Quyết tâm chính trị về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền

Xác định vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng trong mọi thời kỳ, nhất là trong điều kiện mới; đồng thời, để xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng tham gia vào cấp ủy các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này như Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị, Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Tại Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21/01/2019 về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, Ban Bí thư nhận định công tác kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đảng viên thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác kết nạp đảng viên có biểu hiện chay theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng; việc kết nạp người chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, người có động cơ không đúng đắn vào Đảng còn diễn ra ở nhiều nơi. Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện, đánh giá chất lượng đảng viên còn hình thức. Một bộ phận đảng viên thiếu gương mẫu, bản lĩnh, bị cám dỗ bởi lợi ích cá nhân, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng đảng viên và công tác kết nạp đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần nâng cao nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có trách nhiệm cao với công việc, gắn bó với nhân dân. Phải chấn chỉnh công tác kết nạp đảng viên, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng. Đảng viên mới được kết nạp phải thực sự là quần chúng ưu tú, có phẩm chất chính trị tốt, có nhận thức đúng và đầy đủ về Đảng, có động cơ phấn đấu đúng đắn. Thực hiện nghiêm túc quy định về thẩm tra lý lịch và lấy ý kiến nhận xét của tổ chức chính trị -xã hội đối với người được xem xét kết nạp vào Đảng. Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục đảng viên (quản lý hồ sơ, quản lý hoạt động, quản lý tư tưởng). Thực hiện nghiêm việc rà soát, sàng lọc đảng viên; kiên quyết kịp thời đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách. Đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, tính chiến đấu, tự phê bình, phê bình và nâng cao trách nhiệm đảng viên trong sinh hoạt chi bộ; khắc phục tình trạng dễ dãi, nể nang, né tránh trong công tác đánh giá, phân loại đảng viên hàng năm.  

Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng yêu cầu công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025 phải đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ mà trực tiếp là Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy. Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, dân chủ, khách quan, minh bạch; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo cơ quan Nhà nước các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị -xã hội. Việc đánh giá cán bộ phải chặt chẽ và thực chất, trên cơ sở đánh giá của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, đặc biệt coi trọng phẩm chất, uy tín, kết quả cụ thể. Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân.

Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Có thể nói đây là văn bản đầu tiên của Đảng xác định, chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền và hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức chạy quyền cùng các quy định về xử lý các vi phạm này –hiện tượng thường thấy khi chuẩn bị công tác nhân sự cho đại hội Đảng các cấp. Đây là quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp thực sự đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để có thể đảm nhận nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp những người không đảm bảo yêu cầu.

Quy định 205-QĐ/TW nêu rõ nhiệm vụ đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị phải thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của mình trong công tác cán bộ; phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực đến cấp có thẩm quyền những nội dung có liên quan đến nhân sự mà cá nhân được phân công theo dõi, quản lý. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện, việc làm trái với các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ; chịu trách nhiệm cá nhân trong việc đề xuất nhân sự và trong việc nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ có liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền phụ trách. Nghiêm cấm các hành vi cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ; xen ghép ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật nhằm vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình tham mưu thực hiện quy trình công tác cán bộ; để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ; gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.

Hành vi chạy chức, chạy quyền được xác định rõ trong Quy định 205 như (1.) Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. (2.) Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi. (3.) Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, "cánh hẩu" vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người. (4.) Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình. (5.) Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. (6.) Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền được chỉ rõ (1.) Biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thỏa hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. (2.) Không xử lý theo thẩm quyền quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền. (3.) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình. (4.) Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân. (5.) Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ. (6.) Trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi không chính đáng.…

Quy định 205-QĐ/TW cũng nêu rõ việc xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền rất nghiêm khắc. Theo đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu là cán bộ đang công tác tùy theo hình thức bị kỷ luật còn bị áp dụng các biện pháp xử lý tùy theo mức độ sai phạm với các hình thức kỷ luật tương ứng như khiển trách, cảnh cáo, khai trừ hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.

Có thể khẳng định với việc ban hành các văn bản về công tác cán bộ nói chung, việc nâng cao chất lượng đảng viên, sàng lọc đảng viên và chuẩn bị công tác nhân sự cho đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một việc rất cần thiết trong tình hình hiện nay nhằm chấn chỉnh công tác cán bộ - khâu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Hy vọng rằng việc triển khai các văn bản chỉ đạo này tại các tổ chức đảng nghiêm túc, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng vừa chuyên” để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.


Các tin khác