Tin mới nhất

Ngày xuân thăm Mộ cụ Nguyễn Thông

Trong không khí se lạnh của đất trời Bình Thuận những ngày đầu xuân, chúng tôi đến thăm mộ cụ Nguyễn Thông - nhà trí thức yêu nước, nhà thơ, nhà văn và nhà hoạt động xã hội có ảnh hưởng lớn ở miền Nam nước ta nửa đầu thế kỷ XIX, người đã chọn Bình Thuận là quê hương thứ hai của mình làm nơi sinh sống, an nghỉ cuối đời.

Cụ Nguyễn Thông sinh ngày 28 tháng 5 năm 1827 tại làng Bình Thạnh, tổng Thạch Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).

Sinh thời ông là người học rộng, tài cao, được triều đình Huế giao giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Biện lý Bộ hình, Tư nghiệp Quốc tử giám Hàn lâm viện Thị giản học sĩ sung chức Doanh điền sứ, Bố chánh sứ Bình Thuận... Mặc dù làm quan trong triều nhưng cụ rất căm thù thực dân Pháp. Khi 6 tỉnh Nam kỳ lọt vào tay giặc Pháp vào năm 1867, cụ đã cùng một số sĩ phu bất hợp tác với giặc, chạy ra Bình Thuận, tìm kiếm vị trí đắc địa để thành lập căn cứ chống giặc lâu dài ở vùng đất phía tây Bình Thuận (nay thuộc địa bàn huyện Đức Linh và Tánh Linh).

Cụ Nguyễn Thông đã tập hợp dân “tị địa” lập ra “Đồng Châu xã” để tạo cho họ có tổ chức làm ăn sản xuất ổn định cuộc sống tại Bình Thuận sau khi lánh từ trong Nam ra nhằm chuẩn bị cơ sở cho việc tổ chức nghĩa quân đánh Pháp. Nhưng trước áp lực của giặc Pháp, triều đình nhà Nguyễn đã dừng việc mở mang đồn điền trên vùng đất này, kế hoạch của cụ không thành như mong muốn.

Cụ Nguyễn Thông là người có tư tưởng canh tân tiến bộ trên nhiều lĩnh vực như: giáo dục, kinh tế, lịch sử…. Trong thời gian ở Phan Thiết, cụ đã cất một ngôi nhà nhỏ đặt tên Ngoạ Du Sào nghĩa là “Tổ nằm chơi” để đọc sách làm thơ, cụ đã để lại nhiều tác phẩm văn thơ nổi tiếng như: Kỳ Xuyên văn sao, Ngọa Du Sào văn tập, Độn Am văn tập, Dưỡng chính lục, Việt sử cương giám khảo lược…

Ngày 7/7 năm Giáp Thân (27/8/1884), nhà yêu nước Nguyễn Thông từ giã cõi trần và an nghỉ vĩnh viễn trên quê hương thứ hai Bình Thuận. Sau khi cụ mất, thể theo nguyện vọng lúc sinh thời, gia đình đã an táng cụ dưới chân núi Ngọc Sơn (núi Cố), ở làng Ngọc Lâm (phủ Hàm Thuận), nay thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết.

Ngày nay, khu mộ cụ Nguyễn Thông, bên cạnh mộ phần của cụ, còn có mộ phần của những người thân trong gia đình như: vợ, con trai, con dâu, cháu nội, cháu dâu… Trong đó, mộ cụ Nguyễn Thông nằm ở vị trí trung tâm và nổi bật hơn cả. Ngôi mộ có chiều dài 9,45m; rộng 6,35m. Phần mộ chính đắp hình con lân tương tự như những ngôi mộ của người xưa. Trên mộ có tấm bia bằng đá, khắc chữ Hán, nội dung trên bia là bài văn bia do chính cụ Nguyễn Thông viết: “Sau khi ta trăm tuổi rồi, hồn phách còn nhớ đến núi này chăng? Hoặc rốt cuộc cũng về chốn không còn gì? Điều đó cũng không thể nào biết được. Còn như hoa rừng, trăng biển, buồm ngư phủ, chòi tiều phu vẽ lạ của khói mây thay đổi, hình thù của thuồng luồng chập chờn. Sau này, cảnh đó có thể giúp vào cuộc thưởng thức của tao nhân mạc khách vậy”.

Tiếp nối sự nghiệp của cụ, các con của cụ là các ông Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh… đã hưởng ứng và gây dựng phong trào Duy Tân ở Bình Thuận. Các ông đã vận động các địa chủ, hàm hộ và kể cả các viên chức có tư tưởng tiến bộ trong bộ máy chính quyền Pháp cùng tham gia tổ chức một số hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đó là các tổ chức “Liên Thành thương quán”, “Liên Thành thơ x㔓Dục Thanh học hiệu” (tức Trường Dục Thanh). Và tại Trường Dục Thanh cách nay hơn 100 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường cứu nước, cứu dân đã dừng chân dạy học và hình ảnh của Người khi ấy là thầy giáo Nguyễn Tất Thành mãi còn trong lòng người dân Bình Thuận.

Ngày xuân, xin thắp nén hương tưởng nhớ tiền nhân - cụ Nguyễn Thông, người có công với nước, với dân và trên mảnh đất quê hương thứ hai Bình Thuận, nơi cụ đã cống hiến sức lực và tài năng của mình, tên cụ đã được đặt tên đường, trường học và khu mộ cụ đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia tại Quyết định số 05/1999/QĐ-BVHTT ngày 12 tháng 02 năm 1999. Đó cũng là cách, người dân Bình Thuận hôm nay nhớ mãi về sự nghiệp, cuộc đời của nhà yêu nước Nguyễn Thông cũng như những đóng góp của cụ cho mảnh đất này./.

                                                                                      


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số