Ở các các nước phát triển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, du lịch đã được xem là “ngành công nghiệp không khói” và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và chứa đựng trong đó nhiều nội dung văn hóa sâu sắc. Vì vậy, du lịch không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho nền kinh tế, tạo việc làm, phát triển các ngành dịch vụ, cơ sở vật chất hạ tầng, mà còn thúc đẩy hòa bình, giao lưu văn hóa. Ngày nay, trước xu hướng toàn cầu hóa, trước những tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên,... ngành du lịch muốn phát triển bền vững phải gắn với tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức của con người về bảo vệ thiên nhiên, môi trường và trải nghiệm cuộc sống gắn bó với tự nhiên, với sản xuất nông nghiệp, với những địa bàn nông thôn thuần túy. Với nhu cầu và bối cảnh như vậy đã xuất hiện một loại hình du lịch mới gọi là “du lịch nông nghiệp”.
Du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều khái niệm về du lịch nông nghiệp, nhưng luôn có bốn nội dung chính: kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; mục đích tăng thu nhập cho nông dân; tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Điểm đặc biệt của du lịch nông nghiệp chính là sự kết hợp giữa các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống tại khu vực nông thôn.
Loại hình du lịch này phát triển mạnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước và có nhiều cách gọi, chẳng hạn ở Anh là “du lịch nông thôn”, ở Mỹ là “du lịch trang trại”, Nhật Bản là “du lịch xanh” còn ở Pháp là “du lịch với cỏ cây”. Những năm gần đây, Việt Nam có những sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp các vùng miền trải dài từ Bắc tới Nam đã được hình thành, thu hút cả du khách trong và ngoài nước. Các tour du lịch nông nghiệp điển hình, như tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), nông trường Mộc Châu (Sơn La), làng rau Trà Quế (Quảng Nam), du lịch canh nông Đà Lạt (Lâm Đồng), du lịch miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long,... Thực tế, du lịch nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng rõ. Sự kết hợp của du lịch với nông nghiệp được xem là một hướng đi mới trong phát triển đa dạng ngành du lịch, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển bền vững quốc gia.
Thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp bền vững ở tỉnh Bình Thuận
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 25-10-2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển du lịch đến năm 2020 và Kế hoạch số 66-KH/TU, ngày 7-7-2017, của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và phát triển du lịch phải gắn với cộng đồng dân cư,... Và tỉnh Bình Thuận với tiềm năng “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” đã và đang phát triển đa dạng, phong phú các loại hình du lịch như du lịch biển, đảo và rừng tự nhiên. Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã định vị được thương hiệu du lịch Mũi Né trên bản đồ du lịch thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận còn có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và đặc trưng, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có thể triển khai phát triển du lịch nông nghiệp.
Thời gian qua, để phát triển du lịch nông nghiệp, Bình Thuận đã triển khai nhiều mô hình, mở nhiều tour, tuyến, điểm du lịch, như tour khám phá thác 9 tầng kết hợp tham quan vườn cây ăn trái ở thôn Đa Tro, xã Đa Mi; tour khám phá lòng hồ Hàm Thuận kết hợp tham quan các loại cây trồng trên các đảo giữa lòng hồ; phát triển các điểm tham quan nhà vườn tại xã Đa Kai, huyện Tánh Linh; tham quan trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long tại Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam; kết hợp City tour và tham quan vườn trồng rau Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc,...
Tỉnh Bình Thuận được xem là “thủ phủ cây thanh long”, với diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước, 30.000 ha. Cây thanh long đựoc xem là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh nhà. Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang triển khai thử nghiệm mô hình “Trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long cùng người dân Hàm Thuận Nam” với chương trình trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long, tham quan các vườn thanh long chong đèn, khám phá hoa thanh long nở, trải nghiệm sản xuất thanh long kết hợp thưởng thức ẩm thực chế biến từ thanh long; tổ chức các sản phẩm và dịch vụ đi kèm trong chương trình tham quan. Mô hình này nhằm kết hợp phát triển đa dạng loại hình du lịch với quảng bá, tìm kiếm thị trường cho mặt hàng cây thanh long.
