Tin mới nhất

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC SINH HOẠT ĐẢNG

  • /
  • 23.12.2013 - 15:40

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vị đại. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển những nguyên lý về xây dựng Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vị đại. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển những nguyên lý về xây dựng Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt nam. Theo suy nghĩ của bản thân, để nâng cao chất lượng công tác sinh hoạt Đảng, cần tập trung thực hiện tốt 3 nguyên tắc cơ bản là: Nguyên tắc tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình và nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Thứ nhất: Nguyên tắc tập trung dân chủ.

Đây là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong tổ chức và sinh hoạt Đảng. Phải thực hiện tốt quy chế dân chủ trong đơn vị nhằm phát huy trí tuệ và sự sáng tạo của quần chúng nhân dân và của cán bộ, đảng viên. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ yêu cầu phải thực hiện đúng chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức, cấp dưới phục tùng cấp trên. Để có tập trung triệt để, trước hết phải dân chủ triệt để. Nghĩa là phải mở rộng dân chủ và thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật.

Thứ hai: Nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Theo quan điểm giải thích của Bác Hồ: “Phê bình là nêu ưu điểm, vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm, vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm” (1). Để đạt được mục đích ấy, đòi hỏi cần có một phương pháp đúng, có thái độ thẳng thắn, có lý có tình và trên tình thương  yêu con người, thương yêu giai cấp.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, có thái độ đúng với người có khuyết điểm, thiếu sót và tìm ra phương pháp phê bình thích hợp là vấn đề  có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao hiệu quả của tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Thứ ba: Nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Đoàn kết trong Đảng là truyền thống quý báu, là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta. Trong bản di chúc lịch sử, Bác đã căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Cần kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cục bộ bản vị, địa phương chủ nghĩa; chống mọi biểu hiện bè phái trong Đảng và các hiện tượng tiêu cực khác. Nghiêm cấm việc trù dập người phê bình và việc lợi dụng phê bình để đả kích cá nhân, vu cáo, chia rẽ nội bộ.

Thực tế trong thời gian vừa qua, nhiều cấp ủy, chi bộ chưa thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng, còn buông lỏng công tác quản lý đảng viên; nội dung sinh hoạt chưa phong phú, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình chưa cao. Để học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, cán bộ đảng viên và cấp ủy đảng cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Trong sinh hoạt, thực hiện tự phê bình và phê bình phải thực sự dân chủ, đảm bảo công khai, khách quan, trung thực, thẳng thắn, có lý có tình và có tổ chức, nhưng phải thực hiện đúng nguyên tắc. Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện nể nang, né tránh, cấp dưới không dám phê bình cấp trên, lợi dụng sinh hoạt chi bộ để phê phán, làm mất đoàn kết nội bộ.

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải nghiêm khắc tự phê bình, cấp trên phải gương mẫu phê bình trước cấp dưới, cấp dưới phải mạnh dạn phê bình cấp trên, tổ chức đảng và đảng viên phải lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng. Đặc biệt là đối với cấp ủy đảng, trong sinh hoạt phải tạo không khí dân chủ, cởi mở nhưng phải đảm bảo nghiêm túc. Luôn phát huy tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất nội bộ; nói và làm theo nghị quyết của Đảng, thường xuyên tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm để phát huy ưu điểm và kịp thời sửa chữa khuyết điểm.

Cần đảm bảo dân chủ trong thảo luận, mọi đảng viên đều được thẳng thắn trình bày những suy nghĩ và chính kiến của mình một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Chi bộ thường xuyên kết hợp công tác quản lý với công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ đảng viên trong mọi lĩnh vực công tác, sinh hoạt và học tập. Khi phát hiện đảng viên vi phạm kỷ luật, chi bộ cần có biện pháp xử lý kịp thời và kiên quyết, không né tránh, đảm bảo công khai trước tổ chức và nhân dân. Có thể nói, một số nội dung trên là cơ bản, thiết thực góp phần giữ nghiêm kỷ luật Đảng ở chi bộ trong tình hình hiện nay.

Để đạt kết quả cao theo mục tiêu đề ra, việc thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng có ý nghĩa thiết thực nhất, đòi hỏi các tổ chức cơ sở đảng và mỗi đảng viên phải giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng, thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Đồng thời kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và mọi biểu hiện bè phái trong Đảng. Giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng là trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của các tổ chức đảng, của cán bộ đảng viên từ Trung ương đến địa phương như giữ gìn con ngươi của mắt mình như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

                                                      Vũ Đình Huýnh

                                                                        Phòng NCKH - TT - TL

 


(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà nội năm 2000, tr500.

 


  • |
  • 1093
  • |

Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số