Thực tế, đội ngũ thầy thuốc nước ta hiện nay vẫn giữ được y đức và có những tấm gương thầy thuốc hết lòng vì người bệnh, ngày đêm tận tụy với công việc của mình vì sức khỏe của mọi người; chịu khó nghiên cứu những tiến bộ của y học để vừa làm chủ được các trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại, vừa có chuyên môn sâu, để đẩy lùi nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Bên cạnh đó, một số thầy thuốc còn tình nguyện hiến máu cứu chữa người bệnh, khám và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo. Và cũng có nhiều bác sĩ đã tình nguyện xung phong đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, chấp nhận gian khổ, thiếu thốn…thậm chí còn hy sinh một phần cuộc sống riêng tư…chỉ để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nơi đây.
Trong Thư gửi Hội nghị quân y vào tháng 3/1948, Bác Hồ kính yêu đã viết: Người ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền…Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu (1). Và cũng trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế vào tháng 2/1955, Bác cũng đã căn dặn những người thầy thuốc phải biết thật thà, đoàn kết: Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc (2). Bởi giữa cái đúng và cái sai trong y học đôi khi rất mong manh, vì vậy đòi hỏi người thầy thuốc phải có tâm, có tri thức, biết đoàn kết trong đồng nghiệp nhằm phát huy trí tuệ tập thể, biết yêu quí người bệnh hơn bản thân mình thì mới có thể giúp người bệnh vượt qua những khoảnh khắc sinh tử của cuộc sống.
Phần tiếp của bức thư, Bác cũng đã nói về y đức của người thầy thuốc đó là: Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn (3).
Thực hiện lời dạy của Bác, trong y học Việt Nam cũng đã có rất nhiều thầy thuốc nêu gương sáng cho chúng ta học tập cả chuyên môn lẫn đức hạnh như: Giáo sư - Bác sĩ Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách, Phạm Ngọc Thạch, Bác sĩ - Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm…
Và Bác còn căn dặn ngành Y tế phải biết xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây” (4).
Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó có người than phiền về y đức của những người thầy thuốc, về sự tắc trách thiếu tinh thần trách nhiệm của cơ sở y tế nào đó, nhưng đó chỉ là con số ít, không thể làm phai mờ những thành tích đáng tự hào mà ngành y tế nước ta đã đạt được.
Nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2014), xin gửi lời tri ân tới những người thầy thuốc. Hy vọng rằng xã hội ngày càng phát triển, tiêu cực trong ngành y sẽ bị đẩy lùi và ánh sáng của y đức sẽ ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng như lời Bác Hồ đã dạy: “Lương y phải như từ mẫu”./.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5.-H.Nxb CTQG, 2002.- tr.395.
(2) (3) (4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7.- H.Nxb CTQG, 2002.- tr.476 - 477.