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận cũng đã quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Bắc Bình với quy mô diện tích khoảng 2.000 ha. Dự kiến các loại hình sản xuất công nghệ cao sẽ áp dụng gồm các loại cây trồng cạn có giá trị, thích nghi khô hạn như nhóm rau các loại, gia vị; nhóm dược liệu; nhóm lương thực; thử nghiệm một số cây ăn quả nhiệt đới tưới ít nước,... trước tiên để cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu, sau gắn kết với phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Đối với các địa bàn vùng cao của các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, tỉnh chú trọng phát triển các vườn cây ăn trái, cây công nghiệp; tổ chức các điểm du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp trên các đảo, thác, xung quanh hồ thủy điện, thủy lợi. Với sự đa dạng của sản phẩm nông nghiệp trên các địa bàn của tỉnh nhằm tạo ra sự đa dạng hóa về sản phẩm du lịch, tiến tới phát triển du lịch nông nghiệp bền vững ở Bình Thuận.
Trên cơ sở phát triển du lịch nông nghiệp, trong thời gian sắp tới, tại tỉnh Bình Thuận, bên cạnh những khu tổ hợp du lịch cao cấp, Bình Thuận sẽ phát triển thêm sản phẩm khu nông thị du lịch kỹ thuật cao với những làng nông nghiệp trồng cây ăn trái, rau, củ, quả theo công nghệ cao kết hợp với điểm dân cư và điểm cư trú ngắn ngày tại chỗ nhằm phục vụ du khách muốn khám phá kỹ thuật canh nông. Hiện nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho dự án khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình với quy mô trên 1.100 ha, trong đó diện tích dành cho mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao khoảng 150 ha.
Một số giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp bền vững ở tỉnh Bình Thuận
Có thể thấy, du lịch nông nghiệp được xem là xu hướng phát triển mới của các địa phương trên cả nước. Người nông dân thông qua du lịch được dịp quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình và qua đó góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế chung của tỉnh. Để phát triển loại hình du lịch này, thiết nghĩ tĩnh Bình Thuận cần thực hiện những giải pháp như sau:
Một là, phát triển các tour du lịch nông nghiệp: vận động các nông hộ, tổ chức sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp du lịch, lữ hành và chính quyền địa phương tổ chức triển khai một số mô hình, mở các tour, tuyến, điểm du lịch, như tour khám phá cụm 3 thác, tham quan vườn cây ăn trái, các làng dân tộc Cờ Ho, Rắc lay ở thôn Đa Tro, xã Đa Mi; tour câu cá, khám phá lòng hồ Hàm Thuận kết hợp tham quan các loại cây trồng trên các đảo của lòng hồ Hàm Thuận; tour tham quan nhà vườn tại xã Đa Kai, huyện Tánh Linh; tour trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long, tại Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam; tour tham quan thành phố Phan Thiết và vườn rau Phú Long; tour tham quan hồ sông Lòng Sông; tour tham quan canh tác nông nghiệp kết hợp làng nghề gốm, gọ của bà con người Chăm tại xã Phan Thanh, Phan Hiệp, huyện Bắc Bình;...
Hai là, tăng cường mối quan hệ liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch, lữ hành: tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch; có chính sách phát triển nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế du lịch cho doanh nghiệp, tổ chức và nông hộ; có chính sách hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thuế sử dụng đất cho doanh nghiệp, tổ chức, nông hộ khi tham gia; có giải pháp đào tạo và tập huấn cho người nông dân có những kiến thức cơ bản về du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách;…
Ba là, xây dựng bộ tiêu chí cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt chuẩn mô hình phát triển du lịch nông nghiệp. Muốn thực hiện được điều này, các sở, ban, ngành có liên quan cần hướng dẫn cho doanh nghiệp, nông hộ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trở thành điểm thu hút khách tham quan.
Bốn là, khi phát triển du lịch nông nghiệp, cần có ý thức tốt trong việc bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, có như vậy mới phát triển được mô hình du lịch nông nghiệp một cách bền vững.
Tóm lại, với tiềm năng, lợi thế vốn có, cùng sự quan tâm đầu tư phát triển đúng mức, tôi tin rằng, tỉnh Bình Thuận có đủ điều kiện để phát triển ngành du lịch nông nghiệp với những đặc trưng tiêu biệt riêng biệt theo hướng bền vững trong thời gian tới ./.