Thời điểm đó nghe đã là ghê lắm. Nhưng càng về sau thì càng lộ ra những vụ án oan lớn hơn; cụ thể như vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận phải ngồi tù oan 17 năm. Ông Nén được mệnh danh là “người tù thế kỷ”, vì bị oan sai trong 2 vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng. Để minh oan cho ông Nén, ông Nguyễn Thận và người cha đẻ của ông Nén là ông Huỳnh Văn Truyện đã cất công hàng chục năm trời đi gõ cửa khắp các cơ quan từ địa phương đến trung ương để tìm công lý. Gần đây nhất là vụ ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh), người vừa được TANDTC tổ chức công khai xin lỗi ngày 11/8/2016, sau 43 năm ông Thêm phải mang trên mình nỗi oan giết người em họ. Còn nữa, thời gian tới đây TANDTC cũng sẽ làm việc như đã làm với những người bị oan sai vừa qua đối với ông Trần Văn Vót ở xã Phúc Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông Vót bị ngồi tù với bản án chung thân về tội giết người (bị quy kết là người ném lựu đạn trong vụ án ở vườn bạc hà, xã Phúc Phúc, Lý Nhân Hà Nam, làm chết anh Trần Văn Việt). Ông Vót đang thụ án ở trại giam Hà Nam từ năm 1992 đến nay. Suốt hơn 20 năm qua, gia đình ông Vót đã đi gõ cửa kêu oan khắp các cơ quan tư pháp từ địa phương đến trung ương nhưng đều bị rơi vào im lặng. Không chỉ người thân của gia đình đi kêu oan mà chính cụ Trần Anh Điền là bố của nạn nhân bị chết (anh Việt) cũng đi kêu oan cho ông Vót. Họ đã tìm đến GS TS Nguyễn Lân Dũng và đại biểu QH ở Hà Nam là bà Trần Thị Quốc Khánh; thế rồi những người này đã đồng hành với họ đi tìm công lý. Bà Khánh đã vào tận trại giam để gặp ông Vót nhằm thu thập thêm thông tin, GS Nguyễn Lân Dũng cất công tìm hiểu, xem xét kỹ vụ việc rồi tháng 4/2015 đã viết thư gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã gửi công văn đến TANDTC và VKSNDTC yêu cầu điều tra xem xét. Và theo thông tin mới đây nhất từ ông Nguyễn Hòa Bình- Chánh án TANDTC cho biết thời gian qua các cơ quan Tư pháp T.W đã có nhiều cuộc họp, bây giờ còn lại cuộc họp cuối cùng để đi đến quyết định chính thức. Gần đây, Bộ quốc phòng đã có công văn gửi TANDTC đề nghị xóa án về tội giết người cho ông Vót (Bộ QP có ý kiến vì vụ án này liên qua sử dụng vũ khí- lựu đạn trái phép). Gia đình ông Vót đang khẩn thiết yêu cầu các cơ quan chức năng có kết luận chính thức để minh oan cho ông về với gia đình sớm ngày nào hay ngày đó, vì đã ngồi tù oan hơn 23 năm ròng.
Người xưa có câu: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, nghĩa là một ngày ở tù bằng nghìn thu ở ngoài. Cái giá phải trả cho việc ngồi tù oan sai không thể gì tính nỗi. Thế nhưng, thời gian gần đây có những vụ án không giống ai lại tiếp tục diễn ra, như vụ quán cà fe Xin chào, và tiếp đến là vụ 2 thanh niên (tuổi chưa thành niên) ở quận Thủ Đức, vì đói nên cướp 2 ổ bánh mì nên đã bị kết án người 10 tháng, người 8 tháng tù. Và hiện nay đang rộ lên vụ dọa khởi tố người sửa chữa, mua bán điện thoại “cùi bắp” ở quận 10 TP HCM, khiến mọi người phải giật mình!. Ngược lại vụ án làm vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn người dân ở Hà Nội thì được đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với 4 bị can (nguyên là những người có chức vụ đã chỉ đạo việc làm sai trái gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này). Những “kỳ án” đó đang gây bức xúc trong dư luận. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo cơ quan bảo vệ pháp luật ở TW đã chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét lại để đảm bảo tính đúng đắn của pháp luật và xử lý những người gây sai trong hoạt động tố tụng.
Cán cân công lý vốn dĩ là công bằng đối với mọi người, nhưng để xảy ra oan sai với người vô tội, bỏ lọt tội phạm là chủ yếu từ người “nãy mực, cầm cân”. Song cũng cần phải có cái nhìn toàn diện rằng sai sót trong quá trình hoạt động tố tụng là điều khó tránh khỏi. Chính vậy không vì những điều sai đã xảy ra mà phủ nhận những giá trị to lớn của nền tư pháp nước nhà mang lại cho sự ổn định của đất nước và cuộc sống của nhân dân. Để khắc phục thiệt hại cho người bị oan sai, từ năm 2010, Nhà nước ta đã ban hành Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Từ đó đến nay rất nhiều vụ án oan đã được cơ quan chức năng tổ chức công khai xin lỗi và bồi thường cho người bị oan. Đó là đạo lý, và đó là nhân văn của Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân./.