Tin mới nhất

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ trong giai đoạn hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người học trò xuất sắc của Mác - Ăngghen - Lênnin - là người kế thừa và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề phụ nữ và cán bộ nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thức được vị trí vai trò, khả năng của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội và Người rất quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ. Người đã khẳng định:“Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ...  Muốn có nhiều sức lao động để sản xuất thì phải giải phóng sức lao động phụ nữ. Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng CNXH chỉ một nửa”(1).

Nghiên cứu vai trò của phụ nữ thể hiện qua các cuộc cách mạng trên thế giới như cách mạng Pháp, cách mạng Nga, Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Xem trong lịch sử cách mệnh, chẳng có lần nào mà không có đàn bà, con gái tham gia”(2). Từ đó, Người khẳng định: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”(3). Trong lễ kỷ niệm 36 năm ngày thành lập Hội Liện hiệp Phụ nữ Việt Nam, Người nói: Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ chỗ xác định vị trí, vai trò to lớn của phụ nữ đối với toàn xã hội nói chung, với sự nghiệp cách mạng nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra địa vị kinh tế, chính trị, xã hội quy định quyền bình đẳng của phụ nữ. Vì vậy, điều căn bản có ý nghĩa quyết định cho sự bình đẳng của phụ nữ là phải giải phóng sức lao động của phụ nữ, tạo điều kiện để chị em tham gia lao động sản xuất, quản lý kinh tế, tham gia công tác xã hội cùng với nam giới. Nhưng để thực hiện được điều đó thì trách nhiệm trước hết phải thuộc về Đảng, theo Người, Đảng phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng phải biết làm việc nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ nhặt nhưng hết sức khoa học, khách quan, bắt nguồn từ khoa học con người, từ sự hiểu biết sâu sắc đó, Người đã đề nghị tổ chức tốt nhà trẻ, mẫu giáo, bếp ăn tập thể để giúp chị em có điều kiện, thời gian, yên tâm tham gia học tập, lao động sản xuất. Người đặc biệt lưu ý các cấp lãnh đạo trong việc phân phối hợp lý công tác cho phụ nữ. Tuy nhiên, trong Di chúc, Người cũng nhấn mạnh: “Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”. Người lưu ý đối với phụ nữ: Không nên ỷ vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, cố gắng phấn đấu; phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật.

Đảng và Nhà nước ta ngay từ khi ra đời, đã xác định phụ nữ là lực lượng quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Do đó, trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ. Nhất là trong những năm gần đây, Đảng ta, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cán bộ nữ, như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị "Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước"; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư, Khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình (21/11/2007), Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 và vào ngày 03/3/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021- 2030… Đây là những chủ trương hết sức quan trọng mở ra một hướng mới đối với việc xây dựng, phát triển đội ngũ phụ nữ cả về số lượng và chất lượng; tạo cơ sở nền tảng để cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng chăm lo nâng cao hiệu quả, chất lượng của đội ngũ phụ nữ nhằm phát huy tiềm năng to lớn của đội ngũ này trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo”(4).

Xứng đáng với sự tin cậy của Đảng Nhà nước, phụ nữ Việt Nam ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Hiện nay, phụ nữ nước ta chiếm hơn một nửa dân số và đóng vai trò hết sức quan trọng trên các lĩnh vực hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động sản xuất tinh thần, hoạt động tái sản xuất, hoạt động lãnh đạo, quản lý, tham gia sinh hoạt và quản lý cộng đồng. Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, có 133 nữ đại biểu trúng cử, đạt 26,8% tổng số đại biểu Quốc hội, tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước và cao hơn mức trung bình của thế giới là 25%. Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ 71/193 quốc gia, thuộc nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên phụ nữ tham gia một số vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các cơ quan lập pháp. Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội, 3 Ủy viên Bộ Chính trị là nữ và cả 3 người đều là đại biểu Quốc hội. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cũng tăng so với nhiệm kỳ trước, đạt tỷ lệ 26,72% đối với cấp tỉnh; 27,5% đối với cấp huyện và 26,59% đối với cấp xã(5). Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (diễn ra vào ngày 23/5/2021) tới đây là cơ hội để tiếp tục hiện thực mục tiêu tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đã quy định tỷ lệ phụ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND phải đạt ít nhất 35% nhằm đảm bảo khả năng trúng cử của phụ nữ.

Tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cấp bộ, các ngành chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở ba cấp (trong Đại hội Đảng các cấp thời gian qua) tăng cả về số lượng và chất lượng, cụ thể: ở cấp cơ sở, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đạt 21%, tăng 2% so nhiệm kỳ trước; đối với cấp trên cơ sở, tỷ lệ này đạt tỷ lệ 17%, tăng 2% so với nhiệm kỳ trước; các đảng bộ trực thuộc trung ương, tỷ lệ này là 16%, tăng 3% so nhiệm kỳ trước; cả ba cấp, có hơn 4.200 cán bộ nữ được giới thiệu và bầu trúng các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền(6). Với đức tính cần cù, cẩn thận; được đào tạo cơ bản cả trong và ngoài nước; phát huy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đội ngũ lao động nữ đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu cùng đội ngũ lao động cả nước đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

 Bên cạnh đó, nhiều cán bộ nữ đã khẳng định được vị trí, năng lực của mình trong các lĩnh vực trước đây được coi là chỉ dành riêng cho nam giới như: nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, các ngành công nghệ mới, kỹ thuật cao, kinh doanh, thể thao… Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhiều chị em phụ nữ cũng đã đạt được thành tích đáng khích lệ, tiêu biểu là: Xây dựng các mô hình CLB doanh nghiệp nữ, CLB phụ nữ sản xuất giỏi….

