Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Trong giây phút thiêng liêng ấy, Bắc – Nam sum họp một nhà, non sông thu về một mối. Một chân lý tưởng chừng là tất yếu ấy nhưng dân tộc Việt Nam lại phải đánh đổi bằng xương máu, bằng sự gian khổ, hi sinh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Ngày 30/4/1975 trở thành mốc son lịch sử chói lọi của một dân tộc nhỏ bé, anh hùng, kiên cường đập tan âm mưu xâm lược, nô dịch của đế quốc Mỹ. Và cũng từ đó, ngày 30/4 hằng năm đã trở thành Ngày Hội thống nhất non sông của mỗi người dân Việt Nam.
Chúng tôi sinh ra trong hòa bình – độc lập. Thế hệ trẻ của chúng tôi không có những ngày khoác áo rơm đi học dưới hầm, trú bom trong ống cống, không phải ăn bo bo hay cơm độn sắn, độn ngô. Chúng tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc – Nam, không còn cảnh “một nhà chia đôi”. Chúng tôi biết đến chiến tranh qua những câu chuyện của ông, qua chiếc chân giả của chú, … Chúng tôi biết đến hòa bình qua những tấm bia mộ khắc dòng chữ “Chưa biết tên anh nhưng chiến công anh bất diệt”, qua những nghĩa trang nằm tựa mình bên dãy núi Trường Sơn, … Chỉ vậy thôi cũng đủ để mỗi người khi đứng dưới bóng cờ là con tim lại ngân lên tiếng ca “Đoàn quân Việt Nam đi”.
Ngày 30/4 đối với thế hệ trẻ sinh ra trong hòa bình còn là ngày của tự hào. Chúng tôi tự hào vì biết bao những tấm gương như chị Võ Thị Sáu, anh Lý Tự Trọng, hay như anh hùng Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, mười cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc hi sinh khi tuổi đời mười tám, đôi mươi và biết bao những người chiến sĩ đã không tiếc tuổi xuân, tình yêu, gia đình đi theo tiếng gọi của quê hương, đất nước với một tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Máu đào của bao lớp ông, cha đã nhuộm thắm màu cờ cho đời đời thế hệ mai sau được hưởng hạnh phúc, tự do. Vì vậy, mỗi khi đứng dưới lá cờ Tổ quốc, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng tôi không khỏi xúc động tự hào, hồi tưởng về quá khứ hào hùng của dân tộc.
Và hơn hết, ngày 30/4 còn là ngày để chúng tôi tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do, hạnh phúc của Nhân dân, tri ân những người thương binh đã để lại một phần cơ thể mình nơi chiến trường và những Mẹ Việt Nam Anh hùng đã dâng hiến cả cuộc đời mình với những người chồng, người con cho lý tưởng của Tổ quốc – đó là hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc. Càng trân trọng và tự hào bao nhiêu chúng tôi lại càng phải ý thức sâu sắc được những thành quả có được hôm nay phải đổi bằng xương máu và nước mắt, tận cùng của sự đau khổ và hi sinh.
Lịch sử thì không bao giờ có “nếu như, giá mà, giả sử,…”. Lịch sử chỉ có một kết quả duy nhất, đó chính là thảnh quả của những năm trường kỳ kháng chiến, nó được xây nên từ xương máu của biết bao thế hệ con dân đất Việt. Hòa bình – độc lập hôm nay là quyết tâm hi sinh xương máu của hàng triệu người con Việt Nam đổ xuống cho Tổ quốc hồi sinh. Suốt chặng đường 46 năm qua, các thế hệ người Việt Nam luôn nỗ lực cố gắng bảo vệ thành quả cách mạng mà các thế hệ ông, cha đi trước giành được; luôn miệt mài học tập, hăng say lao động, chinh phục tầm cao mới về khoa học, công nghệ,… với một khát vọng nâng tầm vị thế đất nước Việt Nam trên trường quốc tế, giữ gìn thành quả cho lớp lớp thế hệ mai sau. Cho đến nay, mỗi khi nhìn lại lịch sử ngày 30/4, mỗi người Việt Nam có quyền xúc động và tự hào về lớp lớp các thế hệ đã ngã xuống để giành giữ nền độc lập của dân tộc. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, thế hệ trẻ hôm nay cần nhận thức về sự phấn đấu và nỗ lực hơn nữa, xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước, là mùa xuân của dân tộc.
Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận luôn đặc biệt quan tâm tới việc tổ chức cho đội ngũ viên chức Nhà trường tìm hiểu về lịch sử dân tộc và có những hành động cụ thể, bày tỏ lòng biết ơn, sự thành kính đối với những người viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc. Hàng năm, Nhà trường tổ chức các hoạt động thiết thực như về nguồn tại các di tích lịch sử, viếng thăm các nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng,… Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc cũng như đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong đội ngũ viên chức, người lao động của Nhà trường.
Tháng Tư này, cả nước ngập tràn trong không khí hào hùng kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu cũng không khỏi bồi hồi, xúc động tri ân những anh hùng, liệt sĩ mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ; những người đã đóng góp, hi sinh một phần xương máu cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Những người trẻ được sinh ra trong hòa bình hôm nay, đã và đang lật từng trang sử hào hùng của dân tộc để từng ngày, từng giờ khẳng định mình, năng động, nhiệt huyết, sẵn sàng mang sức trẻ của mình đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước theo khát vọng hùng cường của dân tộc Việt Nam./.