Ghi nhận chuyến thực tế tại các tỉnh Miền Tây

Thực hiện Kế hoạch số 49-KH/TCT ngày 15 tháng 7 năm 2020 về việc đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang. Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã cử 13 giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, do Thạc sĩ Trần Thị Minh Hoài - Phó Hiệu trưởng nhà trường làm Trưởng Đoàn.

5h15p sáng ngày 20/7/2020 xe lăn bánh đưa đoàn chúng tôi rời TP. Phan Thiết  đến với huyện Tri Tôn - An Giang vào lúc 16h, điểm đầu tiên đoàn đến thăm Di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc. Đây là chứng tích về vụ thảm sát Ba Chúc, một tội ác chiến tranh gây ra bởi chính quyền Khmer Đỏ. Vụ việc xảy ra tại xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc), huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ngày 18/4/1978, quân Khmer Đỏ tràn vào Ba Chúc, thẳng tay chém giết những dân thường vô tội. Nhiều người chạy tới chùa Phi Lai, Tam Bửu và chạy lên núi Tượng nhằm ẩn náu, song cũng bị quân Khmer Đỏ tàn sát dã man.

Trong suốt 12 ngày chiếm đóng từ 18 đến 30/4/1978, quân Khmer Đỏ đã giết chết 3.157 dân thường. Chỉ có ba người sống sót sau vụ thảm sát. Cuối năm 1979, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã xây dựng quần thể chứng tích tội ác. Trong đó có nhà mồ là công trình chính hiện tại chứa đựng sọ của 1.160 nạn nhân. Cũng là lúc trời đã chập choạng tối, đoàn chúng tôi rời Ba Chúc đi theo Kênh Vĩnh Tế để về Thành phố Châu Đốc; với tôi lần đầu tiên được hiểu sâu kỹ hơn qua lời kể của các đồng chí trong đoàn về Kênh Vĩnh Tế, đây là kênh đào bằng sức người lớn nhất, có vị trí quan trọng nhất ở vùng biên giới Tây Nam nước ta trong thời phong kiến nhà Nguyễn. Kênh dài gần 100 km nối liền hai điểm du lịch nổi tiếng miền Tây là TP.Châu Đốc - tỉnh An Giang và thị xã Hà Tiên - tỉnh Kiên Giang. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trên lĩnh vực kinh tế và quốc phòng, gắn liền với tên tuổi của Thoại Ngọc Hầu. Rồi Đoàn chúng tôi về đến TP. Châu Đốc lúc trời đã tối đen, đêm đó chúng tôi được tự do tham quan tại TP.Châu Đốc và nghỉ ngơi; sáng hôm sau đoàn đến thăm Di tích Quốc gia Lăng Thoại Ngọc Hầu bậc tiền hiền có công khai phá, mở mang bờ cõi, giữ vững biên cương cho Việt Nam và thăm Miếu Bà Chúa Xứ - Núi Sam là di tích lịch sử, kiến trúc và tâm linh quan trọng của tỉnh và của khu vực.

