Tin mới nhất

35 NĂM KỶ NIỆM VỀ CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC

Truyền thống hào hùng của dân tộc ta là lòng yêu nước nồng nàn, nó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, mỗi khi có giặc ngoại xâm thì tinh thần bất khuất trỗi dậy trong mỗi con người Việt Nam. Và truyền thống ấy phải được nhắc lại trong lịch sử để lớp lớp thế hệ trẻ học tập và nêu gương trong tương lai. Nhân kỷ niệm 35 năm về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (năm 1979), tác giả xin nhắc lại quá trình bảo vệ biên giới phía Bắc của toàn quân và dân ta chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.

35 năm đã qua đi, nhưng ký ức về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 vẫn luôn tồn tại trong lớp lớp người dân Việt Nam. Ai đã từng sinh ra trong thời kỳ đó chắc hẳn sẽ biết rất rõ, còn như những thế hệ trẻ sau này thì chỉ có thể biết đến qua các tài liệu, sách, báo…Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của toàn quân và dân ta, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc đã để lại cho thế hệ trẻ nhiều bài học, và bài học đắt giá nhất đó chính là bài học về sự thật lịch sử. Một lịch sử không thể quên đi, không thể phai nhòa được. Chúng ta không nhắc lại để kích động hận thù, thù hằn trong dân tộc, mà chúng ta nhắc lại ở đây chính là để cho con cháu, những thế hệ sau thấy rằng truyền thống của nhân dân, của dân tộc ta, quyết tâm đánh bại những cuộc xâm lăng của kẻ thù bên ngoài, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng cao quý, mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, còn cho thấy sự kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ đó chính là vừa xây dựng và vừa bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xin được nhắc lại rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có quan hệ truyền thống lâu đời, núi liền núi, sông liền sông, trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng lâu dài, những người cộng sản và nhân dân hai nước đã đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau. Từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945) và nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập (1/1/1949), Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước càng tăng cường tình hữu nghị và hợp tác nhiều mặt. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, “Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, đã vì tình nghĩa quốc tế vô sản, dành cho nhân dân ta sự ủng hộ và giúp đỡ toàn diện, to lớn và quý báu”*. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam biết ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ và giúp đỡ đó của đồng chí, bạn bè trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc.

Nhưng từ năm 1978, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc xấu đi rõ rệt. Trung Quốc cắt viện trợ, rút chuyên gia về nước. Ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc (chưa kể lực lượng dân công hỏa tuyến phục vụ), đã vô cớ tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc gồm các tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và Lai Châu), Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Chúng dùng chiến thuật biển lửa và biển người tiến vào lãnh thổ Việt Nam. Thực hiện nhiều hành động như giết chóc, đốt phá, dùng thuốc nổ phá sập bất cứ công trình từ công sở đến bưu điện, từ bệnh viện đến trường học, từ chợ đến cầu, lấy đi tất cả những gì có thể mang theo, từ xe đạp cho đến thanh ray tàu hỏa, những gì không mang được đều bị đập phá. Quân đội và nhân dân Việt Nam, trực tiếp là quân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã chiến đấu ngoan cường quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Những cuộc chiến đấu giằng co của quân dân ta với địch trên từng ngọn đồi, từng vách núi, tiêu diệt sinh lực địch, chiến đấu ngoan cường để bảo vệ chủ quyền đất nước. Hệ thống phòng thủ của Việt Nam dọc theo biên giới rất mạnh, với các hầm hào hang động tại các điểm cao dọc biên giới do lực lượng quân sự có trang bị và huấn luyện tốt trấn giữ đã làm cho quân Trung Quốc phải chịu thương vong lớn, buộc chúng phải tuyên bố rút quân vào ngày 5/3/1979. Mặc dù chúng tuyên bố rút quân nhưng vẫn gây ra những vụ thảm sát hết sức dã man, điển hình như ngày 9/3/1979 tại thôn Đổng Chúc, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, khi quân Trung Quốc đã dùng búa và dao giết 43 người, trong đó có 21 phụ nữ và 20 trẻ em (có 7 phụ nữ đang mang thai) rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc vứt hai bên bờ suối. Đến ngày 18/3/1979, quân đội Trung Quốc đã rút hết về nước .

Cuộc đấu tranh chính nghĩa nào cũng xuất hiện những con người quả cảm, những hành động yêu nước đáng tự hào, học tập. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cũng vậy. Có những con người, sự việc đã được biết tên nhưng cũng có những anh hùng khuyết danh, những hành động đáng quý âm thầm lẫn vào trong những thế hệ người Việt Nam yêu nước thời đó. Nổi lên như anh hùng liệt sĩ Nông Văn Giáp, Lê Đình Chinh, Nguyễn Vũ Tráng, Nguyễn Đình Thuần, Võ Đại Huệ, Nguyễn Văn Hiền…và nhiều anh hùng liệt sĩ khác đã ngã xuống. Các thế hệ không thể lãng quên bản chất và sự thật lịch sử, tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, qua đó để tôn vinh công lao, sự hy sinh to lớn của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu này.

Lịch sử đã qua thì cũng phải khép lại, bỏ qua đau thương và mất mát để cùng hướng đến tương lai tốt đẹp. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng quan trọng của nhau, núi sông liền một dải, văn hóa tương đồng, mối tình hữu nghị của nhân dân hai nước đời đời bền vững. Đây là cơ sở quan trọng để hai nước thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện. Hai nước Trung Quốc và Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chế độ xã hội, Đảng và Nhà nước tương đồng, đây là điểm chung lớn nhất của hai nước, là thế mạnh riêng biệt để phát triển quan hệ hai nước. Tình đoàn kết hữu nghị càng được gắn chặt hơn với phương châm 16 chữ vàng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Tình hữu nghị Trung - Việt là của cải quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Vì vậy, mỗi lớp thế hệ trẻ hôm nay, mai sau phải tích cực hơn nữa, năng động sáng tạo hơn nữa để tăng cường mối quan hệ, tình hữu nghị và hợp tác truyền thống Trung - Việt./.

 

 


* Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2004, t.37, tr.476. 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số