Tin mới nhất

Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3

Hằng năm, cứ đến ngày 8/3 là khắp nơi trên thế giới tràn ngập hoa và không khí lễ hội. Nhưng để có được điều này, nhiều thế hệ phụ nữ trên thế giới đã đấu tranh bằng cả nước mắt và xương máu để làm nên lịch sử ngày 8/3.

Lịch sử ngày 8/3/1857 được xem là ngày bắt đầu của phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng của phụ nữ. Sự kiện đó bắt đầu từ những cuộc đình công của nữ công nhân ngành dệt ở New York chống lại những điều kiện làm việc tồi tàn và trả lương thấp, yêu cầu nâng cao chất lượng làm việc và những yêu cầu về quyền lợi cho phụ nữ. Tiếp đến ngày 8/3/1899, tại hai thành phố Chi-ca-gô và New York đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may đòi tăng lương, giảm giờ làm; đến ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ tuần hành trên đường phố New York cũng với mục đích đòi tăng lương, giảm giờ làm và hủy bỏ việc bắt trẻ em làm việc. Các cuộc biểu tình này đã bị bọn tư bản đàn áp dã man, nhưng chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh chống lại chúng với tinh thần phản kháng rất mạnh mẽ đã lan rộng khắp nơi và trở thành phong trào rộng lớn.

 

Do có những cuộc biểu tình và phong trào đòi quyền bình đẳng đó, năm 1910 Đại hội phụ nữ quốc tế XHCN họp tại Cô-pen-ha-gen (thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm “Ngày Quốc tế Phụ nữ”, ngày đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ với những khẩu hiệu:

                                      Ngày làm 8 giờ

                                      Việc làm ngang nhau

                                      Bảo vệ bà mẹ và trẻ em

Như vậy, những nội dung chính của Đại hội đều liên quan đến việc đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, cụ thể: Ngày làm việc 8 giờ để lao động nữ có thời gian chăm sóc con cái; giờ làm việc của nam và nữ như nhau thì tiền công phải ngang nhau; nữ lao động có con nhỏ phải được dành thời gian cho con bú. Với ý nghĩa và tinh thần đấu tranh đòi quyền bình đẳng của phụ nữ, ngay từ đầu thế kỷ XX, cả thế giới đã có cách nhìn nhận lại vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội. Họ không chỉ là những người mẹ, người vợ trong gia đình mà còn là một lực lượng sản xuất quan trọng tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Bằng lao động sáng tạo của mình, phụ nữ đã góp phần làm giàu cho xã hội, làm phong phú cuộc sống con người. Phụ nữ luôn thể hiện vai trò không thể thiếu của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực hoạt động vật chất, phụ nữ là một lực lượng trực tiếp sản xuất ra của cải để nuôi sống con người, không chỉ tái sản xuất ra của cải vật chất, phụ nữ còn tái sản xuất ra bản thân con người, làm tròn thiên chức của người mẹ, người vợ để duy trì và phát triển xã hội.

Cùng với sự phát triển chung của xã hội, phụ nữ ngày càng phải phấn đấu nhiều hơn nữa, đáp ứng các yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc và kinh nghiệm ứng xử trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Bên cạnh đó, phụ nữ cần phải có sức khỏe, có công việc làm và thu nhập ổn định, có kỹ năng tổ chức cuộc sống để duy trì hạnh phúc gia đình.

Phụ nữ vừa làm trách nhiệm của một công dân trong xã hội, vừa làm thiên chức của người vợ, người mẹ. Vì vậy, giúp phụ nữ luôn hạnh phúc trong cả công việc lẫn gia đình thì đó mới thực sự là bình đẳng giới. Để ngày Quốc tế phụ nữ thực sự có ý nghĩa, người phụ nữ không chỉ mong muốn được tặng quà và những lời chúc tốt đẹp mà bản thân người phụ nữ cần phải nói lên những khát vọng, mạnh dạn thể hiện năng lực của mình, có như thế tinh thần ngày 8/3 mới thực sự là ngày quốc tế phụ nữ./.

                                                                                     


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số