Chia tay An Giang cả đoàn lên đường đến với tỉnh Đồng Tháp, Đoàn làm việc và nghe Cô Võ Thị Thủy, Phó hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp. Qua trao đổi, Cô Thủy cho biết: Đồng Tháp là một tỉnh có dân số 1.600.000 người với diện tích 3.300km2, có 12 huyện thị và 02 thành phố, 701 đơn vị khóm ấp. Tổng thu ngân sách của tỉnh năm 2019 là 8.103 tỉ. Đồng Tháp có thế mạnh về nông nghiệp, không chỉ phát huy giá trị tài nguyên bản địa, tỉnh đã tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nội dung “hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh”. Là tỉnh có điều kiện sản xuất, phát triển nông nghiệp tốt, hiện Đồng Tháp không chỉ có lúa, còn có cây kiểng (cây cảnh), xoài Cao Lãnh đã thâm nhập thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân… Mô hình “hội quán nông dân” chính là nơi kết nối tri thức, chia sẻ thông tin giữa các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân. Hiện tỉnh có 80 hội quán nông dân ra đời với trên 4.300 thành viên tham gia hoạt động gắn với từng ngành hàng đặc trưng của địa phương, trong đó có 17 hợp tác xã kiểu mới được thành lập trên nền tảng mô hình này; qua đó, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Đoàn được nghe trao đổi về kinh nghiệm giảng dạy của một số cán bộ chủ chốt của trường, hoạt động nghiên cứu thực tế của đội ngũ giảng viên với Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, Đoàn được một số đồng chí giảng viên của trường đưa đi tham quan một số địa điểm di tích lịch sử, văn hóa tại Đồng Tháp như:  mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, khu căn cứ Xẻo Quýt… Đặc biệt; Đoàn chúng tôi được thăm làng hoa kiểng Sa Đéc trước đây với tên gọi là làng hoa Tân Quý Đông, là một trong những làng nghề có truyền thống trồng hoa kiểng hơn 100 năm. Trải qua những thăng trầm của thời gian, từ vài trăm hộ trồng hoa kiểng theo “cha truyền con nối”, làng hoa dần dần phát triển thành làng nghề lớn mạnh và nổi tiếng khắp trong ngoài nước. Làng hoa kiểng Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp được mệnh danh là một trong những thủ phủ hoa lớn nhất ở Miền Tây Nam bộ. Hiện tại làng hoa có diện tích khoảng 500ha với hơn 2.000 hộ dân trồng hoa và có khoảng 2.500 loài hoa kiểng khác nhau. Đây là nơi tập kết hàng trăm loài hoa dị thảo cùng với nhiều loại cây kiểng quý hiếm có tuổi thọ hàng trăm năm. Làng nghề trồng hoa kiểng Sa Đéc giờ đây không chỉ là làng nghề truyền thống đầy tự hào của người dân nơi đây mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn của thành phố Sa Đéc thêm sức hút mãnh liệt đối với du khách gần xa.

Tạm xa Đồng Tháp, chiều ngày 22/7/2020 đoàn chúng tôi đến với Tiền Giang, sau buổi trao đổi, làm việc với lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang, Đoàn đã đi nghiên cứu thực tế việc khai thác du lịch của Tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre; đặc biệt, là du lịch sông nước. Việc khai thác du lịch tại các tỉnh này được thực hiện khá chuyên nghiệp, bài bản cùng với sự mến khách của dân địa phương nên thu hút khá nhiều khách du lịch từ các nơi đến tham quan. Các đặc sản của địa phương cũng đã được khéo léo lồng ghép trong hoạt động của tour, tạo dấu ấn riêng của miền quê sông nước. Trước khi tạm biệt Tiền Giang đoàn chúng tôi đến thăm Di tích chiến thắng lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút tọa lạc tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang, nằm bên bờ sông Tiền, cách thành phố Mỹ Tho chừng 12km về phía Tây và nằm trên Tỉnh lộ 864. Đây là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử ghi dấu chiến công chống ngoại xâm của nhân dân xứ Đàng Trong và là trận thủy chiến lớn nhất trong 5 thế kỷ của dân tộc ta sau chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, đã toàn thắng. Ngày 2/12/1992 Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích cấp quốc gia và đến ngày 31/12/2014 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Miền Tây đồng bằng xanh thẳm, nơi thiên nhiên ưu đãi hai mùa mưa nắng, con người hiếu khách, chân thành. Những con người miền Tây luôn thân thiện, sống tình cảm và yêu đời, yêu người, hiền lành, mộc mạc, chất phát. Với tôi mỗi lần đến, rồi tạm biệt với niềm luyến tiếc, ước mong miền đất sông nước Tây Nam Bộ này lưu giữ mãi cái nét đặc trưng của một vùng văn hóa đậm dấu ấn của lịch sử khai phá mở đất mở cõi, mang đầy tính cách phóng khoáng nhưng dũng cảm kiên cường của người dân phương Nam. Mặc khác, qua những chuyến thực tế ngoài tỉnh như thế này chúng tôi thu nhận rất nhiều kiến thức thực tiễn về chính trị, kinh tế, văn hóa của mỗi địa phương mình đến, và trao đổi với trường bạn về công tác quản lý, mở lớp, giảng dạy, đi nghiên cứu thực tế của giảng viên học viên… tiếp nhận những điểm hay, mới, cách làm sáng tạo đem về áp dụng trong công tác của nhà trường. Bên cạnh đó, truyền tải đến học viên tỉnh nhà về việc khai thác những thế mạnh về du lịch, văn hóa của địa phương, góp phần vào quá trình xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu đẹp./.


Các tin khác