Ngày nay, phụ nữ cũng đã không ngừng ra sức học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt: tỷ lệ nữ sinh viên chiếm trên 50%, thạc sỹ là nữ chiếm hơn 30% và hơn 17,1% tiến sỹ là nữ giới(7). Điều đáng trân trọng là hầu hết các nhà khoa học nữ đều nhiệt tình, say mê với công tác. Nhiều cá nhân và tập thể lao động nữ được nhận nhiều danh hiệu cao quí như: thầy thuốc ưu tú, nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ nhân… Có thể nói, dù ở đâu, trong lĩnh vực hoạt động nào, phụ nữ cũng làm việc, cống hiến hết sức mình cho xã hội. Đội ngũ phụ nữ đã phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và đã nâng địa vị của mình lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, trong thực tế, một số chính sách đối với phụ nữ còn thiếu cụ thể, chưa sát hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa phương, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu mới; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ nữ chậm đi vào cuộc sống, thiếu những cơ chế thích hợp để phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Công tác tham mưu, đề suất các chính sách liên quan đến phụ nữ, thực hiện giám sát, phản biện xã hội còn khó khăn, lúng túng. Việc đầu tư nghiên cứu, khảo sát, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm các Mô hình phụ nữ hoạt động có hiệu quả và định hướng chỉ đạo có tính chất lâu dài còn nhiều hạn chế. Cơ hội để phụ nữ được tiếp cận việc làm có thu nhập cao còn ít, chưa đạt yêu cầu; phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và quản lý chủ yếu ở quy mô nhỏ và gặp nhiều thách thức trong thời kỳ hội nhập. Việc tiếp cận với thông tin và nhận thức của phụ nữ về pháp luật còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, cán bộ nữ mất khá nhiều thời gian và sức lực vào công việc nội trợ của gia đình mà ít được chia sẻ. … Những khuyết điểm, hạn chế đó đã tạo ra những lực cản, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển và cống hiến của phụ nữ.

Vì vậy, để xây dựng và nâng cao chất lượng phụ nữ trong giai đoạn mới, Đảng và Nhà nước phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về giới, quyền bình đẳng giới trong các lĩnh vực. Duy trì, nhân rộng một số mô hình, phương thức hoạt động hiệu quả và một số mô hình mới, như: hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thu hút nam giới tham gia các hoạt động vì bình đẳng giới… Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để phục vụ công tác chỉ đạo, tham mưu, đề xuất chính sách, phản biện xã hội. Xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt cán bộ nữ. Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ phải đồng bộ, nhất quán, có lộ trình và có chính sách kèm theo một cách thích hợp. Chú trọng đào tạo thực chất, toàn diện bao hàm đầy đủ cả những tiêu chuẩn và điều kiện. Cần sớm thành lập bộ phận cán bộ chuyên trách về công tác phụ nữ. Cần phải đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ Hội LHPN. Ngoài ra, phải phối hợp, duy trì và đẩy mạnh cơ chế phối hợp trong triển khai các đề án, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển KT-XH ở các địa phương. Đa dạng hóa các nguồn lực xã hội trong công tác phụ nữ, bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ nghèo, khó khăn, như: chủ động xây dựng các hoạt động, dự án khai thác nguồn viện trợ quốc tế, phát huy trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp; tổ chức, vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức tôn giáo tham gia vào các sự kiện gây quỹ… Bên cạnh đó, chính bản thân các cán bộ nữ không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam vươn lên đóng góp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giải phóng phụ nữ, xây dựng một đội ngũ phụ nữ mới là yêu cầu khách quan của công cuộc đổi mới đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Đây cũng là trách nhiệm của toàn Đảng, của các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của tổ chức đảng các cấp từ trung ương đến cơ sở nhằm nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ, tạo điều kiện để các tầng lớp phụ nữ đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội, góp phần thúc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.


(1). Hồ Chí Minh: toàn tập, NXB.CTQG, H, 2011, tập 4, tr199-200.

(2). Sđd, tập 12, tr511.

(3). Sđd, tập 2, tr315.

(4). Sđd, tập 10, tr 537.  

(5). Phương Liên: Tạo cơ hội cho phụ nữ tham chính qua bầu cử, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ra ngày 24/03/2021.

(6). Hương Thu: Bảo đảm tham gia bình đẳng của nữ đại biểu dân cử, Báo Nhân dân điện tử, ra ngày 26/02/2021

(7). Bình đẳng giới ở Việt Nam: Thành tựu và thách thức, Tạp chí Công tác cán bộ nữ ra ngày 09/10/2017.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số