Một số chia sẻ về cách truyền tải nội dung “những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng” đến người học

Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng là nội dung quan trọng của triết học Mác - Lênin, đây là kiến thức nền tảng về bản chất của chủ nghĩa duy vật mác xít, là cơ sở để xây dựng nên thế giới quan khoa học và phương pháp luận của phép biện chứng trong hoạt động thực tiễn, cải biến xã hội. Do vậy, giảng viên cần lựa chọn phương pháp phù hợp để truyền tải nội dung một cách hiệu quả và sinh động.

Triết học Mác - Lênin là một trong ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng là nội dung quan trọng,  do vậy, giảng viên cần phải kết hợp sử dụng linh hoạt các bước lên lớp để truyền tải hết nội dung, làm cho bài giảng đạt hiệu quả cao.

Mục tiêu của phần học những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng là trang bị cho người học có kiến thức nền tảng về bản chất của chủ nghĩa duy vật mác xít, là cơ sở để xây dựng nên thế giới quan khoa học và phương pháp luận của phép biện chứng trong hoạt động thực tiễn, cải biến xã hội. Giảng viên có vai trò quan trọng trong hoạt động lý giải, làm rõ nội dung một cách logic, khoa học để người học nắm được cốt lõi của những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Tuy nhiên, đối với phần học này nếu chỉ dừng lại ở tính chất truyền đạt nội dung đơn thuần thì chưa đủ mà cần nắm vững, nắm chắc tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin để gắn với thực tiễn, giải đáp những vấn đề từ thực tiễn công tác mà học viên đảm nhiệm. Mặt khác, người giảng không nên sử dụng phương pháp truyền thụ một chiều trong khi trình độ của người học ngày càng cao thì sẽ không giúp học viên rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức lý luận để giải quyết các vấn đề của thực tiễn và hiệu quả của bài giảng sẽ không cao. Vì vậy, để truyền đạt nội dung “ Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng” đến  người học một cách hiệu quả, bản thân thiết nghĩ giảng viên nên thực hiện một số yêu cầu sau:

Thứ nhất,giảng viên phải tìm hiểu nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn của triết học Mác xít cũng như quán triệt nguyên tắc này trong việc phát triển tư duy lý luận. Trên cơ sở xác định nội dung chính của phần học là làm rõ những quy luật phổ biến nhất của sự tồn tại, vận động, phát triển trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Những nguyên lý, các quy luật và các cặp phạm trù là cách thể hiện nội dung của các quy luật đó. Nghiên cứu những nguyên lý, quy luật, phạm trù thì phải dựa trên nhiều khái niệm, do đó phần học có tính chất khái quát cao, trừu tượng cao.

Thứ hai, chúng ta phải kết hợp, lồng ghép và phân tích, đối chiếu những nội dung chính của phần học với những kiến thức trong lịch sử triết học. Điều đó có nghĩa là cần kết hợp sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp so sánh. Từ góc nhìn của lịch sử triết học về một vấn đề cụ thể của chủ nghĩa duy vật biện chứng để làm rõ cho người học hiểu trước triết học Mác các nhà triết học đã bàn về vấn đề đó như thế nào, có yếu tố tích cực và hạn chế chỗ nào. Kết hợp thuyết trình với trình chiếu và sử dụng viết bảng. Khác với những môn khoa học chuyên ngành khác, giảng dạy nội dung những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng vẫn cần sử dụng phương pháp thuyết trình một cách hiệu quả bên cạnh kết hợp những phương pháp khác bổ trợ.

Thứ ba, đối với mỗi nội dung cụ thể cần sử dụng những phương pháp cụ thể. Cách thức giảng dạy phạm trù khác với giảng dạy nguyên lý và cũng khác với thể hiện nội dung các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Khi giảng nội dung các cặp phạm trù cơ bản, bao giờ cũng đi từ làm rõ các khái niệm tiếp theo phân tích bản chất của cặp phạm trù, làm rõ mối quan hệ biện chứng của các nội dung cặp phạm trù và rút ra ý nghĩa phương pháp luận. Giảng viên triển khai nội dung các nguyên lý cơ bản của phép biện chứng thì giảng viên phải làm sáng tỏ khái niệm về nguyên lý  để giúp học viên hiểu được nguyên lý là gì? sau đó, mới đi vào làm sáng tỏ hai nguyên lý của phép biện chứng duy vật (nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển). Đối với ba quy luật của phép biện chứng duy vật, giảng viên cần nêu bật lên được vai trò của từng quy luật đối với quá trình vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng. Sau đó mới đi vào làm rõ các khái niệm, nội dung cơ bản của quy luật rồi mới đưa ra ý nghĩa phương pháp luận trong hoạt động nhận thức cũng như cải tạo hiện thực....

Thứ tư, giảng viên phải có cách thức lựa chọn dẫn chứng sát thực với đối tượng học nó sẽ làm tăng tính sinh động, hấp dẫn cho bài học. Và điều quan trọng là sẽ giúp học viên liên hệ được với quá trình nhận thức và giải quyết công việc của mình trong thực tiễn. Triết học là hệ thống những tri thức chung nhất, những tri thức chung ấy khi được thể hiện qua những ví dụ cụ thể sẽ là cách giúp người học tiếp cận nội dung tốt hơn.

Để có thể đem lại “sức sống” cho phần học những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung và những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng nói riêng trong bối cảnh mới của thế giới và đất nước thì “học hỏi” không bao giờ là đủ. Giảng viên phải không ngừng cập nhật, bổ sung và tích lũy kiến thức mới đồng thời hình thành cho mình phương pháp lên lớp hiệu quả để đạt được mục đích giảng dạy của mình sau mỗi giờ lên lớp, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường./.


Các tin khác