Chương trình sức khỏe Việt Nam và 6 giải pháp cần phải thực hiện

Ngày 20/02/2019, tại sự kiện khai mạc “Những ngày phim Y tế Việt Nam 2019”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đại biểu đã thực hiện bài tập thể dục giữa giờ kéo dài hơn 3 phút với mục đích nhằm tuyên truyền ý thức nâng cao sức khỏe cũng như chuẩn bị cho Chương trình sức khỏe Việt Nam.

Chương trình Sức khỏe Việt Nam là sáng kiến mới của ngành y tế, kêu gọi người dân rèn luyện và giữ gìn sức khỏe thông qua dự phòng và sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018, ngày 27/02/2019 Bộ Y tế tổ chức buổi lễ phát động chương trình. Chương trình Sức khỏe Việt Nam với mục tiêu chính là bảo vệ và tăng cường sức khỏe người dân trong đó có 6 giải pháp quan trọng cần thực hiện.

Với quan điểm Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội, là mục tiêu của phát triển bền vững đồng thời cũng là nhân tố quyết định để đạt được sự phát triển bền vững ở Việt Nam; Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổquốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt. Chương trình Sức khỏe Việt Nam với mục tiêu chung là xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người VN và 3 mục tiêu cụ thể là: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân; Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng; Thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Chương trình được triển khai trên quy mô toàn quốc. Từ năm 2031 trở đi, căn cứ thực trạng, nhu cầu và kết quả thực hiện của chương trình đã triển khai để xác định mục tiêu và các lĩnh vực ưu tiên tiếp theo của chương trình Sức khỏe VN.

Theo Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018 được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt về Chương trình sức khỏe Việt Nam, các giải pháp được nhấn mạnh đó là:

Thứ nhất, giải pháp về quản lý chỉ đạo, thực thi chính sách và phối hợp liên ngành

 Đó là, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp để tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Các cấp chính quyền chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện, đưa vào chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và ưu tiên phân bổ kinh phí hằng năm để đạt được các mục tiêu sức khỏe ở từng địa phương trên cơ sở các mục tiêu sức khỏe của quốc gia.

Tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương để phối hợp triển khai thực hiện các chính sách, hoạt động của Chương trình Sức khỏe Việt Nam thuộc phạm vi do ngành, lĩnh vực phụ trách.

Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội khác theo quy định, bảo đảm sự phối hợp và kết nối hiệu quả giữa ngành lao động - thương binh và xã hội và ngành y tế.

Hoàn thiện, thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ, thúc đẩy các yếu tố tăng cường sức khỏe và phòng, chống bệnh tật

Thứ hai, giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ

Trong giải pháp này chú trọng chuyên môn về việc: Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực cho người dân, chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh, phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống tác hại của sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe người dân tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe người lao động.

Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến việc ban hành các khuyến nghị, hướng dẫn cho cộng đồng về nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh tật phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt tài liệu cho trẻ em, học sinh, người lao động và người cao tuổi. Cung cấp tài liệu chuyên môn kỹ thuật, nâng cao năng lực cho mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở để sàng lọc; tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng và vận động thể lực; cai nghiện thuốc lá, rượu, bia; hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, người lao động và người cao tuổi; Đảm bảo sự tương thích, lồng ghép hài hòa các giải pháp chuyên môn kỹ thuật của các chương trình, dự án, đề án hiện có của ngành y tế và các ngành khác để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam.

Thứ ba, giải pháp về truyền thông vận động xã hội

Đó là, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng và phát huy hiệu quả mạng lưới thông tin truyền thông từ Trung ương tới địa phương để tuyên truyền, phổ biến vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật; Nghiên cứu, xây dựng và cung cấp các chương trình, tài liệu truyền thông về sức khỏe phù hợp với phương thức truyền thông và các nhóm đối tượng; Lồng ghép chủ đề truyền thông của Chương trình Sức khỏe Việt Nam vào các chiến dịch truyền thông, các ngày, sự kiện sức khỏe trong năm như: Ngày Ung thư thế giới, Ngày Sức khỏe thế giới, Ngày Hen toàn cầu, Ngày Phòng chống tăng huyết áp thế giới, Ngày/Tuần lễ Không thuốc lá, Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu, Ngày Tim mạch thế giới, Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới,…và các sự kiện liên quan khác.

Thứ tư, giải pháp về nguồn lực

Nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình Sức khỏe Việt Nam được lồng ghép từ nguồn lực của các chương trình, dự án và từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành. Hằng năm, Bộ Y tế bố trí một khoản kinh phí để hỗ trợ cho một số hoạt động ưu tiên và hỗ trợ việc tổ chức thu thập số liệu, giám sát, đánh giá, xây dựng Báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam.

Huy động sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để hỗ trợ nguồn lực cho xây dựng các mô hình nâng cao sức khỏe cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe.

Việc thực hiện các hoạt động của Chương trình Sức khỏe Việt Nam cần bảo đảm nguyên lồng ghép trong kinh phí thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, lồng ghép trên cơ sở tăng cường, điều chỉnh, mở rộng các chương trình, dự án, đề án của các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan gồm.

Thứ năm, giải pháp về hợp tác quốc tế

Chủ động, tích cực hợp tác với các quốc gia, các viện, trường, các hiệp hội, tổ chức trong khu vực và trên thế giới trong nghiên cứu, đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho Chương trình Sức khỏe Việt Nam.

 Tăng cường hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan, tổ chức quốc tế và trong nước khác để hỗ trợ, thúc đẩy triển khai thực hiện các hoạt động; lồng ghép các dự án hợp tác quốc tế với hoạt động của Chương trình Sức khỏe Việt Nam nhằm thực hiện được các mục tiêu sức khỏe.

 Tăng cường chia sẻ các bài học kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai các chương trình, hoạt động để đạt các mục tiêu sức khỏe của Việt Nam.

Thứ sáu, giải pháp về theo dõi, giám sát và đánh giá

 Xây dựng khung giám sát và bộ công cụ để theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu, mục tiêu và hoạt động của Chương trình Sức khỏe Việt Nam, sử dụng thống nhất trên toàn quốc.

Thực hiện các điều tra, đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ để đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Lồng ghép thu thập số liệu trong điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, điều tra sức khỏe trường học, điều tra dinh dưỡng và điều tra của các ngành, các lĩnh vực.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và đề xuất thêm các lĩnh vực, các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.

Như vậy, Chương trình sức khỏe Việt Nam được Bộ Y tế tổ chức phát động đúng vào ngày thầy thuốc Việt Nam (27/02) có ý nghĩa đặc biệt, hy vọng với những mục tiêu đã xác định và việc thực hiện 6 giải pháp cụ thể đã nêu sẽ giúp cho việc nâng cao chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam một cách toàn diện và ngày càng hoàn thiện hơn./.


Các tin khác