Tin mới nhất

Án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Luật thành văn dù có chặt chẽ, rõ ràng, ổn định, song cũng có những hạn chế là cứng nhắc, giáo điều và nhiều khi lạc hậu trước thực tiễn cuộc sống. Án lệ chính là một dạng nguồn quan trọng của pháp luật, bổ khuyết cho những nhược điểm đó.  

Án lệ được hiểu là những bản án, quyết định đã được Tòa án tuyên ra trước đây để giải quyết những sự việc cụ thể trên thực tế. Những bản án đó trở thành khuôn mẫu, trở thành cơ sở để Tòa án sử dụng trong xét xử nhằm đưa ra phán quyết trong những vụ việc có tình tiết, vấn đề tương tự sau đó. Để một bản án, quyết định của Tòa án trở thành án lệ thì nó phải có tính khuôn mẫu, có thể áp dụng lại sau này để làm cơ sở cho việc xét xử đối với những trường hợp tương tự chưa có pháp luật điều chỉnh hoặc có, nhưng không phù hợp với thực tiễn.

Án lệ trong lịch sử pháp lý thế giới.

Đối với hệ thống pháp luật Civil Law (hay gọi đơn giản là hệ thống pháp luật Pháp-Đức), án lệ có một lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời. Từ năm 193 đến năm 211 sau công nguyên,  Được khởi nguồn từ việc Hoàng đế Severus cai trị La Mã từ năm 193 đến năm 211 cho phép các thẩm phán bổ sung những lỗ hổng của luật thành văn bằng tập quán và thực tiễn xét xử của các vụ việc tương tự. Mặc dù lịch sử áp dụng án lệ đã từng có nhiều thăng trầm, nhưng đối với hệ thống Civil Law hiện nay vẫn là một nguồn cực kỳ quan trọng trong áp dụng pháp luật tại các quốc gia thuộc hệ thống Civil Law. Lấy dẫn chứng pháp luật Cộng hòa Liên bang Đức, việc tuân thủ án lệ không chỉ là trách nhiệm của Tòa án mà còn thuộc về các luật sư, bởi giá trị áp dụng của án lệ rất rộng rãi, nếu không chú ý đến các án lệ của các toà án cấp cao, thì luật sư có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng vì tư vấn không đúng.

Đối với hệ thống pháp luật Common Law (gọi đơn giản là hệ thống pháp luật Anh-Mỹ), án lệ được xem là nguồn luật cơ bản, một số nhà nghiên cứu đã so sánh án lệ “như là mạch máu” xuyên suốt hệ thống pháp luật Common law. Trong hệ thống pháp luật Mỹ, án lệ của tiểu bang cấp dưới sẽ phải tuân thủ án lệ của tiểu bang cấp cao và án lệ của Tòa án tối cao mỗi tiểu bang sẽ có giá trị pháp lý cao nhất.

Mặc dù có nhiều điểm khác biệt trong cách sử dụng án lệ của hai hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới nêu trên, nhưng nhìn chung có thể đưa ra nhận định, việc áp dụng án lệ của nhiều nước trên thế giới rất phổ biến, đặc biệt là các quốc gia phát triển.

Án lệ trong lịch sử pháp lý Việt Nam.

“Án lệ” không phải là thuật ngữ hoàn toàn mới trong nền lập pháp Việt Nam, lịch sử pháp lý nước ta đã có những quy định về án lệ, từ thế kỷ thứ 15, Bộ luật Hồng Đức đã có nhiều điều khoản mang dấu ấn, sự tổng kết từ “án lệ”[1]. Nhưng chỉ đến Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP thì những quy định về án lệ mới thực sự được thay một lớp áo mới, quan trọng hơn và có tính áp dụng cao hơn. Trước đó, cho dù án lệ không được coi là một dạng nguồn của pháp luật chính thức, nhưng thực tế, “án lệ” bằng cách này hay cách khác đã và đang hiện diện trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Những văn bản tổng kết hướng dẫn nghiệp vụ xét xử hằng năm của Tòa án nhân dân tối cao, các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phục vụ cho công tác xét xử .v.v. từ lâu cũng đã là những “tiền lệ” phục vụ cho các tòa án cấp dưới trong hoạt động xét xử.

Dưới góc độ học thuật, nền pháp luật Việt Nam không thuộc về trường phái Civil Law hay Common Law, hệ thống pháp luật của chúng ta được thiết lập theo quan niệm của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bắt nguồn từ Liên Xô, là hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, có sự giao thoa giữa nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới, được xây dựng một cách đặc biệt và hài hòa, phù hợp với đặc thù riêng của thể chế chính trị. Việc tồn tại nguyên tắc “stare decisis” (nguyên tắc bắt buộc tuân theo án lệ) chưa từng xuất hiện trong thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, điều này có nghĩa án lệ từ trước đến nay án lệ là một nguồn để tham khảo chứ không phải là một nguồn để áp dụng.

