh hoạt. Do vậy, đây là khó khăn lớn đối với giảng viên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; trình độ nhận thức của học viên không đồng đều về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Còn nhiều học viên chưa hiểu rõ về Nghị quyết số 35 nên còn ngại khi tham gia phát biểu ý kiến, sợ sai quan điểm.

Để thực hiện tốt hơn việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch vào bài giảng của chương trình trung cấp lý luận chính trị cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, Ban Giám hiệu trường tạo điều kiện cho tất cả giảng viên thường xuyên tham gia bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch do Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức nhằm trang bị cho giảng viên cơ sở lý luận và thực tiễn để tham gia tích cực hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Hai là, chi ủy, lãnh đạo các phòng, khoa của trường phải thường xuyên nắm bắt tình hình thực tiễn để lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào sinh hoạt thường kỳ của chi bộ và phải phù hợp với đặc điểm của chi bộ, nhất là Chi bộ Giảng viên; chi ủy thường xuyên kiểm tra giảng viên thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời biểu dương giảng viên thực hiện tốt việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Ba là, bản thân mỗi giảng viên cần phải tự mình xác định rõ ý thức, trách nhiệm của mình trong việc tích hợp nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào từng bài học của chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị khi đã được phân công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài. Tùy vào góc độ nội dung của bài giảng trong chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị để chọn lọc nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và lồng ghép cho phù hợp, tránh tình trạng xa rời thực tiễn, bám không sát tình hình của thế giới, không nắm được những thành tựu nổi bật đất nước trong giảng dạy. Nâng cao năng lực giảng dạy lý luận chính trị thì giảng viên phải không ngừng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị. Đồng thời, giảng viên cần phải cập nhật kiến thức mới, lựa chọn thông tin mang tính thời sự, kết hợp lồng ghép nội dung của nghị quyết, chỉ thị, văn bản… vào bài giảng, để minh chứng và chỉ ra những luận điểm bị các thế lực thù địch, phản động đã xuyên tạc để đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng./.


 

1] Bộ Chính trị (khóa XII): Nghị quyết số 35-NQ/TW Ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

[2] TS. Bùi Tiến Sỹ: Để nền tảng tư tưởng của Đảng trở thành niềm tin, lẽ sống, Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, Truy cập ngày 30/9/1014, https://s.net.vn/GdVb.

[3] Nội dung cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Lịch sử Đảng và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Quản lý hành chính nhà nước và kỹ năng lãnh đạo, quản lý; Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương (hoặc ngành) và kiến thức bổ trợ.

[4] Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành: Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2014 về Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; Quyết định số 3136/QĐ-HVCTQG ngày 14/7/2016 về điều chỉnh chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hướng tăng giờ thảo luận trên lớp; Quyết định số 8008-QĐ/HVCTQG ngày 24/12/2018 về điều chỉnh chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số