Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng

Trong không khí cả nước đang hướng đến kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), đây là ngày Lễ kỷ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tri ân tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập dân tộc.

Qua đó tuyên truyền, giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau về lòng biết ơn đối với những người có công với cách mạng, thấm nhuần sâu sắc đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện lời dạy ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”[1].

Trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sự đóng góp to lớn, sự hy sinh cao cả của thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng. Người là một tấm gương sáng tiêu biểu thể hiện tấm lòng biết ơn các thương binh, liệt sỹ và gia đình có công với cách mạng. Chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đây là một vấn đề chính trị - xã hội của quốc gia, dân tộc. Điều đó thể hiện đạo lý và truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.

Lời căn dặn của Bác được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn quan tâm và dành những tình cảm, trách nhiệm để chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công bằng những chính sách cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta chỉ rõ phải: thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, gia đình có công với cách mạng.... Đại hội VII, VIII của Đảng tiếp tục khẳng định: Quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng, coi đó vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân; sớm ban hành chế độ toàn dân đóng góp vào quỹ đền ơn, trả nghĩa để chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng… Tổ chức tốt việc thi hành Pháp lệnh về người có công, bảo đảm cho những người có công với đất nước và cách mạng có đời sống vật chất và tinh thần ít nhất bằng mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; bồi dưỡng và tạo điều kiện cho con em những người có công với cách mạng tiếp nối sự nghiệp của cha anh. Mở rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ....

Tại Đại hội IX, Đảng khẳng định: “Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp ba nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên”[2]. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến...”[3]. Đến Đại hội XII, Đảng ta yêu cầu: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân”[4]. Đồng thời tiếp tục: “Huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”[5]; “Tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội…”[6]

Thực hiện chủ trương của Đảng, các địa phương, đơn vị trong cả nước khắc phục những khó khăn, bất cập, khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh việc tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ; thúc đẩy phong trào đền ơn đáp nghĩa, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Chỉ thị số 368-CT/QUTW, ngày 12/6/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường bám sát cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề cần giải quyết trong thực hiện chính sách. 

Đối với tỉnh Bình Thuận, việc giải quyết các chế độ, chính sách đối với các đối tượng có công được đầy đủ, kịp thời. Toàn tỉnh có hơn 33 mẹ được nhận tiền truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và đến nay 72 Mẹ còn sống đều được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng đến cuối đời; trợ cấp tiền thờ cúng liệt sĩ cho 10.536 người thờ cúng liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng; chi trả một lần cho 16 người tham gia kháng chiến được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh được, chi trả trợ cấp thường xuyên 11.000 người/01 tháng, được điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho hơn 5.000 người có công.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà và tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân Ngày Thương binh liệt sỹ, dịp lễ, tết. Công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã có nhiều chuyển biến tích cực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Để công tác đền ơn, đáp nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cùng quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phấn đấu đến năm 2020, toàn bộ hộ người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Người có công được chăm sóc sức khỏe và được hỗ trợ cải thiện nhà ở khi có khó khăn. Thân nhân, con của người có công được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tạo điều kiện tốt nhất để các cá nhân, đơn vị sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh hoạt động có hiệu quả, hội nhập vào tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Cùng với đó, việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực…Ðền ơn, đáp nghĩa, tri ân người có công còn góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập ngày càng mạnh mẽ, đưa đất nước phát triển. Ðó cũng là cách củng cố niềm tin, bảo vệ lý tưởng cách mạng mà bao thế hệ người Việt Nam, những Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công đã trọn đời phấn đấu, hy sinh./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 372.

[2] Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001, tr. 301.

[3] Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr.229.

[4] Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2016, tr. 31.

[5] Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 136.

[6] Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 137.


Các tin khác