Câu hỏi đặt ra là, nhà làm luật không thể dự liệu hết tất cả mọi trường hợp xảy ra trong thực tế, nhiều quy định mơ hồ, có thể bị hiểu theo nhiều nghĩa, vì vậy nhu cầu giải thích pháp luật là rất lớn, nhưng tại sao đến thời gian gần đây án lệ mới trở thành một dạng nguồn chính thức của pháp luật ở Việt Nam?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là qui định bất hợp lý trong Hiến pháp liên quan đến việc “giải thích pháp luật” tại Điều 91 Khoản 3 Hiến pháp năm 1992 vẫn chưa được bãi bỏ và được tiếp tục được ghi nhận tại Điều 74 Khoản 2 Hiến pháp năm 2013, Điều khoản này qui định: “Ủy ban Thường vụ quốc hội có quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.” Đây là qui định bất cập và cũng chưa bao giờ được vận dụng trên thực tế. Cơ quan có nhu cầu giải thích luật thực sự phải là Tòa án, chứ không phải Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền là hệ thống pháp luật phải có tính thống nhất, đồng bộ. Tuy nhiên, có một thực tế là thay vì công tác làm luật và thực thi luật phải “đi thẳng, đi đúng”, thì ta lại đang “đi lộn đầu”. Người ta nói Hiến pháp và các đạo luật phải ở vị trí tối thượng, nhưng ở Việt Nam những văn bản này trên thực tế bị đẩy xuống hàng thứ yếu, còn Nghị định và Thông tư mới là những văn bản được áp dụng, viện dẫn trong hoạt động áp dụng pháp luật của đời sống thường ngày.

Ở Việt Nam, ngày 24/5/2005 Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48- NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020, trong đó đã đặt ra giải pháp “nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ, tập quán, kể cả tập quán và thông lệ quốc tế và quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung hoàn thiện pháp luật”. Tiếp theo, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/6/2005 đã xác định “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.

Tuy nhiên, có nhiều quan điểm đối lập nhau về vấn đề này. Ý kiến phản đối sử dụng án lệ cho rằng, pháp luật nước ta nghiêng nhiều về hệ thống Civil Law, chủ yếu là luật thành văn, việc áp dụng án lệ lúc này sẽ tạo nên sự tùy tiện trong việc xét xử. Việc áp dụng án lệ vào xét xử hoàn toàn không phù hợp còn bởi hệ thống pháp luật không ngừng thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn nên trong từng giai đoạn cụ thể thì chính sách pháp luật không hoàn toàn giống nhau.

Quan điểm đồng tình thì cho rằng, thực tiễn đã chứng minh không một hệ thống pháp luật nào có thể bao trùm tất cả các quan hệ xã hội, tốc độ phát triển của xã hội rất nhanh, pháp luật ban hành ngày càng thiếu và nhiều lỗ hổng, việc tăng tốc hoạt động lập pháp dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn không thể theo kịp. Pháp luật đặt ra là để duy trì trật tự xã hội, vậy thì tại sao không thừa nhận một thực tiễn pháp lý đã được nhiều quốc gia tiến bộ áp dụng để giải quyết một phần những lỗ hổng đó, mục đích của sử dụng án lệ cũng là mục đích của pháp luật, nếu đã thấy ưu điểm của nó thì cần phải mạnh dạn áp dụng thì mới có thể quản lý xã hội hiệu quả.

Luật Tổ chức TAND năm 2014 chính thức thừa nhận vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam “Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, bản án quyết định pháp luật đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu và áp dụng trong xét xử”.

Việc cải cách là điều hợp lý để phục vụ cho mục đích xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với sự phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Những tư duy theo lối mòn và mang tính chất bảo thủ cần phải được thay đổi bởi xã hội không bao giờ dừng lại hay vận động theo mong muốn của bất cứ cá nhân nào. Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP thừa nhận việc áp dụng án lệ vào xét xử và công bố 6 bản án lệ đầu tiên theo quyêt định số 220/QĐ-CA ngày 06/4/2016 là một bước đi tiến bộ, nhưng cần một quá trình dài xem xét về việc lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ một cách phù hợp, chính xác.

Pháp luật không tự nhiên có, không tự nhiên có thể hoàn thiện, mà cần phải được hỗ trợ, xây dựng và bảo vệ. Án lệ cũng vậy. Án lệ có thể thực sự trở thành một dạng nguồn pháp luật chính thức và phát huy tác dụng tích cực ở Việt Nam hay không, phần nhiều phụ thuộc vào chiến lược và giải pháp tổng thể phù hợp. Về mặt lý thuyết, cần làm rõ ở chừng mực nào, phạm vi nào thì Tòa án có quyền giải thích luật, trường hợp nào thì Thẩm phán được áp dụng tương tự pháp luật, áp dụng tương tự qui phạm pháp luật. Cần phải giao cho Tòa án quyền giải thích pháp luật, thực thi các biện pháp đảm bảo vị thế độc lập của cơ quan tư pháp, đảm bảo sự độc lập của thẩm phán, nâng cao trình độ thẩm phán, công khai hóa các bản án. Làm được những việc trên, chắc chắn án lệ sẽ trở thành một nguồn quan trọng của pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong tương lai./.

 


[1] Điều 396 qui định: “Ông tổ là Phạm Giáp sinh con giai trưởng là Phạm Ất, thứ là Phạm Bính. Ông tổ Phạm Giáp có ruộng đất hương hỏa 2 mẫu đã giao cho con trưởng là Phạm Ất giữ. Phạm Ất đã đem 2 mẫu ấy nhập vào với ruộng đất của mình mà chia cho các con, chỉ còn 5 sào để cho con trai của Phạm Ất giữ làm hương hỏa. Con trai của Phạm Ất lại sinh toàn con gái mà con thứ là Phạm Bình có con trai lại có cháu trai, thì số 5 sào hương hỏa hiện tại phải giao lại cho con trai, cháu trai Phạm Bình. Nhưng không được đòi lại cho đủ 2 mẫu hương hỏa của tổ trước mà sinh cạnh tranh.”


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số